Sóng gió gia tộc Shinawatra: 3 thủ tướng, 1 số phận
Cả 3 vị thủ tướng của dòng họ Shinawatra đều kết thúc sự nghiệp trong sóng gió với những án tù treo lơ lửng.
Sóng gió gia tộc Shinawatra: 3 thủ tướng, 1 số phận
Cả 3 vị thủ tướng của dòng họ Shinawatra đều kết thúc sự nghiệp trong sóng gió với những án tù treo lơ lửng.
Ngày ông Thaksin được bầu làm thủ tướng, dòng họ Shinawatra ăn mừng vì lần đầu tiên có người trong gia tộc giữ chức vụ cao nhất trong chính phủ Thái Lan. Tuy nhiên, việc một nhà tỉ phú trở thành chính trị gia là cả một quá trình dài.
Người khai phá
Ông Thaksin bắt đầu tham gia chính trường khi sự nghiệp kinh doanh trên đỉnh cao. Năm 1994 ông Thaksin được Phó thủ tướng Chamlong Srimuang mời làm ngoại trưởng, chức vụ cao nhất mà ông đảm nhiệm kể từ khi thôi việc trong ngành cảnh sát. Từ đó, ông dấn thân sâu hơn vào chính trường với việc tham gia đảng Palang Dharma Party (PDP) cầm quyền. Nhờ tài quản lý, ông nhanh chóng trở thành lãnh đạo của đảng này. PDP dưới sự lãnh đạo của ông Thaksin trầy trật trong việc giành ghế trong quốc hội và bầu cử địa phương, trong khi nội bộ rạn nứt, mâu thuẫn giữa người mới và cũ.
Năm 1997, ông Thaksin được mời làm phó thủ tướng trong thời điểm Thái Lan thả nổi đồng baht và phá giá đồng tiền. Thủ tướng Chavalit Yongchaiyudh hy vọng nhà tỉ phú có thể giúp vực dậy kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, ông Chavalit phải từ chức và ông Thaksin thôi việc sau 3 tháng.
Sau đó, ông rời PDP và cùng một số thành viên khác lập đảng mới Thai Rak Thai (Người Thái yêu người Thái) vào năm 1998 nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử 3 năm sau đó. Ông giành chiến thắng và trở thành thủ tướng đầu tiên được bầu theo hiến pháp mới, được xem là dân chủ nhất so với trước. Bước vào nhiệm kỳ đầu, ông Thaksin thực hiện chính sách kinh tế “Thaksinomics” nhắm vào cải thiện đời sống dân nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, khuyến khích doanh nghiệp và phát triển các tập đoàn kinh tế. Một trong những chính sách được lòng dân nhất của ông Thaksin là “bảo hiểm y tế 30 baht”, nhờ đó ông được xem như “vị cứu tinh” trong mắt dân nghèo.
Ông Thaksin kết thúc nhiệm kỳ đầu với nhiều thành công về mặt kinh tế và xã hội, mở đường cho ông tiếp tục tại vị trong nhiệm kỳ tiếp theo. Tuy nhiên, phe đối lập không muốn điều đó, họ tổ chức chiến dịch tấn công khi phát hiện ông trốn thuế trong vụ chuyển nhượng cổ phiếu cho công ty nước ngoài. Họ cáo buộc ông lạm quyền, tham nhũng và tổ chức biểu tình đòi ông từ chức. Người đứng đầu phong trào không ai khác chính là ông Chamlong, người đã dẫn dắt ông Thaksin vào con đường chính trị năm xưa. Quân đội phải vào cuộc, lật đổ chính phủ vào tháng 9.2006, khi ông Thaksin đang tham dự một sự kiện ở New York. Ông quyết định sống lưu vong. Trong thời gian đó, đảng Thai Rak Thai bị tòa kết tội gian lận trong bầu cử và phải giải thể. Ông về nước hồi năm 2008 nhưng nhanh chóng rời khỏi Thái Lan trước khi tòa xử vắng mặt và phạt ông 2 năm tù về tội tham nhũng.
“Người của Thaksin”
Ông Somchai Wongsawat, em rể của ông Thaksin, tiếp bước anh vợ khi đứng đầu chính phủ vào năm 2008. Trước khi tham gia chính trường, ông Somchai làm việc trong ngành tư pháp và rất am tường lĩnh vực này. Ông quyết định rẽ sang con đường chính trị khi chuẩn bị nghỉ hưu vào năm 2007. Ông tham gia PPP (Sức mạnh nhân dân), đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2007, và được giao chức phó thủ tướng dưới quyền Thủ tướng Samak Sundaravej. Ông Samak bị Toà hiến pháp phế truất vì xung đột lợi ích, mở đường cho ông Somchai lên thay. Tuy nhiên, ông chưa kịp triển khai bất kỳ chính sách nào thì đã phải trao trả chính quyền lại cho người dân.
Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) hay còn gọi là “Áo vàng” phản đối ông Somchai dữ dội, cáo buộc ông là “người của Thaksin”. Gần một tháng sau khi ông Somchai nhậm chức, tức tháng 10.2008, người biểu tình tiến chiếm quốc hội và bắt 320 nghị sĩ làm con tin ngay sau khi ông Somchai phát biểu. Thủ tướng Somchai may mắn trốn thoát sau khi trèo qua rào. Toà nhà chính phủ cũng bị chiếm, chính phủ của ông Somchai phải vào sân bay Don Muang để họp nội các.
Rồi số phận của ông cũng được quyết định bởi toà án. Toà kết tội đảng PPP vi hiến, mua phiếu bầu và buộc phải giải thể. Ông Somchai bị tước quyền thủ tướng chỉ sau hơn 3 tháng lãnh đạo chính quyền. Ông bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm và bị cáo buộc đàn áp biểu tình hồi năm 2008. Ông đối mặt với mức án 10 năm tù, tuy nhiên đầu tháng 8.2017, Toà hình sự tối cao đã tuyên ông vô tội.
Ác mộng trở lại
Sự nghiệp chính trị của nhà Shinawatra được tiếp nối khi em gái út của ông Thaksin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2011. Cũng như ông Thaksin, bà Yingluck xuất thân là một doanh nhân. Dù không ưa thích và am tường chính trị nhưng vì anh trai, bà đã ngồi vào ghế thủ tướng ở tuổi 44. Thế nhưng sóng gió liên tục nổi lên và ập đến với nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, từ thiên tai đến nhân hoạ.
Có lẽ so với 2 người anh, số phận của bà Yingluck bi thảm nhất. Chỉ vài tháng trong cương vị thủ tướng, bà Yingluck đối mặt với trận lũ lịch sử như muốn quét sạch một nửa nước Thái hồi năm 2011 và 2012. Kế đến là cuộc chiến đường phố với phong trào biểu tình phản đối chính phủ của bà, cho rằng bà là “con rối” của anh trai. Người đứng đầu của phong trào này là một cựu lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập, Suthep Thuaghsuban, cũng là người từng xô ngã “đế chế” của ông Thaksin.
Gian nan nhất đối với nữ thủ tướng có lẽ là cuộc chiến pháp lý, khiến bà phải kết thúc sự nghiệp chính trị khi tòa kết luận bà lạm quyền trong việc điều chuyển một nhân sự đối lập. Tháng 5.2014, quân đội đảo chính lật đổ chính phủ của bà. Bà Yingluck bị cáo buộc lơ là, thiếu trách nhiệm khi thực hiện chính sách dự trữ và trợ giá gạo, làm thất thoát hàng trăm tỉ baht. Mức án 10 năm tù treo lơ lửng trên đầu nhưng cựu thủ tướng nhanh chân bỏ trốn trước ngày bị kết án. (Còn tiếp)
Minh Quang
Văn phòng Bangkok