Doanh nghiệp nhỏ vẫn khó được kinh doanh khí
Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí mà Bộ Công thương chủ trì soạn thảo dù sắp đến lúc phải ban hành, song vẫn còn rất nhiều ý kiến không hài lòng…
Doanh nghiệp nhỏ vẫn khó được kinh doanh khí
Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí mà Bộ Công thương chủ trì soạn thảo dù sắp đến lúc phải ban hành, song vẫn còn rất nhiều ý kiến không hài lòng…
Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí mà Bộ Công thương chủ trì soạn thảo dù sắp đến lúc phải ban hành, song vẫn còn rất nhiều ý kiến không hài lòng, nhất là từ Bộ Tư pháp – cơ quan thẩm định.
Đầu tiên là quy định điều kiện của thương nhân phân phối. Cụ thể, Nghị định 19 và các dự thảo trước đây mà Bộ Công thương công bố đều quy định: Muốn phân phối gas, doanh nghiệp (DN) phải có tối thiểu từ 100.000 vỏ bình gas và có bồn chứa 300 m3. Mặc dù so với Nghị định 107/2009 trước đây thì thương nhân cấp 1 (hay còn gọi là thương nhân phân phối) còn phải có ít nhất 300.000 vỏ và bồn chứa 800 m3, tức là gấp 3 lần quy định như hiện nay, nhưng các DN nhỏ và các chuyên gia vẫn cho rằng chính sách tại dự thảo này nhằm bảo vệ các ông lớn, o ép DN nhỏ và quy định như trên là không cần thiết.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên hồi giữa tuần về điều kiện kinh doanh này, đại diện Bộ Công thương khẳng định: “Đối với thương nhân phân phối khí, dự thảo nghị định mới nhất đã bãi bỏ các điều kiện kinh doanh liên quan như: phải sở hữu các bồn chứa khí và sở hữu chai chứa LPG, sở hữu trạm nạp, sở hữu trạm cấp khí, về thiết lập hệ thống phân phối cho phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020”. Bộ Công thương cũng cho biết thêm, hiện nay Bộ Tư pháp đã có công văn gửi Bộ Công thương về thẩm định dự thảo Nghị định kinh doanh khí. Trên cơ sở đó, Bộ đang giải trình và hoàn thiện dự thảo theo ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để gửi về Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng ký ban hành.
Hạ thấp chứ không dỡ bỏ rào cản
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, tại báo cáo thẩm định kể trên, Bộ Tư pháp dù ghi nhận nhiều điểm thay đổi về điều kiện kinh doanh nhưng dự thảo vẫn quy định theo kiểu hạ thấp rào cản, chứ không dỡ bỏ rào cản. Bộ Tư pháp dẫn chứng, dự thảo quy định điều kiện với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất chế biến “phải là DN”. Như vậy, các chủ thể kinh doanh như hợp tác xã, hộ kinh doanh sẽ không được quyền tham gia. “Đây là quy định không hợp lý, hạn chế quyền kinh doanh của hợp tác xã. Đề nghị không phân biệt đối xử”, Bộ Tư pháp bày tỏ.
Hoặc tại điều 7 dự thảo quy định về quy hoạch phát triển kinh doanh khí gồm: quy hoạch đối với nhà máy sản xuất, chế biến khí; kho chứa với tổng dung tích bồn chứa từ 5.000 m3 do Bộ Công thương lập và quy hoạch phát triển cơ sở kinh doanh khí do UBND tỉnh lập. Theo Bộ Tư pháp, quy hoạch này được hiểu rằng, nếu DN xin phép thành lập cơ sở kinh doanh khí mà không có trong/vượt quá quy hoạch thì sẽ không được chấp thuận; nếu thực hiện hoạt động nằm ngoài quy hoạch là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt. “Đây là quy định đã tồn tại ở Nghị định 19/2016 và Nghị định 107/2009, nhưng trên thực tế, việc lập quy hoạch cơ sở kinh doanh khí (nhất là ở địa phương) hầu như không khả thi”, Bộ Tư pháp bày tỏ và nhấn mạnh: Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, quy hoạch do cơ quan nhà nước lập theo kỳ và thường có độ trễ, không theo kịp với sự phát triển của xã hội. Trong khi đó, các DN thường rất nhanh nhạy trong việc nhìn ra nhu cầu của xã hội và đáp ứng nhu cầu đó, vì vậy nên để thị trường tự quyết định về số lượng các cơ sở kinh doanh sẽ tốt hơn nhà nước làm việc đó.
Về tổng thể, Bộ Tư pháp đề nghị tiếp tục rà soát các điều kiện để đảm bảo tính cần thiết, công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư theo đúng tinh thần luật Đầu tư và ít hạn chế quyền đầu tư kinh doanh của các chủ thể liên quan.
TIN LIÊN QUAN
Ký thoả thuận về dự án khí Lô B – Ô Môn
Dự án khí Lô B – Ô Môn là dự án dầu khí trọng điểm quốc gia và là một trong hai dự án khí lớn nhất tại VN cho tới nay.
Chí Hiếu