11/01/2025

Nhiệm vụ bí mật của du học sinh Triều Tiên

Những nhà khoa học CHDCND Triều Tiên được cử ra nước ngoài đào tạo đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển vượt bậc của chương trình hạt nhân và tên lửa ở nước này.

 

Nhiệm vụ bí mật của du học sinh Triều Tiên

Những nhà khoa học CHDCND Triều Tiên được cử ra nước ngoài đào tạo đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển vượt bậc của chương trình hạt nhân và tên lửa ở nước này.




Ông Kim Kyong-sol (hàng trên, thứ 2 từ trái qua) và các nghiên cứu sinh Triều Tiên học tại Viện Công nghệ Cáp Nhĩ TânẢNH: WSJ

Cộng đồng quốc tế thời gian qua không khỏi quan ngại về các vụ thử hạt nhân, tên lửa liên tục của Triều Tiên. Giới chức quốc phòng và tình báo nước ngoài đã đưa ra nhiều phân tích nhưng vẫn không dự đoán kịp tiến triển trong chương trình hạt nhân, tên lửa của quốc gia Đông Bắc Á. Bình Nhưỡng thậm chí đã tuyên bố sở hữu bom nhiệt hạch, đầu đạn hạt nhân gắn vào tên lửa liên lục địa tự sản xuất đủ sức đặt Mỹ vào tầm ngắm. Theo tờ The Wall Street Journal, ở buổi sơ khai, chương trình hạt nhân Triều Tiên chủ yếu dựa vào công nghệ cũng như chuyên gia từ Liên Xô, sau đó là Iran và Pakistan. Tuy nhiên giờ đây, họ được cho là đã có đội ngũ khoa học gia của riêng mình. Điều này khiến nỗ lực kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên càng trở nên khó khăn.
Điểm đến Trung Quốc
Tờ The Wall Street Journal mới đây trích dẫn dữ liệu chính thức của các trường đại học tiết lộ hàng trăm nhà khoa học Triều Tiên đã du học nước ngoài trong những năm qua. Trong những ngành họ được đào tạo, có lĩnh vực thuộc vùng cấm mà LHQ cho là sẽ giúp thúc đẩy chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Nhà phân tích Katsuhisa Furukawa, từng là thành viên nhóm chuyên gia của LHQ giám sát việc thực thi lệnh trừng phạt Triều Tiên giai đoạn 2011 – 2016, nhận định: “Chúng ta nên đặc biệt quan tâm tới các nhà nghiên cứu Triều Tiên ở nước ngoài, nhất là tại Trung Quốc”. Theo ông, những nhà nghiên cứu này làm việc trong các ngành nghề khác nhau nhưng “chắc chắn có đóng góp cho sự tích lũy kiến thức khoa học và thông tin liên quan tới chương trình hạt nhân”.
Nhiệm vụ bí mật của du học sinh Triều Tiên - ảnh 1

 
 

Sau vụ thử hạt nhân lần 2 của Triều Tiên vào năm 2009, LHQ đã đưa ra một gói trừng phạt, trong đó kêu gọi các nước thành viên “ngăn chặn việc giảng dạy hoặc đào tạo chuyên sâu” mà qua đó có thể giúp Bình Nhưỡng phát triển tên lửa, hạt nhân. Tiếp đó vào năm 2016, LHQ tiếp tục cấm dạy các môn chuyên ngành, bao gồm khoa học vật liệu và công nghệ tiên tiến để phản ứng vụ thử hạt nhân lần 4 và 5 của Triều Tiên. Tuy nhiên, trong báo cáo hồi tháng 2.2017, các chuyên gia quốc tế cho biết một số công dân Triều Tiên vẫn du học ngành vật lý ở Ý, 4 sinh viên học khoa học vật liệu, kỹ sư và truyền thông điện tử tại Romania sau thời điểm lệnh cấm được đưa ra.
Trong năm 2016, báo cáo của LHQ chỉ ra rằng 2 người Triều Tiên đã theo học tại một trung tâm công nghệ vũ trụ Ấn Độ trước khi có lệnh cấm. Trung tâm này cũng từng đào tạo 32 khoa học gia Triều Tiên khác từ năm 1996, trong đó có một người là lãnh đạo trung tâm kiểm soát vệ tinh của Bình Nhưỡng. Phía cơ sở đào tạo ở Ấn Độ cho biết không còn tiếp nhận học viên Triều Tiên nữa.
Trong khi đó, Trung Quốc – nước đồng minh duy nhất của Triều Tiên, chính là điểm đến lý tưởng của các nhà nghiên cứu. Theo số liệu chính thức được The Wall Street Journal tổng hợp, trong năm 2015 có tới 1.086 công dân Triều Tiên học sau đại học tại Trung Quốc.
Trong giai đoạn 2011 – 2016, 60% số công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí nước ngoài của các nhà khoa học Triều Tiên là ở Trung Quốc, chủ yếu thuộc lĩnh vực vật lý, kỹ thuật, toán học và khoa học vật liệu. Sau lệnh cấm năm 2016, các công trình được đăng tải ở Trung Quốc vẫn bao gồm nội dung cấu trúc vật liệu kim loại để bảo vệ khỏi bức xạ.
Nhiệm vụ bí mật của du học sinh Triều Tiên - ảnh 3

 
 

Nghiên cứu chuyên sâu
Trong số các nhà nghiên cứu được đào tạo ở nước ngoài, báo Mỹ đặc biệt lưu ý ông Kim Kyong-sol, người vẫn được đào tạo ở Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) hơn một năm sau lệnh cấm của LHQ. Một số nhân viên cơ sở đào tạo trên cho biết ông Kim Kyong-sol chỉ mới về nước hồi tháng 6. Ông tới Trung Quốc theo khuôn khổ thỏa thuận được ký kết năm 2010 giữa các trường đại học hai nước. Trong số này có 2 trường bị cho là cung cấp công nghệ và nhân sự phục vụ chương trình hạt nhân Triều Tiên là Đại học Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) và Đại học Công nghệ Kim-chaek. Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân là một trong những trường kỹ thuật hàng đầu Trung Quốc, từng tiến hành nhiều nghiên cứu mật về quốc phòng và không gian. Ông Kim Kyong-sol nằm trong số 12 người Triều Tiên đầu tiên được cử đi học ở trường này từ năm 2013.
Trong quá trình học tiến sĩ ngành cơ điện tử tại viện, ông Kim Kyong-sol đã công bố bài nghiên cứu viết chung với một kỹ sư cao cấp về chương trình vũ trụ của quân đội Trung Quốc. Sau khi xem bài báo, nhà phân tích Furukawa kết luận nó thuộc danh mục cấm của LHQ.
Theo các chuyên gia Mỹ, công nghệ giảm chấn lưu biến điện từ (MR damping) mà ông Kim Kyong-sol nghiên cứu có thể được dùng để ổn định tàu vũ trụ, giảm chấn động trong hệ thống phóng tên lửa cả trên tàu ngầm, cũng như giảm rung trong xe hơi, tòa nhà và trực thăng. Không rõ ông Kim Kyong-sol định dùng nghiên cứu trên vào mục đích gì, tuy nhiên Giáo sư Mehdi Ahmadian tại Mỹ cũng từng thực hiện đề tài tương tự cho rằng MR damping có thể ứng dụng vào mục đích quân sự.
Theo The Wall Street Journal, việc cử nhiều chuyên gia ra đào tạo ở nước ngoài là một phần trong chính sách “byungjin” (song hành) mà lãnh đạo Kim Jong-un công bố năm 2013. Với nội dung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song song với phát triển vũ khí hạt nhân, ông Kim Jong-un đã tăng tốc quyết liệt chương trình tên lửa, trong đó có việc bổ nhiệm nhân sự có năng lực về kỹ thuật tên lửa thay thế những quan chức từ thời cha mình. Theo báo cáo của LHQ, một số người được bổ nhiệm vào Bộ Chỉ huy lực lượng tên lửa chiến lược đã trải qua đào tạo ở nước ngoài. Giới chức Mỹ lo ngại Triều Tiên có thể đã tranh thủ thời điểm lệnh cấm đào tạo của LHQ chưa quá khắt khe để cử khoa học gia của họ ra nước ngoài học nhằm mang về nước những kiến thức chuyên môn có thể ứng dụng vào cả dân sự lẫn quân sự. Giới phân tích cũng cho rằng khi biện pháp trừng phạt được thực thi nghiêm ngặt thì Bình Nhưỡng đã đủ nhân sự có chuyên môn để đạt được mục tiêu hạt nhân, và điều này càng có cơ sở sau những tiến bộ đáng kể gần đây.
Tổng thống Trump ra lệnh bắn hạ tên lửa Triều Tiên
Một số nguồn thạo tin vừa tiết lộ với tạp chí Newsmax rằng Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho các lực lượng Mỹ bắn hạ, phá hủy tên lửa do CHDCND Triều Tiên phóng và bay hướng về Hawaii, đảo Guam và lục địa Mỹ. Lệnh này đã được truyền đạt đến giới lãnh đạo Lầu Năm Góc sau khi Bình Nhưỡng hồi tháng trước dọa phóng 4 tên lửa đạo đạn rơi xuống vùng biển cách Guam 30 – 40 km.
Tổng thống Trump còn được cho là đang cân nhắc ra lệnh bắn hạ bất kỳ tên lửa Triều Tiên nào được phóng và bay về phía Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Hôm qua, không quân Mỹ cũng đã điều 2 máy bay ném bom B1-B từ Guam đến diễn tập với 2 chiến đấu cơ F-15 của Nhật trên biển Hoa Đông, một động thái được cho là nhằm thị uy sức mạnh đối với Triều Tiên. Ngoài ra, một số nguồn tin khác tiết lộ với Jiji Press rằng tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hạm đội 7 đã rời căn cứ Yokosuka ở Nhật Bản để thực hiện sứ mệnh giám sát vùng biển xung quanh bán đảo Triều Tiên.    
Văn Khoa
Nhiệm vụ bí mật của du học sinh Triều Tiên - ảnh 4

 
 


 

Ngọc Mai