Thu phí vào bến xe để… hạn chế xe máy, có hợp lý?
Không chỉ có sân bay thu phí vào cổng, hiện nay các bến ở TP.HCM như bến xe Miền Đông, Miền Tây, An Sương đều thu phí vào cổng. Vậy đây là phí gì, thu theo quy định nào?
Thu phí vào bến xe để… hạn chế xe máy, có hợp lý?
Không chỉ có sân bay thu phí vào cổng, hiện nay các bến ở TP.HCM như bến xe Miền Đông, Miền Tây, An Sương đều thu phí vào cổng. Vậy đây là phí gì, thu theo quy định nào?
Nhiều người thắc mắc vì sao thu phí xe vào cổng bến xe? Và, đây là phí gì, thu theo quy định nào?
Khách hàng kêu phí nặng
Chiều 4-9, chúng tôi chạy xe máy vào cổng bến xe Miền Đông thì được nhân viên hướng dẫn qua chốt thu phí, một nhân viên thu 6.000 đồng/xe máy. Chúng tôi giải thích chỉ vô chở người thân ra chứ không phải chở hàng, nhưng nhân viên này vẫn yêu cầu đóng 6.000 đồng.
Tiền công đã không nhiều mà còn mất phí vào cổng bến xe 4.000 đồng/lượt. Mỗi ngày tôi chạy 10 chuyến, trả phí cho bến xe cũng 40.000 đồng.”
Một tài xế xe ôm
Nhiều người chạy xe máy vào cổng bến xe Miền Đông cũng phải nộp tiền vé “vào cổng và xếp dỡ hàng hoá”. Tương tự, tất cả các loại xe ra vào cổng bến xe Miền Tây cũng phải nộp phí. Còn tại bến xe An Sương, phí vô cổng không áp dụng với xe máy.
Anh Công Khanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đưa người thân vào bến xe Miền Đông cho rằng xe máy vô cổng mất 6.000 đồng là nặng. “Tôi chỉ chạy thêm vài trăm mét từ cổng vô nhà chờ để người thân đỡ xách nặng mà mất 6.000 đồng là vô lý!” – anh Khanh bức xúc.
Còn anh Bùi Phước Thịnh (Thủ Đức) phản ảnh mỗi lần gửi xe máy về quê tại bến xe Miền Đông, nhân viên bến thu 20.000 đồng. Trong khi đó, việc đưa xe máy vào hầm xe là do nhân viên các hãng xe thực hiện và người gửi xe chỉ tốn phí vận chuyển cho chủ xe.
Một số tài xế xe ôm tại bến xe Miền Tây cho biết khách hàng thuê họ chở hàng hóa từ bến xe về nhà, mỗi chuyến được 20.000 – 30.000 đồng cho quãng đường khoảng chục cây số.
So sánh với mức thu phí vào cổng ở các bến xe như trên, anh Cao Quang Minh, tài xế của một hãng xe, cho biết bến xe An Sương thu phí không cao như các bến xe khác vì bến xe An Sương có bán vé tháng, trong khi các bến xe khác chỉ bán vé lượt. “Với bến xe bán vé lượt thì người có nhu cầu chở hàng hóa nhiều trong bến xe chắc chắn sẽ chịu khoản nộp phí rất nặng” – anh Minh nói.
“Phí vào cổng và xếp dỡ hàng hoá”
Ông Trần Văn Phương, phó giám đốc bến xe Miền Tây, cho biết việc thu phí căn cứ theo thông tư liên tịch số 129/2010 của Bộ Tài chính – Bộ Giao thông vận tải ngày 27-8-2010.
Còn ông Trần Hiếu, giám đốc bến xe An Sương, cho rằng bên cạnh việc thực hiện theo thông tư liên tịch nói trên, bến xe còn thực hiện theo quyết định của Công ty cổ phần Bến bãi vận tải Sài Gòn về giá dịch vụ xe ra vào tại bến xe An Sương.
Ông Phương giải thích thêm là bến xe Miền Tây thu phí xe vận chuyển, bốc xếp hàng hóa ra vào bến xe nhằm giải quyết nhu cầu của hành khách muốn vận chuyển hàng đến tận nhà xe.
Bà Nguyễn Thị Thanh Dung, phó giám đốc bến xe Miền Đông, cũng cho biết đây là nhu cầu thực tế nên đơn vị đã tổ chức bán vé “vào cổng và xếp dỡ hàng hóa”. “Loại vé này đã được đăng ký với ngành thuế để in vé và có báo doanh thu để đóng thuế” – bà Dung nói.
Bà Dung giải thích thêm việc thu phí 6.000 đồng/xe máy vào cổng bến xe chỉ cao hơn 2.000 đồng đối với giá giữ xe. Vì vậy việc thu phí vào cổng chủ yếu là nhằm hạn chế xe máy chạy trong bến xe.
Theo lãnh đạo bến xe Miền Tây và bến xe Miền Đông, trước đây bến xe có chủ trương không cho xe máy của hành khách chạy vào bên trong bến xe vì sợ xe va chạm gây tai nạn cho hành khách đi lại trong bến.
Bến xe quy định hành khách phải gửi xe máy tại các bãi giữ xe, nhiều hành khách phản ứng gay gắt vì cho rằng quy định này đã gây phiền hà cho hành khách có nhu cầu vận chuyển hàng hoá nặng, cồng kềnh vào trong bến xe.
Vì vậy, các bến xe đã điều chỉnh lại cho xe máy của hành khách vào trong bến bằng cách bán vé cho khách có nhu cầu vận chuyển hàng hoá ra vào bến xe!