Triều Tiên thử hạt nhân nhằm buộc ông Trump đối thoại?
Bình luận với nhật báo The Guardian, ông John Delury, chuyên gia về Triều Tiên ở ĐH Yonsei tại Seoul, cho rằng vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng “nhằm đẩy ông Trump đến việc phải đưa ra yêu cầu đối thoại với lãnh đạo Kim Jong Un”.
Triều Tiên thử hạt nhân nhằm buộc ông Trump đối thoại?
Bình luận với nhật báo The Guardian, ông John Delury, chuyên gia về Triều Tiên ở ĐH Yonsei tại Seoul, cho rằng vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng “nhằm đẩy ông Trump đến việc phải đưa ra yêu cầu đối thoại với lãnh đạo Kim Jong Un”.
Cộng đồng quốc tế cần xử lý một cách cương quyết với sự khiêu khích mới này của Triều Tiên
Tổng thống Pháp EMMANUEL MACRON
Nhận định này có thể còn quá sớm nếu xét theo tính cách khó lường của nhà lãnh đạo nước Mỹ. Nhưng có thể thấy việc Bình Nhưỡng thực hiện “thành công hoàn hảo cuộc thử nghiệm hạt nhân nhiệt hạch với sức nổ lớn và từ những nỗ lực và công nghệ hoàn toàn của Triều Tiên”, như xác nhận từ Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, là mối đe doạ nghiêm túc đối với các nước trong khu vực và cả với Mỹ.
Trong cuộc điện đàm ngày 3-9, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster đã khẳng định với Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản Shotarou Taniuchi rằng Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản, trong đó có răn đe hạt nhân sau hành động thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng.
Theo hiệp ước liên minh của Nhật Bản với Mỹ, Washington cam kết bảo vệ Tokyo và đặt Nhật Bản dưới “chiếc ô hạt nhân” của mình, có nghĩa Washington có thể đáp trả bằng vũ khí hạt nhân đối với bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào Nhật Bản.
Nhưng với những sự kiện đã trải qua, có vẻ khó có thể Mỹ phải sử dụng đến cây gậy hạt nhân vì nay đã là lần thứ tư nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho thử hạt nhân trong gần 7 năm cầm quyền của mình (nhà lãnh đạo Kim Jong Il chỉ thử nghiệm 2 lần trong thời gian cầm quyền 18 năm).
Những cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên có dấu hiệu tăng tốc thực sự và đe doạ ngày càng nghiêm trọng hơn. Sau những đe doạ về kế hoạch tấn công nhắm vào đảo Guam của Mỹ là vụ bắn tên lửa bay qua phần lãnh thổ phía bắc của Nhật.
Rồi thì ngay sau thông tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã “giám sát việc gắn một quả bom H lên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới” thì chỉ vài giờ sau đó là cuộc thử nghiệm hạt nhân nhiệt hạch gây rung chấn như một trận động đất mạnh đến 6,3 độ Richter.
Thông điệp của Bình Nhưỡng là quá rõ: chúng tôi có bom hạt nhân, chúng tôi có tên lửa đạn đạo tầm xa.
Các chuyên gia giờ đây cũng phải gật đầu nhìn nhận rằng Triều Tiên đã đạt những bước tiến đáng kể trong công nghệ tên lửa và hạt nhân. Quả bom hạt nhân thử nghiệm tại địa điểm gần bãi thử Punggye-ri có sức mạnh đạt 120 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT), tức mạnh hơn 10 lần quả bom hạt nhân Mỹ từng thả xuống TP Nagasaki vào tháng 8-1945 khiến chính quyền quân phiệt Nhật phải xuôi tay đầu hàng.
Thế giới giờ đây không thể xuôi tay đầu hàng trước những thử nghiệm ngày càng tăng đô của Bình Nhưỡng, nhưng giải pháp cụ thể và tức thời cũng không nhiều.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có cuộc điện đàm dài 30 phút với Tổng thống Donald Trump sau vụ thử của Triều Tiên. Trung Quốc và Nga cũng đã lên tiếng răn đe và lên án đối với Bình Nhưỡng.
Nhưng giải pháp trước mắt có lẽ chỉ là một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ (trễ nhất là vào ngày 4-9) với những biện pháp trừng phạt nặng nề hơn nhằm “cô lập hoàn toàn Triều Tiên”, như lời nhấn mạnh của phía Hàn Quốc sau cuộc họp khẩn của Tổng thống Moon Jae In với Hội đồng An ninh quốc gia (NSC).
Cũng cần thấy rằng chưa rõ có sự tính toán đến mức nào. Quả bom của Triều Tiên đã làm lu mờ hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) lần thứ 9 khai mạc tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc trong sáng cùng ngày (3-9). Trong bài phát biểu chuyên về hợp tác kinh tế dài đến 40 phút, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không thèm đá động một chữ đến vụ thử nghiệm gây chấn động toàn cầu của láng giềng Triều Tiên.
Nhưng hẳn nhiên Trung Quốc sẽ không còn lòng dạ nào để nhất nhất che chở cho Bình Nhưỡng như trước nữa. “Chúng tôi cương quyết yêu cầu Triều Tiên ngừng thực thi các hành động sai lầm làm trầm trọng thêm tình hình và đồng thời không đem lại lợi ích gì cho mình”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ về vụ thử hạt nhân thứ 6 của Bình Nhưỡng.
Và chắc chắn nếu có một nghị quyết mới về trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ, Bắc Kinh sẽ khó mà không gật đầu.