13/01/2025

Hai đại dự án metro vỡ kế hoạch

Tuyến metro số 1 còn đang khốn khổ vì thiếu vốn, TP.HCM lại mới xin gia hạn thực hiện dự án metro tuyến số 2 khiến bức tranh đường sắt đô thị trên cao của TP ngày càng trở nên xa vời.

 

Hai đại dự án metro vỡ kế hoạch

Tuyến metro số 1 còn đang khốn khổ vì thiếu vốn, TP.HCM lại mới xin gia hạn thực hiện dự án metro tuyến số 2 khiến bức tranh đường sắt đô thị trên cao của TP ngày càng trở nên xa vời.



Dự án metro số 1 đang bị đình trệ /// Ảnh: Độc Lập

Dự án metro số 1 đang bị đình trệẢNH: ĐỘC LẬP

Tuyến 1 “đói” vốn, tuyến 2 hoãn
Cụ thể, trong văn bản vừa gửi Thủ tướng, UBND TP.HCM xin gia hạn thời gian thực hiện dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đến năm 2020. Việc xin ý kiến Thủ tướng là cơ sở gia hạn các hiệp định vay hiện tại.
TP sẽ trả toàn bộ phí cam kết phát sinh sau khi gia hạn các hiệp định vay đã ký, đồng thời không sử dụng khoản vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án. Thay vào đó, TP sẽ bố trí vốn ngân sách để triển khai thực hiện hạng mục này. Nếu được Thủ tướng chấp thuận, tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương sẽ chậm hơn 7 năm so với kế hoạch ban đầu.
Tuyến metro số 2 được đánh giá là quan trọng nhất của TP.HCM với năng lực vận chuyển lên tới 481.700 người/ngày vào năm 2025. Theo kế hoạch, tuyến metro số 2 phải hoàn thành vào cuối năm 2016 nhưng đến nay vẫn còn loay hoay với việc giải phóng mặt bằng và điều chỉnh hồ sơ đấu thầu, mời thầu. Trong buổi làm việc với UBND TP.HCM và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về tiến độ thực hiện dự án ngày 25.8 vừa qua, Ban Quản lý (BQL) đường sắt đô thị TP.HCM báo cáo nguyên nhân chậm trễ là do phải điều chỉnh về thiết kế (mặt bằng nhà ga ngầm, bổ sung thiết kế, tăng khối lượng giao cắt giữa các tuyến metro số 2 với các tuyến metro số 1, số 3b, số 5, số 6) và điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.
Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết mặc dù TP luôn chỉ đạo các cấp chính quyền khẩn trương thực hiện rút ngắn các thủ tục cũng như vấn đề giải ngân đảm bảo tiến độ dự án, nhưng các thủ tục rất nhiêu khê. Trong khi đó, UBND TP không được quyền quyết các thủ tục đó mà phải xin ý kiến cấp trên. “Điều này cũng tác động rất nhiều đến tiến độ triển khai của dự án”, ông Tuyến nói.
Tình trạng đói vốn của tuyến metro số 1 cũng là nội dung chính của cuộc họp thường kỳ về tình hình các dự án đường sắt đô thị TP do BQL đường sắt đô thị TP.HCM tổ chức gần đây. Theo BQL, nhu cầu vốn theo tiến độ thi công của tuyến metro số 1 năm 2017 cần 5.400 tỉ đồng để thanh toán cho các nhà thầu nhưng TP chỉ được phân bổ 2.100 tỉ đồng. Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Giám đốc BQL, cho biết việc giải quyết vốn chậm trễ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ và mục tiêu của dự án, kéo theo hàng loạt vấn đề về vật tư, nhân công, nhà thầu.
Hai đại dự án metro vỡ kế hoạch - ảnh 2

Kéo chậm toàn hệ thống
Đại diện BQL khẳng định việc gia hạn thời điểm thi công tuyến metro số 2 chỉ là một sự điều chỉnh nhỏ về kỹ thuật, thay đổi về mặt thủ tục chính sách, không ảnh hưởng gì đến tiến độ thực hiện toàn tuyến.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Trọng Hoà, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, khẳng định bất cứ một sự thay đổi nào về lộ trình của các tuyến metro đều ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống giao thông của TP.HCM. Ông lý giải: “Việc triển khai giao thông công cộng trên địa bàn TP hiện nay buộc phải có sự kết nối, phải thuận chiều với tiến độ thực hiện các tuyến metro bởi năng lực vận chuyển của loại hình giao thông này là rất lớn. Cụ thể, theo thiết kế, khả năng vận chuyển của tuyến Bến Thành – Suối Tiên là 186.000 khách mỗi ngày, đến năm 2020 vận chuyển được 620.000 khách và vào năm 2040 lên đến 1.020.000 hành khách. Với tốc độ tàu metro chạy từ 40 – 60 km/giờ trên lộ trình Bến Thành – Suối Tiên dài 19,7 km, chỉ mất khoảng 30 phút (cứ 5 phút có một chuyến xuất bến và tàu dừng ở mỗi ga bình quân 1 phút rưỡi để đón và trả khách).
Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, phân tích sự chậm trễ của hệ thống metro sẽ kéo theo 3 hệ quả: Ảnh hưởng lớn đến lợi ích kinh tế vì càng để lâu thì tổng vốn đầu tư càng đội lên do trượt giá, tăng chi phí nguyên vật liệu, nhân công, chi phí giải phóng mặt bằng. Thứ hai, làm chậm quá trình phát triển đô thị tại các trục đường dọc tuyến. Thực tế trên thế giới đã chứng minh, các nhà đầu tư sẽ dựa vào tiến độ triển khai của các tuyến metro để đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, dịch vụ dọc tuyến, và nguồn lợi thu được từ nguồn này có thể được dùng để xoay vốn thực hiện các tuyến metro tiếp theo. Thứ 3, làm tăng chi phí xã hội như chi phí thời gian đi lại, nhiên liệu, tai nạn giao thông…
Nút thắt vốn
Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Hoà, vấn đề khó nhất trong việc xây dựng hệ thống metro tại TP.HCM hiện nay là sắp xếp vốn. Không chỉ tuyến số 1, tuyến số 2 kéo dài đến tận bây giờ cũng có thể khẳng định do thiếu tiền. Tuyến số 5 hay các tuyến sau chắc chắn không tránh khỏi chậm trễ. Ông Hoà cũng khẳng định việc chậm tiến độ sẽ làm tăng mức đầu tư do tăng chi phí quản lý, rủi ro về tỷ giá hay biến động giá xây dựng, tuỳ từng dự án và thời gian kéo dài. “TP không có đường lui, đã làm rồi thì buộc phải hoàn thiện hệ thống metro. Nên Chính phủ phải có cái nhìn toàn cảnh để ưu tiên ngân sách vì hệ thống metro không chỉ tác động mạnh mẽ đến giao thông, kinh tế, xã hội của riêng TP mà còn ảnh hưởng kinh tế cả nước”, ông nhấn mạnh.
KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận xét trong tình trạng chắc chắn chậm trễ như hiện nay, việc cho tạm dừng khởi công tuyến số 2 của TP.HCM là hợp lý. Bởi tuyến số 1 đang dang dở chưa biết bao giờ hoàn thành, giờ làm tuyến 2 rồi lại thiếu tiền, ngưng, chậm… không chỉ không đem lại hiệu quả mà còn biến TP thành công trường khổng lồ, bao quanh toàn lô cốt và tạo thêm gánh nặng ngân sách. Trong bối cảnh này, TP nên dồn toàn lực làm cho xong tuyến metro số 1 song song với việc kiện toàn hệ thống xe buýt, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển những dự án dọc tuyến, lôi kéo ít nhất 1 triệu người đến ở khu vực này. Số lượng 1 triệu người đó sẽ giảm dần phương tiện cá nhân, bỏ xe máy và sử dụng phương tiện công cộng.
KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh: “Kể cả khi đã có tuyến metro hiện đại thì vẫn phải có xe buýt phát triển song hành để hỗ trợ kết nối và đề phòng khi tàu điện gặp sự cố. Với điều kiện tài chính như hiện tại, nên dồn lực làm tuyến số 1 và hệ thống xe buýt công cộng. Khi nào đảm bảo nguồn vốn đáp ứng toàn bộ quá trình thi công dự án thì hẵng tính chuyện làm thêm tuyến khác. Mỹ và một số nước khác cũng làm từng tuyến, hoàn thiện tuyến này mới khởi công tuyến tiếp theo”.

 

Hà Mai