11/01/2025

Đội đặc nhiệm Mỹ giữa lòng Berlin

Suốt những năm Chiến tranh lạnh, Mỹ đã cài cắm một đội đặc nhiệm bí mật ở nửa phía tây bức tường Berlin đề phòng một cuộc tấn công từ phía Khối hiệp ước Warsaw.

 

Đội đặc nhiệm Mỹ giữa lòng Berlin

Suốt những năm Chiến tranh lạnh, Mỹ đã cài cắm một đội đặc nhiệm bí mật ở nửa phía tây bức tường Berlin đề phòng một cuộc tấn công từ phía Khối hiệp ước Warsaw.




Đội 5 của Det A sau cuộc tập trận triển khai SADM 	  /// Mediadrumworld.com

Đội 5 của Det A sau cuộc tập trận triển khai SADMMEDIADRUMWORLD.COM

Sau Thế chiến 2, châu Âu bị chia cắt thành 2 phần và Berlin trở thành điểm trung tâm của những căng thẳng giữa Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Khối Warsaw. Trên thực tế, thành phố này không nằm ở điểm giáp ranh giữa hai bên mà nằm lọt thỏm trong lòng của Đông Đức, cách biên giới với Tây Đức 177 km về phía đông.
Tuy vậy, lực lượng Anh, Mỹ và Pháp vẫn chiếm giữ được nửa phía tây của Berlin với khoảng 10.000 lính đóng trú. Đối địch lại, Liên Xô có gần 400.000 lính bao quanh Berlin và cộng thêm 75.000 lính quân đội Đông Đức. Bị áp đảo về số lượng và lo ngại một cuộc tấn công của Khối Warsaw, Mỹ đã lập một lực lượng đặc nhiệm có tên Phân đội A (Det A) có nhiệm vụ sẵn sàng hoạt động trong lòng địch, chuẩn bị sẵn sàng đánh phá cản đường và gây hỗn loạn hàng ngũ địch trong trường hợp chiến tranh nổ ra.
Vỏ bọc
Det A chính thức hoạt động vào tháng 8.1956 tại nửa phía tây của Berlin với cái tên bí mật là Phân đội tác chiến đặc nhiệm 39. Lúc đầu đơn vị chỉ vỏn vẹn 40 lính và lực lượng này chưa bao giờ có quá 100 người, với quân số lúc cao điểm cũng chỉ khoảng 90 người. Trong hơn 3 thập niên tồn tại, tổng số lính tham gia Det A là khoảng 800 người và mỗi đợt phục vụ sẽ kéo dài 3 năm. Vì quân số ít ỏi và khó có khả năng kháng cự lại sức mạnh của Khối Warsaw, nên Det A được giao những nhiệm vụ chiến đấu không áp dụng cho một cuộc chiến tranh thông thường. Trong cuốn sách Special Forces Berlin: Clandestine Cold War Operations of the US Army’s Elite, 1956 – 1990 (tạm dịch: Lực lượng đặc nhiệm Berlin: Những chiến dịch ngầm trong Chiến tranh lạnh của biệt đội tinh nhuệ thuộc lục quân Mỹ, 1956 – 1990), tác giả James Stejskal so sánh hoàn cảnh của Det A giống với 300 dũng sĩ Sparta trong trận đánh Thermopylae lịch sử chống lại quân đoàn vượt trội về số lượng của đế quốc Ba Tư thời Hy Lạp cổ đại. Ông Stejskal là thành viên của Det A những năm 1970 – 1980. “Nếu người Nga quyết định bao vây bức tường, Thế chiến 3 sẽ xảy ra. Đó sẽ là nhiệm vụ tự sát. Tỷ lệ chống lại chúng tôi nhưng đó là một phần của cuộc chơi”, ông Stejskal nói với tờ The Fayetteville Observer.
Họ được tuyển chọn từ những đơn vị tinh nhuệ và rèn luyện những kỹ năng đặc biệt như đặc vụ của Cơ quan Tình báo chiến lược (OSS), tiền thân của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) ngày nay. Muốn là thành viên Det A, người lính ngoài kỹ năng cần có lý lịch hoàn toàn kín đáo, phải nói lưu loát tiếng Đức hoặc ngôn ngữ của một nước nào đó trong khối Đông Âu. Thời gian đầu, đa số thành phần đơn vị là người tị nạn đến từ những vùng bị Liên Xô kiểm soát ở châu Âu sau đó gia nhập quân đồng minh. Những người lính này là một phần quan trọng do kiến thức của họ giúp họ dễ dàng lẩn trốn nếu bị phía Đông Đức phát hiện.
Bob Charest, người 2 lần phục vụ cho Det A giai đoạn năm 1969 – 1972 và 1973 – 1978, miêu tả Berlin thời điểm đó giống như nhà ga trung tâm của lực lượng gián điệp Đông – Tây và là sàn diễn của đủ loại mật vụ. “Sai lầm nhỏ nhất có thể làm lộ tẩy lớp vỏ bọc của người lính. Người Đức cầm dao và nĩa khác với chúng tôi. Cách họ đếm bằng đầu ngón tay cũng khác biệt”, ông Charest nhớ lại. Do đó, thành viên Det A phải học thói quen của người bản địa, từ cách ăn mặc, tóc tai, ăn nói. Hơn nữa, họ phải biết cách quan sát mục tiêu và nắm rõ mọi ngóc ngách của thành phố để thoát thân trong trường hợp bị nghi ngờ. Người lính được huấn luyện kỹ càng và phải giữ bình tĩnh dưới áp lực trước những nhiệm vụ được cho là không có chỗ cho thất bại này.
Phá hoại
Trong thời bình, nhiệm vụ của Det A là liên tục lên kế hoạch, huấn luyện, chuẩn bị và cung cấp tin tình báo về cho NATO sau khi do thám phía đông Berlin; đồng thời đào tạo cho lực lượng du kích địa phương. Đơn vị phải luôn trong tư thế sẵn sàng tiến hành chiến tranh trong 2 giờ sau khi được yêu cầu. Trong những năm tồn tại, Det A nhiều lần cận kề với việc nhận lệnh chiến đấu, đặc biệt là thời điểm Bức tường Berlin được dựng lên vào năm 1961. Bên cạnh đó, đơn vị cũng rơi vào tình trạng báo động trong những sự kiện như vụ máy bay do thám U-2 của CIA bị Liên Xô bắn rơi và phi công Gary Powers bị bắt giữ năm 1960, khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, chiến tranh Ả Rập – Israel năm 1973…
Đội đặc nhiệm Mỹ giữa lòng Berlin

Một thành viên Det A chụp ảnh phía đông Bức tường Berlin Mediadrumworld.com

Nếu chiến tranh xảy ra, đơn vị sẽ tỏa ra khắp thành phố và các vùng nông thôn để tấn công trong lòng địch. Det A sẽ phá huỷ các tuyến giao thông đường sắt, đường thuỷ, bộ chỉ huy địch, hệ thống viễn thông, nhà máy điện hay xưởng sản xuất. Kế đó, đơn vị sẽ báo cáo bước di chuyển của đối phương về cho bộ chỉ huy để không quân oanh tạc, đồng thời tiếp tục thông báo tình hình chiến sự. Nhiệm vụ tối thượng của Det A là làm chậm bước tiến đối thủ để NATO có thể phản công.
Cựu binh Stejskal tỏ ra rất tự tin về khả năng phá hoại của đơn vị mình vào thời điểm đó. “Có những chiến dịch ngầm tối mật. Chúng tôi theo dõi rất kỹ mục tiêu mà chúng tôi cần tấn công. Chúng tôi có đủ công cụ để tiến hành nhiệm vụ đã được chuẩn bị sẵn trước đó không chút chậm trễ. Chúng tôi biết cách tốt nhất để đạt mục tiêu và quan trọng hơn, cách để tồn tại trên chiến trường khi chiến tranh đến”, ông Stejskal cho biết. Để phục vụ cho những nhiệm vụ này, Det A được cung cấp khoảng 10.000 món vũ khí được chôn dưới lòng Berlin, trong đó có nhiều loại mà điệp viên James Bond trong loạt phim nổi tiếng 007 cũng phải ganh tỵ như than đá chứa chất nổ C4, súng nhẹ như điếu thuốc, lọ nhỏ chứa mạt kim loại làm hỏng động cơ và súng giảm thanh. Bên cạnh đó còn có những kho hàng tiếp tế, thuốc men, đạn dược, chất nổ, vô tuyến và thậm chí là vàng.
Ngoài những cuộc rèn luyện, binh lính Det A cũng thường được điều tham gia các chiến dịch chống khủng bố cùng những lực lượng tinh nhuệ khắp châu Âu như biệt kích hải quân Mỹ SEAL, Cục Điều tra liên bang (FBI), cảnh sát chống khủng bố GSG-9 của Tây Đức, lính Israel hay đặc nhiệm SAS của Anh. Một nhóm quân của Det A từng tham gia chiến dịch giải cứu con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Iran vào năm 1980. Chiến dịch kết thúc sau khi Tehran trả tự do cho con tin Mỹ vào ngày 20.1.1981.
Năm 1984, Det A được thay thế bằng Đơn vị hỗ trợ an ninh Berlin và lực lượng này bị giải tán vào năm 1990 sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Dù đảm nhận nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm giữa vòng vây của Liên Xô trong suốt Chiến tranh lạnh, nhưng sự tồn tại của Det A chỉ được công bố lần đầu vào năm 2014. Ông Stejskal cho hay nhiều kỹ thuật chống khủng bố do Det A phát triển vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay và đơn vị này là tiền thân của hầu hết các lực lượng tinh nhuệ bí mật thời hiện đại.
Tấn công bằng vũ khí hạt nhân
Cuối những năm 1950, lo ngại lực lượng hùng hậu của Khối Warsaw sẽ tiến công nuốt chửng Berlin và phần phía tây của châu Âu, NATO dự tính rằng vũ khí hạt nhân là đòn cuối cùng có thể ngăn chặn mối đe dọa này. Mỹ thời điểm đó phát triển loại đạn phá huỷ nguyên tử đặc biệt (SADM), là một loại vũ khí hạt nhân nhưng có sức công phá chỉ vài kiloton. Kích cỡ chỉ bằng cái vali, nặng khoảng 90 kg và có thể tháo ra làm 4 phần. SADM nhỏ hơn nhiều so với bom hạt nhân được chở trên máy bay B-52 nên được giao cho lực lượng đặc nhiệm sử dụng cho nhiệm vụ phá hủy các công trình, cơ sở hạ tầng. Tháng 3.1957, tiểu đội 5 của Det A gồm 10 thành viên và 2 người giám sát nhận được nhiệm vụ tham gia cuộc diễn tập triển khai món vũ khí này. Nhiệm vụ được giữ kín hoàn toàn ngay cả trong Det A và người tham gia toàn là lính Mỹ để bí mật về món vũ khí hạt nhân không bị rơi vào tay người ngoài, theo trang War History Online. Địa điểm được chọn là một nhà máy sản xuất máy bay ở khu Rừng đen phía tây nam Đức. Cuộc diễn tập diễn ra thành công, mục tiêu giả định bị phá huỷ và món vũ khí hạt nhân được đưa về cất tại một boong-ke ở Tây Đức.


 

Bảo Vinh