10/01/2025

Cần chính sách đột phá cho đặc khu kinh tế

Các chuyên gia đều nhấn mạnh VN cần các chính sách ưu việt về luật và ưu đãi đầu tư để phát triển các đặc khu kinh tế.

 

Cần chính sách đột phá cho đặc khu kinh tế

Các chuyên gia đều nhấn mạnh VN cần các chính sách ưu việt về luật và ưu đãi đầu tư để phát triển các đặc khu kinh tế.




Phú Quốc được quy hoạch thành đặc khu kinh tếẢNH: GIANG NAM

Cần cú hích mới
Góp ý Dự thảo về đặc khu kinh tế của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị bỏ một số quy định ưu đãi như cho phép tổ chức kinh tế, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất, trong đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, tại các tổ chức tín dụng nước ngoài để vay vốn đầu tư; để lại toàn bộ số thu nội địa phát sinh trên địa bàn đặc khu vì như thế “sẽ phải điều chỉnh tỷ lệ điều tiết giữa ngân sách trung ương và địa phương”. Thay vào đó, chỉ nên để lại toàn bộ số tăng thu trên địa bàn đặc khu trong một thời gian nhất định; bỏ quy định cho công chức, viên chức ở đặc khu Phú Quốc được hưởng phụ cấp thêm 50% mức lương tối thiểu vùng và các khoản phụ cấp khác như phụ cấp đặc biệt, phụ cấp khu vực… do các đối tượng này đã được áp dụng mức lương cơ sở không quá 2 lần mức lương cơ sở quy định chung cho cả nước.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng không đồng tình ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt với casino, trò chơi điện tử có thưởng ở mức 25%; kinh doanh đặt cược là 21%. Thay vào đó, bộ này tiếp tục đề nghị áp dụng lần lượt là 35% và 30% như hiện nay. Bộ Tài chính lập luận, đây là sắc thuế gián thu, đánh vào hàng hoá dịch vụ cần hạn chế tiêu dùng. Đặc biệt, các nội dung ưu đãi về thuế, phí khác, Bộ Tài chính tiếp tục bảo lưu là nên ở mức vừa phải. Do cả 3 đặc khu lần đầu tiên được hình thành tại VN, việc quy định mức độ ưu đãi về thuế cao quá ngay từ ban đầu, không cân nhắc đến tính phù hợp với bản chất của sắc thuế cũng như năng lực quản lý của cơ quan nhà nước tại đặc khu có thể “sẽ tác động ngược đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và môi trường” của 3 đặc khu này.
Trong khi đó, theo các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế, nếu như vậy không thể gọi là đặc khu mà chỉ dừng lại như một số ưu đãi đầu tư tại các địa phương như cách làm lâu nay của chúng ta.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Nam Sơn nhận xét: “Thực tế, dư địa mời gọi đầu tư nước ngoài vào VN nay đang bão hoà. VN đang cần một cú hích mới, một chính sách thể chế nổi trội mới nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia. Nếu không, những đặc khu kinh tế, khu thương mại tự do của các nước trong khu vực sẽ cạnh tranh và thu hút đầu tư về ngay, lúc đó VN có muốn mời gọi họ về cũng thua rồi”.
Trước đó, tại Diễn đàn mua bán sáp nhập, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thu hút đầu tư nước ngoài đến lúc xây dựng thể chế và những chính sách đãi ngộ mà nhà đầu tư quan tâm, họ thích họ tham gia chứ không phải tiếp cận họ bằng những gì chúng ta đang có. Các nước xây dựng đặc khu kinh tế từ 75 năm trước, nay đã bước sang giai đoạn “đặc khu trong đặc khu”, VN đang “tập tễnh” xây dựng đặc khu, nếu không có những quyết sách cởi mở, vượt trội, nhà đầu tư sẽ di chuyển sang các nước trải thảm đỏ ưu đãi…

Chính sách phải ưu việt nhất

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, điều trước tiên khi nói đến đặc khu là sẽ được áp dụng các luật lệ mang tính ưu việt, phải tốt hơn hẳn mọi điều kiện ưu đãi đang áp dụng. Thứ hai là các luật lệ áp dụng cho đặc khu chỉ tuân theo hiến pháp và không chịu sự ràng buộc của bất kỳ luật hiện hành nào, kể cả từ tổ chức hội đồng nhân dân đến chính sách tài chính, thuế… Thứ ba, tính ưu việt của đặc khu kinh tế còn phải thể hiện so với các đặc khu kinh tế trên thế giới vì hiện nay thế giới đã có hàng trăm đặc khu kinh tế. VN sinh sau đẻ muộn thì phải có ưu việt hơn mới thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Nếu không thì không phát triển được. Điều cuối cùng theo chuyên gia Vũ Đình Ánh, đó là cần xác định những nguyên tắc chung và soạn thảo một bộ luật riêng về đặc khu. Cụ thể hơn, ông nói: “Chúng ta cần xây dựng luật với các nguyên tắc chung trước rồi sau đó mới bàn về nội dung chi tiết từng vấn đề. Chẳng hạn như về số thu ngân sách, về một số ngành nghề hạn chế kinh doanh hiện nay nhưng phát triển ở trong đặc khu thì sẽ thế nào? Rồi liên quan đến các chính sách về thu hút lao động trình độ cao… Nếu không có nguyên tắc từ đầu thì các bộ ngành sẽ còn bàn cãi dài dài. Khi đó không thể mang các quy định hiện hành ra để so bì vì đã có luật riêng cho đặc khu”.
Còn ông Nguyễn Nam Sơn nhấn mạnh VN đừng tư duy cứ đặc khu chỉ phát triển du lịch nghỉ dưỡng và casino. Phải có chính sách vượt trội, mời gọi được các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn lớn từ Mỹ, châu Âu đến. Các tập đoàn này thường có tầm ảnh hướng lớn trên thế giới. Đôi khi, chính nhà đầu tư có thể đề xuất các chính sách để Chính phủ quyết định chứ không phải cứ làm chính sách kiểu ban cho mà thu hút được đầu tư. Nếu chúng ta xây dựng chính sách phục vụ ngắn hạn thường khó có sức bền lâu. Mà hiện tại thu hút đầu tư của VN với phản biện từ Bộ Tài chính nói trên đang nghĩ đến hướng ngắn hạn hơn dài hạn.
Kinh nghiệm Thâm Quyến
Đặc khu kinh tế Thâm Quyến của Trung Quốc được xem là mô hình mẫu thành công khi từ một bãi rác, sau gần 40 năm nơi này trở thành thủ phủ công nghệ cao bằng những chính sách về đất và thuế cực kỳ ưu đãi. Đây là nơi khởi nguồn của nhiều đột phá chính sách bao gồm: hệ thống hợp đồng lao động và lương mới, hệ thống đấu thầu mới, chính sách nhà ở cho công nhân, nơi đầu tiên thực hiện đấu giá quyền phát triển đất (1987), tách hoạt động thương mại ra khỏi các cơ quan nhà nước và chính phủ, xây dựng sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên ở Trung Quốc (1990), cải cách hệ thống giá cả… Năm 2016, GDP của thành phố này đạt 294 tỉ USD, nhiều hơn cả Bồ Đào Nha hoặc Ireland. Thâm Quyến hiện là bến cảng bận rộn thứ 3 thế giới trong khi sàn chứng khoán ở thành phố này lớn thứ 22 toàn cầu.
Để làm được như thế, Thâm Quyến đã thực hiện những chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư riêng biệt. Ví dụ như thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 15%/năm trong khi tại các khu vực khác ở thời kỳ đó là 33%/năm. Thành phố cũng có nhiều chính sách thu hút nhân tài lĩnh vực công nghệ cao. Đặc biệt lao động có học vị càng cao thì chính sách đãi ngộ càng lớn. Những người có học hàm tiến sĩ trở lên sẽ được tạo điều kiện nhập hộ khẩu, cấp tiền mua nhà ở… Đảo quốc Singapore hiện có 9 khu thương mại tự do và quốc đảo này được coi là hình mẫu đi đầu và thành công nhất của các nước ASEAN trong chính sách xây dựng đặc khu kinh tế với chính sách đặc biệt ưu đãi về thuế, ưu đãi thuê đất, nhà đầu tư được tự do chuyển lợi nhuận về nước…


 

Mai Phương – Nguyên Nga