11/01/2025

Phơi bày thủ đoạn của hãng dược: Gắn mác ‘ung thư’ cho mọi bệnh nhân

Hãng dược phẩm Mỹ Insys Therapeutics vừa bị tố cáo về hành vi lừa đảo để có thể tăng doanh số bán loại thuốc giảm đau nhóm opioid do họ sản xuất dành cho người bệnh ung thư.

 

Phơi bày thủ đoạn của hãng dược: Gắn mác ‘ung thư’ cho mọi bệnh nhân

 

Hãng dược phẩm Mỹ Insys Therapeutics vừa bị tố cáo về hành vi lừa đảo để có thể tăng doanh số bán loại thuốc giảm đau nhóm opioid do họ sản xuất dành cho người bệnh ung thư.


Phơi bày thủ đoạn của hãng dược: Gắn mác ung thư cho mọi bệnh nhân - Ảnh 1.

Bà Claire McCaskill, thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ, chủ trì nhóm điều tra của quốc hội về những cáo buộc gian lận, lừa đảo xảy ra ở Hãng dược phẩm Insys Therapeutics – Ảnh: Reuters

Vụ việc chấn động này là một phần kết quả trong cuộc điều tra vẫn đang diễn ra do thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ, bà Claire McCaskill, chủ trì. 

Theo Đài CNN, những kết quả điều tra mới nhất về vụ việc vừa được bà McCaskill trình bày trước Quốc hội Mỹ.

Không từ thủ đoạn nào

Theo nội dung cáo trạng công bố trên trang web của Bộ Tư pháp Mỹ, sau khi nhận được giấy phép bán ra thị trường loại thuốc giảm đau cực mạnh nhóm opioid có tên Subsys (dạng fentanyl có thể xịt được) dành cho các bệnh nhân ung thư năm 2012, Hãng dược Insys Therapeutics (gọi tắt là Insys) đã trù tính để miễn sao… có nhiều nhất bệnh nhân dùng thuốc của họ.

Để tăng doanh số bán, công ty này bị cáo buộc đã giở nhiều chiêu trò được gọi là “làm giả bệnh nhân ung thư”, biến những người không ung thư cũng thành người bệnh để sử dụng thuốc giảm đau của họ. 

Hãng Insys đã kết hợp nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi khác nhau, như làm giả hồ sơ bệnh án, nói dối công ty bảo hiểm và chi đậm hoa hồng cho các bác sĩ liên minh với họ để các bác sĩ này kê cho người bệnh thuốc của Insys.

Báo cáo về vụ việc bao gồm cả băng ghi âm do văn phòng thượng nghị sĩ McCaskill cung cấp ngày 6-9 cho thấy Insys đã không từ bất cứ thủ đoạn nào trong việc tạo một mạng lưới lừa đảo nhằm đưa được nhiều nhất thuốc giảm đau của họ tới khách hàng.

Do giá thuốc Subsys rất đắt, hầu hết các hãng bảo hiểm sẽ không chi trả cho loại thuốc này trừ khi nó đã được bác sĩ điều trị cho bệnh nhân đồng ý trước. 

Quy định này là thủ tục quen thuộc với những người thường phải sử dụng các loại thuốc đắt tiền theo chế độ bảo hiểm ở Mỹ, gọi là “sự cho phép trước” (prior-authorization).

Vì thế, hãng dược Mỹ đã bố trí để chính những nhân viên của họ giả mạo là nhân viên làm việc tại các phòng mạch. 

Những người này sẽ liên lạc với các công ty bảo hiểm để xác nhận người bệnh đang điều trị ở chỗ họ cần phải dùng thuốc giảm đau của Insys.

Trò chơi ngôn ngữ

Báo cáo của thượng nghị sĩ McCaskill cung cấp tài liệu chứng minh kể từ năm 2014, khi một người cần phải được bác sĩ điều trị đồng ý trước để sử dụng thuốc Subsys, một nhân viên của Hãng Insys đã gọi điện tới công ty bảo hiểm và các chi nhánh của công ty này để thuyết phục về việc đó.

Chết oan uổng

Nhóm điều tra dẫn cuộc điện thoại liên quan tới một phụ nữ ở bang New Jersey tên Sarah Fuller.

Bà Fuller không bị ung thư nhưng vẫn bị bác sĩ kê cho dùng thuốc Subsys.

Năm ngoái bà qua đời vì sử dụng quá liều Subsys, sau đó chính quyền bang New Jersey đã làm đơn kiến nghị tập thể, buộc tạm thời rút bằng hành nghề của bác sĩ điều trị cho bà.

Trong các cuộc gọi điện này, Insys thậm chí đã che đậy số điện thoại thực của nơi gọi đi để người ta không thể lần ra dấu vết công ty từ đó. 

Nếu một hãng bảo hiểm cần số điện thoại để gọi lại, các nhân viên công ty sẽ cung cấp một số điện thoại tổng đài cũng do một đại diện khác của Insys giữ máy chứ không phải thông tin liên lạc của bác sĩ kê đơn cho người bệnh.

Thường thì trong những cuộc điện thoại như vậy, vấn đề được quan tâm nhất là người bệnh có thực sự bị đau đớn vì bệnh ung thư tới mức phải sử dụng thuốc Subsys hay không. 

Hãng Insys đã lường trước tình huống bằng những phương cách có tính toán để các nhân viên của họ tạo ra được ấn tượng với hãng bảo hiểm trong khi trao đổi qua điện thoại là “có”, tức là người bệnh bị ung thư, nhưng không nói thẳng ra điều đó bằng câu chữ. 

Băng ghi âm về một trong các cuộc điện thoại như vậy đã có trong tay nhóm điều tra của bà McCaskill, hé lộ “trò chơi ngôn ngữ” mà các nhân viên của Insys đã thao túng.

Các hãng bảo hiểm đã tin rằng họ đang nói chuyện với một người thực sự làm việc cho bác sĩ của người bệnh. 

Và các nhân viên của Insys cũng cố tình tạo ra cách liên lạc để gây ấn tượng theo cách như vậy. Theo đó, người bệnh được chấp nhận dùng thuốc Subsys và các hãng bảo hiểm sẽ phải duyệt chi loại thuốc này.

Sau khi báo cáo điều tra về thuốc Subsys và những khuất tất của nó được công bố, Hãng dược Insys ra thông báo phản ứng với Đài CNN, nói rằng họ không đồng tình với cách mà đài này đưa tin về sự việc. 

Theo đó, Insys khẳng định: “Thông tin (do Đài CNN) đưa liên quan tới hoạt động của các cựu nhân viên của công ty và điều đáng nói là công ty vẫn đang nỗ lực tự giải quyết vấn đề này và hợp tác với quá trình điều tra của Bộ Tư pháp và văn phòng tổng chưởng lý bang”.

Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Công ty Insys, ông Saeed Motahari, ngày 1-9 đã gửi thư tới nhóm điều tra để phản đối các cáo buộc.

Trong đó ông Motahari nói: “Những sai trái và các hành vi này không phải của những người hiện đang làm việc tại Insys”.

Cũng theo lãnh đạo công ty, Insys đã “hoàn toàn thay đổi đội ngũ nhân viên của họ trong nhiều năm qua” và đã “chủ động thực thi các bước thích hợp để đặt các tiêu chuẩn đạo đức cũng như lợi ích của người bệnh vào trung tâm trong các quyết định kinh doanh” của công ty.

Tuy nhiên, tháng 12 năm ngoái, các công tố viên liên bang ở Boston đã buộc tội 6 cựu lãnh đạo của Insys, trong đó có cả cựu giám đốc điều hành công ty này, vì các tội danh lừa đảo và gian lận liên quan tới thuốc Subsys.

Cả 6 người này đều chối tội và vụ xét xử đó vẫn đang còn tạm treo trong khi các cựu nhân viên khác của Insys có liên đới đều đã nhận tội.

D.KIM THOA