10/01/2025

Tuyển sinh ĐH 2018 không còn khối xét tuyển truyền thống?

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 dự kiến sẽ giữ ổn định như phương án của kỳ thi năm 2017, nhưng điểm bài thi tổ hợp có hai cách tính đang chờ các trường cho ý kiến.

 

Tuyển sinh ĐH 2018 không còn khối xét tuyển truyền thống?

 Kỳ thi THPT quốc gia 2018 dự kiến sẽ giữ ổn định như phương án của kỳ thi năm 2017, nhưng điểm bài thi tổ hợp có hai cách tính đang chờ các trường cho ý kiến.

 

 

 

Tuyển sinh ĐH 2018 không còn khối xét tuyển truyền thống?
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Long Xuyên, An Giang trước giờ làm bài thi. Tại Cụm thi An Giang năm nay có 14.112 thí sinh dự thi. Trước ‘giờ G’, nhiều thí sinh vẫn tranh thủ ôn bài với nhiều ưu tư, lo lắng – Ảnh: BỨU ĐẤU

Trước khi công bố phương án chính thức về kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ 2018, Bộ GD-ĐT đang tham khảo ý các trường ĐH, các học viện về một số điểm liên quan đến việc tuyển sinh của các trường.

Hai phương án tính điểm bài thi tổ hợp

Cụ thể, kỳ thi THPT quốc gia 2018 dự kiến sẽ giữ ổn định như phương án của kỳ thi năm 2017.

Các thí sinh sẽ làm 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với giáo dục phổ thông, và tổ hợp môn Lịch sử và Địa lí đối với Giáo dục thường xuyên).

Với thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ, các em có thể chọn thi bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) cùng các bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội phù hợp với tổ hợp xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ.

Tuy nhiên, đối với bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và bài thi tổ hợp khoa học xã hội, Bộ GD-ĐT đang đưa ra 2 phương án để các trường cho ý kiến.

Phương án 1 là giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần giống như năm 2017.

Phương án 2 là mỗi bài thi tổ hợp gồm nội dung của 3 môn thành phần, nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với 1 đầu điểm thống nhất của toàn bài thi, không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017.

Nếu theo phương án 2, các trường có thể chọn 2 hoặc 3 bài thi trong số các bài thi của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, trong đó bắt buộc phải có 1 bài thi Ngữ văn hoặc Toán; hoặc 1 bài thi Ngữ văn hoặc Toán và 1 hoặc 2 đầu điểm thi năng khiếu, điểm đánh giá năng lực do trường tổ chức hoặc điểm khác do trường lựa chọn quy định trong đề án tuyển sinh.

Như vậy, với phương án 2, các trường ĐH dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển sẽ không còn tuyển sinh theo một số khối thi truyền thống (như tổ hợp A00 toán – vật lý – hóa học, B00 toán – hóa học – sinh học, C00 ngữ văn – lịch sử – địa lý…) nữa vì không có điểm thi riêng biệt từng môn lý, hoá, sinh, sử, địa…

Việc xét tuyển ĐH theo kết quả thi THPT quốc gia ngoài các môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, sẽ phải xét tuyển theo điểm của cả bài thi khoa học tự nhiên hoặc bài thi khoa học xã hội.

Nhiều trường đề nghị giữ nguyên phương án thi như năm 2017

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 31-8, đại diện nhiều trường ĐH bày tỏ không đồng thuận với việc áp dụng phương án 2 (chỉ tính một đầu điểm chung cả ba môn thi trong bài thi tổ hợp).

Theo nhiều trường ĐH, khi kỳ THPT quốc gia vẫn xác định là kỳ thi “hai trong một” thì tốt nhất Bộ GD-ĐT vẫn nên tính điểm độc lập cho từng môn thi trong các bài thi tổ hợp để các trường ĐH chọn lựa phương án xét tuyển, tổ hợp xét tuyển gồm các môn thi/bài thi phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Khải – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược Hải Phòng, cho biết dự kiến trong ngày hôm nay trường sẽ có trả lời Bộ GD-ĐT về ý kiến tham khảo này.

“Việc chỉ tính điểm chung cho bài thi tổ hợp nhằm tiến đến bài thi tổng hợp rồi tích hợp là xu hướng tất yếu, nằm trong lộ trình đổi mới thi cử bộ đã công bố. Tuy nhiên, đổi mới này không nên áp dụng ngay năm nay vì nó sẽ gây tác động lớn đến xã hội và gây xáo trộn trong tâm lý của học sinh và phụ huynh.

Nếu Bộ đã có lộ trình đổi mới này thì có thể công bố năm nay để áp dụng cho 2-3 năm tới, chứ không phải công bố để áp dụng ngay cho năm nay được”, ông Khải nói.

Theo ông Khải, đổi mới thi cử nên theo hướng thi xét tốt nghiệp THPT giao dần về cho các trường THPT, các sở GD-ĐT thực hiện. Còn tuyển sinh đại học cần sàng lọc để chọn lựa nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước thì có thể thông qua kỳ thi quốc gia với sự hỗ trợ tổ chức, đề thi từ Bộ GD-ĐT.

Một số chuyên gia tuyển sinh cũng khẳng định việc chỉ tính một dầu điểm cho bài thi tổ hợp gồm ba môn nếu áp dụng ngay năm 2018 sẽ gây thiệt thòi cho các thí sinh.

Lãnh đạo một trường ĐH lớn phía Bắc phân tích: Trước đó, Bộ GD-ĐT đã khẳng định đề thi THPT quốc gia 2018 không chỉ có kiến thức của lớp 12 mà còn có một phần kiến thức của lớp 11. Vì vậy, nếu công bố và áp dụng ngay trong năm học này là không thuyết phục.

Ví dụ thí sinh đã tập trung cho các môn toán – lý – hoá, nay chỉ tính điểm bài thi khoa học tự nhiên nên thí sinh sẽ phải ôn sâu hơn ở cả môn sinh. Điều đáng nói là các em phải lội ngược dòng lại lớp 11 để ôn môn này, rất vất vả.

Còn nếu theo kế hoạch ôn tập ban đầu, những thí sinh này sẽ rất thiệt thòi trong 1/3 số điểm của bài thi dành cho môn sinh học.

NGỌC HÀ