11/01/2025

Cẩn trọng với ‘bẫy’ xếp hạng đại học

Sự kiện một nhóm chuyên gia độc lập công bố bảng xếp hạng đại học VN gây tranh luận mới đây không chỉ vì là bảng xếp hạng đầu tiên trong nước, mà còn thể hiện nhu cầu “khát” xếp hạng đại học trong đời sống xã hội.

 

Cẩn trọng với ‘bẫy’ xếp hạng đại học

Sự kiện một nhóm chuyên gia độc lập công bố bảng xếp hạng đại học VN gây tranh luận mới đây không chỉ vì là bảng xếp hạng đầu tiên trong nước, mà còn thể hiện nhu cầu “khát” xếp hạng đại học trong đời sống xã hội. 






Sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM là trường xếp thứ hai trong bảng xếp hạng theo tiêu chí giáo dục và đào tạoẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo nên cẩn thận kẻo sập bẫy xếp hạng đại học.
Chiều 6.9, một nhóm nghiên cứu độc lập gồm 6 thành viên, trong đó tiến sĩ Nguyễn Ngọc Anh và tiến sĩ Lưu Quang Hưng là đồng chủ biên báo cáo xếp hạng, tổ chức tọa đàm công bố báo cáo bảng xếp hạng đại học (ĐH) VN (Danh sách xem trên thanhnien.vn). Kết quả công bố sau khi được đăng tải đã dấy lên những làn sóng bình luận.
Nhiều hoài nghi từ bảng xếp hạng
Phần lớn các ý kiến hoan nghênh tính chất “đầu tiên” trong việc thực hiện xếp hạng ĐH trong nước của nhóm nghiên cứu, nhưng tỏ ra tiếc trước một bảng xếp hạng gieo rắc quá nhiều hoài nghi. Nhiều ý kiến cho rằng chưa cần đến đánh giá của chuyên gia về xếp hạng ĐH mà chỉ cần bằng trực quan đã cảm nhận được sự thiếu tin cậy trong kết quả này.
“Xếp hạng theo nhóm tiêu chí giáo dục đào tạo mà trường Y Hà Nội đứng thứ 44, Y Dược TP.HCM thứ 40 trong bảng xếp hạng chỉ có 49 trường. Đây là những trường vốn được biết đến bởi sinh viên (SV) giỏi, đào tạo nghiêm chỉnh, nghiên cứu tốt, mà thứ hạng xa tít tắp! Cũng trong nhóm tiêu chí này, tôi thấy thứ tự là trường ĐH Nông nghiệp rồi mới đến Xây dựng, Mỏ địa chất, Bách khoa Hà Nội. Đó là những kết quả hoàn toàn phản trực quan. Mọi lý thuyết, tiêu chí đề ra mà dẫn đến kết quả phản trực quan, phi thực tế thì phải xem lại”, một tiến sĩ ở Trung tâm ung thư MD Anderson (Mỹ) nhận xét.
Còn tiến sĩ Tạ Hải Tùng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngạc nhiên: “Trong nhóm cơ sở vật chất và quản trị, Trường Bách khoa đứng ngoài tốp 20, thậm chí kém cả một số trường quy mô rất khiêm tốn ở Hà Nội. Tôi hỏi thì anh Giáp Văn Dương (một thành viên của nhóm xếp hạng – PV) trả lời là dựa vào báo cáo của các trường, mà trường thì nói có vài trăm héc ta đất mới được giao. Tôi rất bất ngờ khi các anh ấy “cả tin” như vậy. Và vì “cả tin” trong một tiêu chí nên tôi có quyền nghi ngờ toàn bộ dữ liệu khác”.
Theo GS Lê Bảo Long (ĐH Quebec, Canada), các tiêu chí xếp hạng của nhóm tác giả trên có nhiều mục giống với các bảng xếp hạng nổi tiếng của thế giới (như QS, THE, ĐH Giao thông Thượng Hải) nhưng thiên về định lượng nhiều hơn, vốn có thể làm cho kết quả cuối cùng phụ thuộc mạnh vào chất lượng dữ liệu.
Trong khi đó, hầu hết các chuyên gia khi được hỏi đều tỏ ra hoài nghi về chất lượng dữ liệu mà nhóm nghiên cứu làm căn cứ để tiến hành các bước phân tích xếp hạng.
Theo nhóm chuyên gia xếp hạng, nguồn dữ liệu quan trọng mà họ khai thác là báo cáo “3 công khai” mà các trường để trên trang thông tin của trường. Tiến sĩ Đỗ Ngọc Quyên, một chuyên gia tư vấn độc lập, nguyên Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng giáo dục của Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận xét: “Chỉ có những ai chưa bao giờ làm “3 công khai” và hết sức ngây thơ mới dùng số liệu ấy để xếp hạng ĐH!”.
Dù cho rằng đã xếp hạng thì sẽ gây tranh cãi, nhưng ông Phạm Hùng Hiệp, nghiên cứu sinh Trường ĐH Văn hoá Trung Hoa (Đài Loan), cũng nhận xét: “Khi biết các anh ấy hoàn toàn dùng dữ liệu có sẵn ở VN, vốn dĩ có độ tin cậy rất thấp, tôi đã lường trước những ồn ào hiện nay. Ví dụ các báo cáo “3 công khai” thì ngay cả Bộ GD-ĐT cũng đang muốn thay đổi để trở nên đáng tin hơn”.
Cẩn trọng với 'bẫy' xếp hạng đại học - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Mang giáo dục nước ngoài vào Việt Nam chẳng dễ đâu!

Sau khi một số báo đưa thông tin về việc Việt Nam sẽ xem xét ‘nhập khẩu’ chương trình giáo dục của những nước tiên tiến, các chuyên gia giáo dục đã có những bình luận trên trang cá nhân của mình về vấn đề này.
Có thể gây ngộ nhận
Theo các chuyên gia, sở dĩ bảng xếp hạng của nhóm chuyên gia này gây sự chú ý của dư luận bởi xã hội thực sự đang “khát” việc xếp hạng ĐH.
Tiến sĩ Đỗ Ngọc Quyên cho biết trước đây đã từng có một nhóm đã thử làm, công bố nội bộ trong khối trường ĐH nhưng vì một số lý do nào đó đã không công bố rộng rãi kết quả xếp hạng. Gần đây, một số nhà khoa học trẻ cũng đã lập nhóm Trắc lượng khoa học VN (S4VN), xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH VN nhưng chỉ ở góc độ công bố các bài báo ISI. Tuy nhiên cũng chỉ hơn một năm, vì nhiều lý do, nhóm đã phải ngừng hoạt động.
 
 
Cẩn trọng với 'bẫy' xếp hạng đại học - ảnh 3
Cách tiếp cận cũng nên từ góc độ khoa học,đừng vì muốn tạo tiếng vang cho mình mà sẵn sàng công bố những kết quả không đáng tin cậy, gây ngộ nhận cho xã hội và các trường

Cẩn trọng với 'bẫy' xếp hạng đại học - ảnh 4
Tiến sĩ Tạ Hải Tùng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

 

Nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng dù rất cần có những bảng xếp hạng tổng thể, song vẫn cần sự cẩn trọng của những người tiên phong. Ông Lê Trường Tùng (Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT) nói: “ĐH tốt hiện nay phải hội tụ 4 tốt: đào tạo tốt, nghiên cứu tốt, việc làm đầu ra tốt và quốc tế hóa tốt. Nhưng xếp hạng của nhóm này mới theo mô hình “2 tốt” là đào tạo tốt và nghiên cứu tốt. Vấn đề nó là cái đầu tiên, nên nếu xếp không đúng sẽ gây ngộ nhận sai của xã hội. Một số trường chạy theo thành tích dựa vào đó để phấn đấu sẽ lãng quên sứ mạng chính là vì SV”.

Ông Tạ Hải Tùng cũng cho biết: “Việc xếp hạng phải căn cứ trên dữ liệu chính xác, nhưng quy trình công bố báo cáo cũng cần phải qua khâu phản biện, một nhóm chuyên gia trong nước cũng được, chứ như nhóm vừa làm là hơi vội và hơi vô trách nhiệm. Các tổ chức xếp hạng không thể dùng uy tín của các trường để thử nghiệm cho mình. Cách tiếp cận cũng nên từ góc độ khoa học, đừng vì muốn tạo tiếng vang cho mình mà sẵn sàng công bố những kết quả không đáng tin cậy, gây ngộ nhận cho xã hội và các trường”. (Còn tiếp)
Ý kiến:
Sẵn sàng đón nhận nếu nguồn dữ liệu đảm bảo tin cậy
Việc xếp hạng ĐH có ít giá trị trong việc thúc đẩy phát triển giáo dục ĐH. Tôi sẵn sàng đón nhận kết quả xếp hạng nếu nhóm nghiên cứu giải quyết được các vấn đề trong xếp hạng quốc tế, đó là kỹ thuật (phương pháp) và nguồn dữ liệu đảm bảo tin cậy. Nhưng tôi không tin nhóm ở VN hiện nay giải quyết được hai vấn đề này.
Tiến sĩ Đỗ Ngọc Quyên (nguyên Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng giáo dục, Trường ĐH Kinh tế Hà Nội)
Dẫn đến một bức tranh sai lệch
Nếu đề ra những tiêu chí và phương pháp xử lý không khách quan, đúng đắn thì kết quả sẽ không phản ánh năng lực thực sự của các trường, ngay cả trên những phương diện mà chúng ta định đo lường, như đo kết quả nghiên cứu khoa học bằng bài báo ISI, bằng chỉ số trích dẫn. Trong cơn sốt xếp hạng, người ta đua nhau trường nào cũng có thật nhiều bài báo, kết quả là đi “mua cầu thủ” (thuê giảng viên viết bài báo – PV), hoặc đạo văn, hoặc vô vàn cách để tăng con số xuất bản của các trường. Nếu chúng ta nhấn mạnh những tiêu chí đó để đo thành quả hoạt động khoa học của các trường thì sẽ đưa ra một bức tranh sai lệch, thúc đẩy các trường chạy theo thành tích, chạy theo bài báo, họ sẽ làm mọi cách có những con số thật đẹp để có tên trong các bảng xếp hạng thay vì tập trung vào sứ mạng thực sự là tạo ra tri thức, phục vụ cộng đồng, đào tạo SV.
Tiến sĩ Phạm Thị Ly (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành)

Tổ chức, cá nhân được thành lập tổ chức kiểm định
Theo Thông tư 61/2012 của Bộ GD-ĐT, có 2 loại tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục: do nhà nước thành lập và do tổ chức, cá nhân thành lập. Tổ chức kiểm định do nhà nước thành lập hoạt động theo quy định của nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Tổ chức kiểm định do tổ chức, cá nhân thành lập hoạt động theo quy định của nhà nước đối với các cơ sở ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Các tổ chức này có chức năng đánh giá và công nhận các cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Hà Ánh

Tiêu chí xếp hạng của nhóm
Trong lần đầu công bố, nhóm này đã xếp hạng 49 trường ĐH có đầy đủ thông tin nhất trong số dữ liệu hơn 100 trường mà nhóm thu thập được từ năm 2014. Tiêu chí xếp hạng gồm 3 nhóm: nghiên cứu khoa học (chiếm tỷ trọng 40%), giáo dục và đào tạo (40%), cơ sở vật chất và quản trị (20%). Trong đó nhóm tiêu chí nghiên cứu khoa học sử dụng thang đo là công trình khoa học đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có chất lượng thuộc danh mục ISI. Trong nhóm tiêu chí giáo dục và đào tạo, điểm đầu vào tuyển sinh của các trường cũng là một thang đo quan trọng (chiếm tỷ trọng 10% trong tổng thang đo).

 

Quý Hiên