10/01/2025

Trung Quốc: trồng cần sa hợp pháp và lợi nhuận cao

Không công khai hô hào, không số liệu chính thức nhưng diện tích trồng cần sa (cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp) tại Trung Quốc đang ngày càng tăng qua từng năm, mang lại lợi nhuận lớn cho người trồng.

 

Trung Quốc: trồng cần sa hợp pháp và lợi nhuận cao

Không công khai hô hào, không số liệu chính thức nhưng diện tích trồng cần sa (cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp) tại Trung Quốc đang ngày càng tăng qua từng năm, mang lại lợi nhuận lớn cho người trồng.

 

 

*** Error ***
Khách du lịch tại một trang trại trồng cần sa hợp pháp ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc –  Ảnh chụp màn hình truyền hình Trung Quốc ​

Tháng 8-2014, những bức ảnh vệ tinh về một khu vực phía đông bắc Trung Quốc đã gây sửng sốt nhiều người: một trang trại trồng cần sa khổng lồ.

Rất nhanh chóng sau đó, Cục Không gian quốc gia Trung Quốc đã xoá toàn bộ các bức ảnh mà không một lời giải thích.

Thế nhưng, trước áp lực và những đồn đoán ngày càng mạnh của dư luận, Bộ Công an Trung Quốc đã phải lên tiếng.

Họ khẳng định đó là một khu trồng cần sa hợp pháp. Và đó là lần đầu tiên người ta biết tới một trang trại trồng cần sa lớn bằng khu công nghiệp.

Nguồn lợi lớn

Cứ mỗi tháng 4 hằng năm, nông dân Jiang Xingquan tại tỉnh Hắc Long Giang lại dành một phần đất nhỏ trong trang trại để trồng cần sa.

Giống như nhiều nông dân khác ở xứ sở giáp Nga này, Jiang đang trồng cần sa một cách hợp pháp. Một vài trang trại khác trồng gai dầu, một loại cây được tính chung vào nhóm cây cần sa.

Đối với họ, gai dầu hay cần sa là thứ “vàng xanh”, đem lại doanh thu mỗi hecta đến 10.000 nhân dân tệ/vụ (khoảng 1.500 USD), trong khi những cây phổ biến khác như bắp chỉ đem lại khoảng vài nghìn nhân dân tệ.

Người ta bán thân cây để dệt vải đắt tiền, lá cho các công ty dược phẩm làm thuốc và hạt cho các công ty thực phẩm làm đồ ăn nhẹ, dầu, đồ uống.

Chính quyền tỉnh Hắc Long Giang đã từng làm ngơ cho việc trồng gai dầu trước khi nó được hợp pháp hoá vì mục đích thương mại vào năm ngoái, theo báo South China Morning Post (SCMP).

Một vùng trồng cần sa thương mại hợp pháp cũng đã được quy hoạch tại tỉnh Vân Nam kể từ năm 2003.

Thống kê của Chính phủ Trung Quốc cho biết chỉ riêng các trang trại của Hắc Long Giang và Vân Nam đã chiếm tới 1/2 diện tích trồng cần sa hợp pháp của thế giới. Không có số liệu chính thức về tổng sản lượng cần sa từ các trang trại Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo SCMP, nhờ những nghiên cứu được chính phủ tài trợ và nhu cầu ngày càng lớn từ quân đội, tốc độ mở rộng của các trang trại cần sa, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, đang ở mức nhanh chưa từng thấy.

Một nửa bằng sáng chế về cần sa

Cần sa hay gai dầu đã xuất hiện và được sử dụng phổ biến từ lâu trong lịch sử Trung Quốc nhưng việc nghiên cứu ứng dụng chỉ bắt đầu được đẩy mạnh gần đây.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Trung Quốc bắt đầu để ý nhiều hơn đến cây gai dầu vào những năm cuối 1970. Quân đội Trung Quốc khi đó cần một loại vải có thể giúp các binh sĩ khô ráo và chất xơ từ thân cây gai đầu đã đáp ứng điều đó.

Một số bệnh viện dã chiến Trung Quốc sử dụng cần sa như một loại thuốc.

Số liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cho thấy hơn một nửa trong tổng số 600 bằng sáng chế liên quan tới cây cần sa nói chung là của Trung Quốc.

“Cần sa đang ngày càng được chấp nhận trong y học phương Tây. Việc phần lớn các bằng sáng chế liên quan tới loại cây này thuộc về Trung Quốc cho thấy sự đầu tư và phát triển của khoa học dược Trung Quốc đã bỏ xa phương Tây” – tiến sĩ Luc Duchesne, một nhà sinh học Canada, nói với SCMP.

Tại một số địa phương thuộc Vân Nam, nhiều nông dân trước trồng lanh, nay đã chuyển hẳn sang cây gai dầu vì lợi nhuận cao hơn.

Năm ngoái Chính phủ Trung Quốc từng tính đến chuyện mạnh tay dẹp bỏ những trang trại gai dầu kiểu này. Tuy nhiên, lo ngại sự phản ứng mạnh của nông dân đã khiến mọi việc dừng lại.

Khác biệt ở hàm lượng chất THC

Gai dầu, tài mà hay gai mèo là những tên gọi khác để chỉ chung cây cần sa (cannabis). Sự khác biệt giữa gai dầu (hemp) và cần sa sản xuất ma tuý (marijuana) nằm ở hàm lượng chất THC, tác nhân chính gây ra khoái cảm, nghiện.

Điều 247 Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 quy định cụ thể về “tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý”.

 

BẢO DUY