28/11/2024

Những thảm hoạ chết chóc trên tàu sân bay Mỹ

Hải quân Mỹ từng trải qua thời điểm u ám, khi một loạt các tàu sân bay gặp nạn trong thập niên 1960 trước áp lực căng thẳng từ chiến trường.

 

Những thảm hoạ chết chóc trên tàu sân bay Mỹ

Hải quân Mỹ từng trải qua thời điểm u ám, khi một loạt các tàu sân bay gặp nạn trong thập niên 1960 trước áp lực căng thẳng từ chiến trường.




Cận cảnh hoả hoạn tàn phá trên boong tàu USS ForrestalU.S NAVY

Hai vụ va chạm liên quan đến tàu khu trục Mỹ vào tháng 6 và tháng 8 vừa qua đã buộc hải quân Mỹ rà soát hoạt động của tất cả hạm đội nước này trên toàn cầu, khiến Tư lệnh Hạm đội 7 bị bãi nhiệm và kéo theo mối hoài nghi về năng lực của lực lượng lâu nay vẫn hiện diện đông đảo tại khắp các đại dương. Tuy nhiên, ít ai biết những tai nạn tương tự với mức độ thảm khốc hơn từng ám ảnh lực lượng tác chiến trên biển của Lầu Năm Góc vào thập niên 1960. Hơn 200 thủy thủ đã mất mạng do hậu quả từ sự đòi hỏi cấp bách và sức ép của lãnh đạo quân đội Mỹ nhằm xoay chuyển tình thế trên chiến trường VN. Lúc đó, những con tàu mang theo đầy bom, chất nổ, nhiên liệu và máy bay chiến đấu trở thành một tổ hợp có thể dẫn đến thảm họa, theo trang War is Boring.
USS Oriskany
Vào tháng 7.1966, tàu sân bay USS Oriskany lần thứ hai được triển khai đến VN, đóng tại Trạm Yankee, một điểm trú chân của tàu chiến Mỹ cách Đà Nẵng khoảng 160 km về hướng đông. Hàng không mẫu hạm lớp Essex dài 276 m, lượng giãn nước 27.100 tấn (tiêu chuẩn) là một trong những tàu sân bay luân phiên neo đậu tại đây để đóng vai trò là căn cứ nổi, phục vụ chiến dịch dội bom dữ dội và hầu như không ngơi nghỉ trên bầu trời VN. Tổng cộng 5 đội máy bay tác chiến của USS Oriskany, bao gồm các máy bay ném bom cường kích A-1 Skyraider và A-4 Skyhawk, tiêm kích F-8 Crusader, thực hiện gần 8.000 sứ mệnh tác chiến trong vòng 4 tháng.
Vào ngày 26.10.1966, một sự cố xảy ra khi hai phi công tập sự xếp pháo sáng chưa dùng hết vào kho hàng A-107-M. Dây giật pháo sáng không được điều chỉnh lại vị trí an toàn sau các cuộc không kích. Vào 7 giờ 28, một trong hai người làm rơi pháo sáng và bằng cách nào đó nó được kích hoạt. Trong cơn hốt hoảng, người này quẳng pháo sáng đang cháy vào kho chứa đạn dược và khóa lại. Kho A-107-M, nằm ở khoang chứa máy bay sát thang nâng của tàu sân bay, chứa hơn 250 pháo sáng và vô số rốc két MK4, đường kính 70 li. Sau 5 phút, áp lực dồn nén từ ngọn lửa cuối cùng đã đẩy bật cánh cửa, phóng ra một quả cầu lửa lập tức lan khắp khoang chứa máy bay.
Những đám khói dày tràn vào hệ thống thông khí, bao phủ 1/3 con tàu bằng lớp khói độc hại khiến nhiều thủy thủ chết ngạt. Tổng cộng 43 người thiệt mạng, 156 người bị thương. Về thiệt hại vật chất, con tàu tổn thất 2 trực thăng, 1 chiếc A-4E và 3 chiếc Skyhawk bị hư hỏng nặng. Bản thân USS Oriskany buộc phải rút về San Francisco sửa chữa suốt 5 tháng, với chi phí khoảng 13 triệu USD (tương đương 100 triệu USD theo thời giá hiện nay).
Những thảm họa chết chóc trên tàu sân bay Mỹ2

Tàu USS Oriskany nghi ngút khói

USS Forrestal
USS Forrestal là tàu sân bay lớn nhất từng được đóng vào thời điểm gia nhập hạm đội năm 1955. Với năng lực xuất kích dòng máy bay F-4 Phantom cỡ lớn bằng máy phóng thuỷ lực, USS Forrestal được triển khai đến Trạm Yankee vào tháng 7.1967, tham gia chiến dịch ném bom rải thảm xuống VN. Chỉ trong 4 ngày đầu tham chiến, các máy bay của USS Forrestal thực hiện 150 sứ mệnh, đa số tập trung vào cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa. Tốc độ tác chiến như vậy đã nhanh chóng làm cạn kiệt kho đạn dược, buộc Mỹ phải dùng đến bom M65 cổ lỗ sĩ để giữ được nhịp độ tham chiến.
Vào 10 giờ 50 ngày 29.7, một ngày sau khi con tàu tiếp nhận số bom cũ, một quả rốc két Mark 32 Zuni trên chiếc F-4B Phantom đột ngột bị kích hoạt và bắn vèo từ bên này sang bên kia boong tàu. Nó lao thẳng vào bên hông máy bay Skyhawk của thiếu tá Fred White, chỉ huy phi đội VA-46, trong lúc ông này đang chờ đến lượt cất cánh. Vụ nổ đã phá huỷ bồn nhiên liệu 1.500 lít và khiến 2 quả bom M65 đang gắn ở cánh rơi xuống boong tàu làm bùng cháy dữ dội. Đội cứu hoả trên tàu nhanh chóng hành động, nhưng họ chỉ có thể dựa vào một ống nước để phun vào những quả bom đang bốc cháy trong lúc ngọn lửa lan sang chiếc Skyhawk kế bên, do thượng nghị sĩ tương lai John McCain điều khiển, buộc ông này phải nhảy khỏi máy bay.
Những thảm họa chết chóc trên tàu sân bay Mỹ - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Khu trục hạm Mỹ gặp nạn vì bị tấn công mạng?

Trong lúc Lầu Năm Góc đang điều tra vụ tàu USS John S.McCain va chạm tàu chở dầu ngoài khơi Singapore, một số chuyên gia đặt nghi vấn về khả năng hệ thống định vị mà tàu sử dụng bị phá hoại hoặc tấn công mạng.
Không giống như trường hợp của tàu USS Oriskany, quả rốc két Zuni ban đầu đã kích hoạt phản ứng nổ dây chuyền phá hủy mọi thứ trên đường đi, đồng thời xé toạc boong tàu, đổ hơn 150.000 lít nhiên liệu cháy xuống khoang đậu máy bay và khu vực sinh hoạt của thuỷ thủ đoàn. Hơn một chục quả bom phát nổ trên boong tàu, toàn bộ là loại bom M65. Vụ nổ ban đầu đã giết chết hai đội cứu hỏa lành nghề, chỉ còn lại những thành viên tập sự, khiến công tác dập lửa gặp nhiều khó khăn. Phải đến 4 giờ sáng hôm sau vụ hỏa hoạn mới được dập tắt hoàn toàn.
Tổng cộng hơn 134 thuỷ thủ và phi công thiệt mạng. Trả lời phỏng vấn tờ The New York Times một ngày sau, ông McCain nói: “Giờ đây tôi đã chứng kiến tận mắt thảm cảnh chết chóc trên tàu trước sự phá huỷ của bom và napalm, tôi không còn chắc là mình muốn ném chúng xuống miền Bắc VN nữa hay không”. Bên cạnh tổn thất về nhân mạng, 11 chiếc Skyhawk cùng với 7 chiếc F-4 Phantom và 3 máy bay ném bom RA-5C bị phá huỷ. Chi phí sửa chữa con tàu là 217 triệu USD (1,6 tỉ USD vào thời giá năm 2017).
Những thảm họa chết chóc trên tàu sân bay Mỹ1

Cảnh tượng tàu sân bay USS Enterpise bốc cháy ngoài khơi Trân Châu Cảng

USS Enterprise
Theo History.com, USS Enterprise là tàu sân bay hạt nhân đầu tiên của Mỹ khi nó được triển khai vào năm 1960. Hàng không mẫu hạm này được vận hành nhờ vào 8 lò phản ứng hạt nhân, nhiều hơn đến 6 lò so với các tàu sân bay hạt nhân sau đó. Con tàu dài 342 m, lượng giãn nước 94.780 tấn, chở theo 4.600 người. Vào 8 giờ 18 ngày 14.1.1969, khi USS Enterprise đang quay về Trân Châu Cảng ở bang Hawaii của Mỹ, một rốc két chứa đầu đạn nhồi gần 7 kg chất nổ Composition B gắn trên chiếc F-4 Phantom phát nổ do bị đun nóng bởi khí thải từ thiết bị khởi động máy bay. Sự cố này kích hoạt một loạt các phản ứng nổ dây chuyền từ các bồn chứa nhiên liệu của phi cơ và một số rốc két khác, khiến boong tàu thủng lỗ chỗ. Chỉ trong vòng 3 phút kể từ vụ nổ đầu tiên, 1 quả bom trên chiếc F-4 Phantom nổ tung, khoét một lỗ thủng lớn với diện tích 2,5 x 2 m trên đường băng của tàu, tạo điều kiện cho nhiên liệu chảy sang những nơi khác và phá hủy hệ thống chữa cháy. Kế đến, 2 quả bom Mark 82 cũng bị kích nổ, khiến boong tàu càng bị phá huỷ nặng nề và thiệt hại càng thêm lan rộng.
Tổng cộng 18 vụ nổ đã xảy ra, khoét 8 lỗ lớn nhỏ trên boong và phần phía dưới. 27 thuỷ thủ đã thiệt mạng và 314 người bị thương nghiêm trọng. Trong số 32 máy bay trên USS Enterprise vào thời điểm đó, có đến 15 chiếc bị loại khỏi không đoàn, tuy nhiên may mắn là các lò phản ứng trên tàu không bị ảnh hưởng.

 

Thụy Miên