10/01/2025

Dân Hàn Quốc tự tin Triều Tiên sẽ không gây chiến

Trong lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang gia tăng, người dân Hàn Quốc lại tỏ ra tự tin rằng viễn cảnh chiến tranh sẽ khó xảy ra.

 

Dân Hàn Quốc tự tin Triều Tiên sẽ không gây chiến

Trong lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang gia tăng, người dân Hàn Quốc lại tỏ ra tự tin rằng viễn cảnh chiến tranh sẽ khó xảy ra.

 Dân Hàn Quốc tự tin Triều Tiên sẽ không gây chiến - Ảnh 1.

Người dân Hàn Quốc xem bản tin về vụ thử hạt nhân lần 6 của Triều Tiên trên màn hình ở nhà ga thủ đô Seoul - Ảnh: REUTERS

Một cuộc khảo sát của hãng Gallup công bố ngày 8-9 cho thấy 58% người dân Hàn Quốc được hỏi cho rằng Triều Tiên không có khả năng phát động chiến tranh trước. Chỉ có 37% lo ngại một cuộc chiến sẽ bùng nổ.

Theo hãng tin Reuters, dường như người Hàn Quốc đã “miễn nhiễm” với các đợt thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Vào năm 2007, 9 tháng sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Bình Nhưỡng, 51% người được hỏi tin rằng một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên sắp diễn ra, cao gấp 2 lần so với hiện tại.

Về lý thuyết, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh kể từ sau cuộc chiến năm 1953. Phần lớn lãnh thổ Hàn Quốc nằm trong tầm bắn của pháo binh và tên lửa Triều Tiên.

Thủ đô Seoul của Hàn Quốc, cách biên giới liên Triều khoảng gần 50km, nằm hoàn toàn trong tầm bắn của pháo binh Triều Tiên chứ chưa cần đến tên lửa. 

Kể từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền ở Triều Tiên (cuối năm 2011) và theo đuổi chương trình tên lửa-hạt nhân, trong khi chính quyền Hàn Quốc phản ứng rất mạnh, người dân và chính phủ Nhật Bản lo ngại, dân Hàn Quốc vẫn “bình chân như vại” kể cả trong những thời khắc tưởng chừng chiến tranh sắp bùng nổ.

Ngày 3-9, chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch có khả năng gắn lên tên lửa đạn đạo liên lục địa. Mỹ và Hàn Quốc đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích, tiến hành tập trận ném bom mục tiêu mô phỏng căn cứ hạt nhân của Triều Tiên.

Lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc sau đó cũng nhất trí nâng trần trọng lượng đầu đạn tên lửa của Hàn Quốc trước mối đe doạ từ Triều Tiên. Đã có ý kiến tranh luận rằng đã tới lúc nên để Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, khi các thành phần thuộc tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được Mỹ triển khai tới Hàn Quốc ngày 7-9, nó đã vấp phải sự phản đối của người dân địa phương nơi có căn cứ lắp đặt các dàn phóng tên lửa phòng thủ. 

Ngày 7-9 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục khẳng định mọi biện pháp đáp trả đã được cân nhắc, bao gồm cả hành động quân sự nhưng tỏ ra dịu giọng so với trước. 

“Hành động quân sự chắc chắn là một biện pháp. Có phải chuyện này là điều không thể tránh khỏi không? Không có chuyện gì là không thể tránh khỏi. Nếu Mỹ quyết sử dụng giải pháp quân sự với Triều Tiên, đó sẽ là một ngày rất buồn cho đất nước đó”, ông Trump diễn giải.

Trong diễn biến liên quan ngày 8-9, Hải quân Mỹ thông báo tàu sân bay USS Ronald Reagan đã rời cảng nhà ở Nhật Bản cho một “đợt tuần tra thường kỳ”. Khu vực USS Ronald Reagan hoạt động sẽ bao gồm vùng biển giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên.