Du lịch đảo Lý Sơn phát triển ‘nóng’
Du lịch ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang phát triển “nóng” dẫn đến mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn.
Du lịch đảo Lý Sơn phát triển ‘nóng’
Du lịch ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang phát triển “nóng” dẫn đến mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn.
Đó là ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo các công ty du lịch và đại diện người dân Lý Sơn tại hội thảo “Phát triển du lịch Lý Sơn” do UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức ở Lý Sơn mới đây.
Bị động vì khách tăng đột biến
Theo ông Nguyễn Viết Vy, Bí thư Huyện uỷ Lý Sơn, từ năm 2013 đến nay lượng du khách đến với đảo Lý Sơn tăng đột biến. Trong năm 2016, huyện đảo đón hơn 165.000 du khách trong và ngoài nước, tăng 37,5 lần so với năm 2010. Riêng 7 tháng đầu năm 2018, có hơn 210.000 du khách ra đảo Lý Sơn tham quan, nghỉ dưỡng.
Lượng du khách đến với Lý Sơn tăng cao, theo ông Nguyễn Viết Vy có nhiều nguyên nhân: với tình yêu biển đảo, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh hải của đất nước trên Biển Đông nên người dân khắp mọi miền đất nước dành cho Lý Sơn tình cảm đặc biệt; Lý Sơn có nhiều cảnh đẹp, vẻ hoang sơ, kỳ vĩ; nhiều di tích văn hóa, lịch sử gắn liền với lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đặc biệt là lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là lễ hội độc đáo, riêng có của đảo Lý Sơn.
TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, cho rằng du lịch Lý Sơn phát triển là điều ai cũng nhận thấy, song cơ hội đến quá nhanh và bất ngờ khiến ngành du lịch nơi đây bị động dẫn đến những khu dịch vụ mọc lên tuỳ tiện. “Nhà bám vào đường, quay lưng ra biển và một số đã biến thành homestay tự phát chẳng khác nào nhà trọ cấp thấp ở đất liền, đê chắn sóng che hết tầm nhìn của du khách làm mất đi sự hưởng thụ thú vị đối với nét đẹp tự nhiên bao la của biển cả”, TS Phạm Quốc Quân nhìn nhận và cho rằng, bên cạnh một số di tích còn có hàng loạt quán xá tạm bợ mọc lên, te tua và lụp xụp gây phản cảm cho du khách.
Trong khi đó, PGS-TS Vũ Cao Minh (Viện Địa chất) lo lắng tình trạng tài nguyên du lịch địa chất, địa mạo ở Lý Sơn đang bị xâm hại. “Việc nâng cao, mở rộng bãi tắm, đổ đất đá làm đường, xây kè, xây công trình cao tầng trong khu vực di sản hoặc cận kề di sản đã phá vỡ giá trị di sản, hạ cấp di sản, làm hỏng nguồn tài nguyên du lịch độc đáo, hiếm có”, PGS-TS Vũ Cao Minh nói.
TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, cũng cho rằng việc xây dựng các công trình dân dụng, dân sinh, dịch vụ thiếu quy hoạch làm cho di sản địa chất trên đảo Lý Sơn bị biến dạng.
TIN LIÊN QUAN
Giếng ‘vua’ không bao giờ cạn ở Lý Sơn được công nhận là di tích
Giếng cổ Xó La (còn gọi là giếng ‘vua’) ở Lý Sơn chỉ cách mé biển lúc thuỷ triều lên cao nhất khoảng 5-7m nhưng nước luôn ngọt, thanh mát và không bao giờ khô cạn.
Phát triển du lịch cộng đồng
Đại diện các công ty du lịch nêu lên một thực trạng là việc bán vé tàu ra vào đảo Lý Sơn thiếu chuyên nghiệp khiến du khách phàn nàn; sản phẩm du lịch, du lịch văn hóa nghèo nàn, tình trạng chèo kéo khách diễn ra xô bồ, giá bán buôn các mặt hàng đặc sản không được kiểm soát, nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu về đòi hỏi tính chuyên nghiệp, kỹ năng quản lý, giao tiếp, chất lượng phục vụ… Những hạn chế này kéo dài sẽ dẫn đến hệ lụy du khách quay lưng với Lý Sơn cũng như bóp chết hình ảnh, thương hiệu du lịch của Lý Sơn.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc khai thác tài nguyên và phát triển du lịch tại Lý Sơn còn quá nhiều bất cập, cần phải có định hướng nhất quán trong phát triển bền vững. Trước hết, Lý Sơn sớm có một quy hoạch tổng thể giữa bảo tồn và phát triển. “Sự khác biệt của du lịch Lý Sơn đối với cả nước và quốc tế là núi lửa – biển và văn hóa biển, đảo. Do vậy, trong quy hoạch nên chú ý về độ lớn và chiều cao công trình để không lấn át cảnh quan, đồng thời nhất thiết phải bảo tồn vẻ đẹp nguyên sơ của di sản”, PGS-TS Vũ Cao Minh phân tích.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Bộ VH-TT-DL), cho biết để du lịch Lý Sơn phát triển bền vững, chính quyền địa phương cần thận trọng trong việc đầu tư các công trình, nhất là giao thông, đồng thời phải làm quy hoạch chi tiết về phát triển du lịch.
Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn đề nghị Lý Sơn cần phát triển hình thức du lịch cộng đồng để người dân được hưởng lợi. Nếu cho quá nhiều doanh nghiệp xây khách sạn, resort, khu giải trí thì người dân đất đảo không chỉ mất đất đai mà còn có nguy cơ trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất của họ.
Xây dựng công viên địa chất toàn cầu
Theo ông Đặng Ngọc Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cảnh đẹp thiên nhiên ở Lý Sơn được tạo nên từ sự hoà quyện giữa núi và biển; hoạt động phun trào của núi lửa đã tạo nên hình thế Lý Sơn hôm nay với thềm địa chất có niên đại hàng triệu năm. Với các giá trị địa chất, địa mạo đó, tỉnh Quảng Ngãi đang hoàn tất hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Lý Sơn – Bình Châu (H.Bình Sơn) và vùng phụ cận trở thành công viên địa chất toàn cầu.
|
Hiển Cừ