Bộ GD-ĐT khẳng định ‘không buông tay VNEN’
Ông Nguyễn Đức Hữu – phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục tiểu học – cho rằng Ngân hàng Thế giới “đánh giá thoả đáng VNEN” và khẳng định bộ không buông tay với VNEN.
Bộ GD-ĐT khẳng định ‘không buông tay VNEN’
Ông Nguyễn Đức Hữu – phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục tiểu học – cho rằng Ngân hàng Thế giới “đánh giá thoả đáng VNEN” và khẳng định bộ không buông tay với VNEN.
Theo ông Hữu, bộ sẽ chung tay cùng các cơ sở giáo dục khắc phục khó khăn, vướng mắc, triển khai có hiệu quả hơn phương pháp giáo dục theo VNEN, đồng thời chuẩn bị tốt cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Bộ GD-ĐT đã có những chỉ đạo sát sao và quyết liệt. Trong đó yêu cầu các địa phương khi triển khai VNEN phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đồng thời thực hiện trên tinh thần tự nguyện”, ông Hữu cho biết.
Mới đây nhất, để chuẩn bị cho năm học mới 2017-2018, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục rà soát các điều kiện triển khai VNEN.
Với những trường chưa đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… sẽ dừng triển khai, và chỉ lựa chọn một số thành tố tích cực của phương pháp giáo dục VNEN để áp dụng.
Theo ông Hữu, khó khăn lớn nhất, cũng là nguyên nhân chính dẫn tới vướng mắc trong việc triển khai VNEN, là do việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về VNEN còn hạn chế, nhất là ở những địa phương triển khai mở rộng, cán bộ quản lý, giáo viên chưa thực sự sẵn sàng.
Để giải quyết vấn đề này, hiện nay bộ đang tiếp tục triển khai các khóa tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về phương pháp, kỹ thuật dạy học VNEN, trong đó chú trọng tập huấn qua mạng, nâng cao vai trò tự học và thực hành theo tinh thần “tập huấn tại công việc” mà bộ đã chỉ đạo trong những năm qua.
Nên lắng nghe cơ sở
Chương trình VNEN sau một thời gian “nhập tịch” đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết mà báo chí thời gian qua đã phản ánh. Bộ GD-ĐT cần lắng nghe ý kiến, tiếng nói từ cơ sở – những nơi đã từng dạy, từng học theo chương trình VNEN này. Giữa thực tế và báo cáo luôn có một khoảng cách xa, không thể trùng khớp với nhau được.
Chương trình VNEN có mấu chốt quan trọng là học sinh tự học, tự làm bài theo sự định hướng của giáo viên. Xin thưa, học sinh lớp 11, 12 nếu cho bài tự học, cùng trao đổi, làm việc nhóm thì chưa hẳn đã làm được, nói chi là học sinh tiểu học và THCS (nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số).
Bên cạnh đó, chương trình học hiện nay còn quá nặng nề, thầy cô giảng đi giảng lại mà học sinh có khi vẫn chưa hiểu thì làm sao tự học, tự hiểu được…
Đây là những ý kiến thẳng thắn, chân tình, có trách nhiệm của thầy cô, phụ huynh từ những cơ sở đã áp dụng VNEN. Bộ có lắng nghe thì mới tìm được tiếng nói chung để đánh giá một cách khách quan, nhiều chiều về chương trình VNEN đang gây nhiều tranh cãi này.
LÊ LAM HỒNG (Sóc Trăng)