Chấn động Triều Tiên thử bom nhiệt hạch
Ngày 3.9, Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch, có thể cải biến để gắn lên tên lửa liên lục địa bắn đến Mỹ.
Chấn động Triều Tiên thử bom nhiệt hạch
Ngày 3.9, Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch, có thể cải biến để gắn lên tên lửa liên lục địa bắn đến Mỹ.
Trong buổi phát sóng đặc biệt trên kênh truyền hình trung ương Triều Tiên (KCTV) vào 15 giờ hôm qua (giờ địa phương, tức 13 giờ 30 giờ VN), phát thanh viên kỳ cựu Ri Chun-hee công bố thông tin từ Viện Vũ khí hạt nhân về “thành công rực rỡ” của cuộc thử bom nhiệt hạch (bom H) tối tân, được tiến hành theo mệnh lệnh trực tiếp của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Bà Ri khẳng định đây không phải là thiết bị phân hạch thuần tuý mà là “quả bom hoàn hảo”. Vũ khí này còn có thể tạo tiền đề kỹ thuật để chế tạo đầu đạn nhiệt hạch dành cho tên lửa liên lục địa (ICBM). “Các nhà khoa học hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã thực hiện thành công cuộc thử nghiệm ở khu vực miền bắc đất nước, thực hiện đúng kế hoạch xây dựng lực lượng hạt nhân chiến lược của đảng Lao động Triều Tiên”, theo phát thanh viên Ri Chun-hee.
Trung Quốc rung chuyển
Trước khi có xác nhận từ Triều Tiên, sáng 3.9, các cơ quan khảo sát địa chấn trong khu vực đã ghi nhận 2 trận động đất nhân tạo gần bãi thử hạt nhân của nước này. Reuters dẫn lời giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc cho hay cường độ của cơn địa chấn đầu tiên gấp 10 lần đợt rúng động trong vụ thử hạt nhân lần thứ năm của Triều Tiên hồi tháng 9.2016.
Cơ quan Khảo sát địa chấn Mỹ và Cơ quan Địa chấn Trung Quốc cùng đo được cường độ động đất 6,3 độ Richter vào trưa 3.9, gần bãi thử Punggye-ri, đông bắc Triều Tiên. Sau đó, Trung Quốc cho biết ghi nhận thêm một cơn địa chấn thứ hai mạnh 4,6 độ Richter, có đặc tính tương đồng với vụ đầu tiên. Theo truyền thông nước này, vụ thử hạt nhân của Triều Tiên gây rung chuyển khắp một khu vực rộng lớn ở đông bắc Trung Quốc. Đài CCTV đưa tin người dân ở TP.Trường Xuân (tỉnh Cát Lâm), cách Punggye-ri khoảng 400 km, cũng cảm thấy bị chấn động. Tại đô thị nhỏ Diên Cát, cách biên giới Trung – Triều 20 km, nhiều người hốt hoảng tháo chạy khỏi nhà trong cảnh rung lắc dữ dội. “Tôi chỉ kịp mặc quần đùi rồi tháo chạy xuống cầu thang. Khi đến tầng trệt, tôi thấy nhiều người cũng trong hoàn cảnh tương tự”, một người dân ở Diên Cát mô tả trên mạng xã hội Weibo. Theo cộng đồng mạng, thành phố này rung chuyển suốt 10 giây, còi báo động vang lên inh ỏi.
Mạnh nhất từ trước đến nay
Hôm qua, Hàn Quốc ra lệnh cho quân đội nâng cao mức sẵn sàng cảnh giác trong khi Nhật Bản, Nga và Trung Quốc đều triển khai theo dõi mức độ phóng xạ trong khu vực. Reuters dẫn tuyên bố từ giới chức Triều Tiên khẳng định đây là lần thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay của nước này. Tổ chức Giám sát địa chấn độc lập NORSAR ước tính thiết bị được thử nghiệm có đương lượng nổ vào khoảng 120 kiloton, gấp 10 lần các quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật Bản trong Thế chiến 2. Bên cạnh đó, tờ The Washington Post dẫn đánh giá của các chuyên gia phương Tây ước đoán quả bom được sử dụng trong vụ thử là loại vũ khí hai tầng với sức công phá có thể tiêu diệt cả thành phố rộng lớn.
Mặt khác, theo giới quan sát, cuộc thử nghiệm mới có thể đánh dấu bước tiến lớn của Triều Tiên trong quá trình thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào ICBM. Với thiết bị nổ nhiệt hạch, Bình Nhưỡng có thể chế tạo đầu đạn có sức công phá lớn mà vẫn bảo đảm kích thước và trọng lượng phù hợp để trang bị cho tên lửa. Trước đó, Hãng thông tấn KCNA đăng tải hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un xem xét một thiết bị được cho là bom H. Theo giới chức Bình Nhưỡng, đây là vũ khí nhiệt hạch đa chức năng, có thể điều chỉnh sức mạnh từ vài chục kiloton đến hàng trăm kiloton, được thiết kế để kích nổ ở cao độ phù hợp. Triều Tiên còn tuyên bố toàn bộ linh kiện được sản xuất nội địa nên nước này có thể chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt với số lượng tùy ý. “Nếu những thông tin trên được xác nhận thì đây là bằng chứng cho thấy chương trình hạt nhân của Triều Tiên đang tiến triển nhanh chóng”, Reuters dẫn lời ông Lassina Zerbo, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO), nhận định.
Mỹ có thể “cấm vận toàn cầu” nhằm vào Triều Tiên
Ngày 3.9, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận thông tin Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ sáu, đồng thời tuyên bố những phát ngôn và hành động của Bình Nhưỡng tiếp tục “gây nguy hiểm đối với Mỹ”. Ông cũng phê trách Trung Quốc “không giúp được bao nhiêu” trong việc gây sức ép lên Triều Tiên. “Triều Tiên là một quốc gia đã trở thành mối đe dọa lớn và sự xấu hổ cho Trung Quốc khi nước này đang cố giúp nhưng không được bao nhiêu”, chủ nhân Nhà Trắng viết trên Twitter. Khi được hỏi về khả năng Mỹ tấn công Triều Tiên, Tổng thống Trump chỉ nói ngắn gọn: “Để xem”, theo Reuters. Sau đó, ông tiếp tục tuyên bố Mỹ sẽ xem xét cắt đứt quan hệ thương mại với tất cả các quốc gia có dính líu làm ăn với Triều Tiên. Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định sẽ thúc đẩy HĐBA LHQ đưa ra “biện pháp trừng phạt mạnh nhất” và “hoàn toàn cô lập” miền Bắc, còn Nhật Bản kêu gọi áp đặt thêm các lệnh cấm vận sâu rộng.
Cũng trong ngày 3.9, theo Reuters, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý sẽ “xử lý thỏa đáng” hành động thử hạt nhân của Triều Tiên.
|
Bom H và bom A
Bom H, hay bom nhiệt hạch, có uy lực gấp nhiều lần so với bom nguyên tử thông thường (bom A). Đối với bom A, sức công phá đến từ phản ứng phân hạch phá vỡ những nguyên tử cỡ lớn, chẳng hạn như plutonium, thành nguyên tử nhỏ hơn, tạo ra năng lượng đáng kể. Ngược lại, bom H sử dụng phản ứng nhiệt hạch để kết hợp các nguyên tử cỡ nhỏ, chẳng hạn như hydrogen, nhằm tạo ra lượng năng lượng khủng khiếp hơn. Vũ khí hạt nhân phân hạch, chẳng hạn như 2 quả bom Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản hồi năm 1945, thường có sức công phá khoảng 10 – 15 kiloton, trong khi vũ khí nhiệt hạch tạo ra sức nổ tính bằng megaton (1 megaton = 1.000 kiloton).
Vụ thử bom H đầu tiên trên thế giới do Mỹ thực hiện vào ngày 1.1.1952 tại quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương với sức nổ 10 megaton. Ngày 30.10.1961, Liên Xô kích hoạt quả bom nhiệt hạch 57 megaton mang tên “Tsar” (Sa hoàng) ở Bắc cực, và đây là thiết bị nổ mạnh nhất từng được con người chế tạo.
|
Thuỵ Miên