Khởi nghiệp sáng tạo nhiều nhưng vẫn không chịu lớn
Rất nhiều cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp mỗi năm cuốn hút giới trẻ, không ít doanh nghiệp khởi nghiệp được thành lập nhưng số thành công rất ít, phần nhiều vẫn mãi không chịu lớn.
Khởi nghiệp sáng tạo nhiều nhưng vẫn không chịu lớn
Rất nhiều cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp mỗi năm cuốn hút giới trẻ, không ít doanh nghiệp khởi nghiệp được thành lập nhưng số thành công rất ít, phần nhiều vẫn mãi không chịu lớn.
Học sinh trong một cuộc thi vui về sáng tạo tại địa bàn TP.HCM do SIHUB phối hợp tổ chức – Ảnh: M.NHIỆM |
Đang có xu hướng các startup nước ngoài đến khởi nghiệp ở TP.HCM và nhiều tập đoàn nước ngoài đến tìm kiếm các startup ở TP.HCM |
Ông HUỲNH KIM TƯỚC |
Ông Huỳnh Kim Tước – giám đốc điều hành Không gian hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP.HCM (SIHUB) – cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về nguy cơ “không chịu lớn” của cả hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp.
|
heo ông Tước, hằng năm riêng TP.HCM có thêm khoảng 700 nhóm startup ra đời, tuy nhiên chỉ có khoảng 70 doanh nghiệp startup được thành lập.
Số doanh nghiệp gọi được vốn và có tăng trưởng doanh thu rất ít.
Mô hình kinh tế khởi nghiệp hiện nay vẫn là “mô hình Buffalo” với công thức 60% doanh nghiệp không chịu lớn, 20% có tăng trưởng quy mô trung bình, 20% có phát triển (và chỉ 10% đi hết vòng đời dự án).
Nếu 2-3% sinh viên muốn khởi nghiệp…
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đang gặp những thách thức gì, thưa ông?
– Có hai thách thức. Một là vai trò kiến tạo. Nó thể hiện trong việc xây dựng hệ sinh thái khập khiễng ở một số địa phương, phần lớn chương trình hành động chú trọng vào các nội dung như hoạt động hỗ trợ startup, vườn ươm mà thiếu trầm trọng các yếu tố khác như chuyển giao công nghệ, thương mại hoá kết quả nghiên cứu, giáo dục đại học… Hai là các hoạt động chưa hướng đến mục tiêu cuối cùng là tạo ra sản phẩm có giá trị cho thị trường.
Thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở TP.HCM tiềm năng nhờ đâu, theo ông?
– Bản chất hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là thị trường mua bán công nghệ, ý tưởng, giải pháp sáng tạo. Không phải ngẫu nhiên TP.HCM được đánh giá là thành phố tiềm năng về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới, vì TP.HCM có dân số trẻ và tỉ lệ sử dụng Internet, mạng xã hội cao…
Mỗi năm TP.HCM có thêm gần 150.000 kỹ sư ra trường, nếu xét theo tỉ lệ chung 2-3% tham gia khởi nghiệp thì đã có khoảng 4.500 startup. Nguồn nhân lực và hạ tầng này được đánh giá chất lượng cao và chi phí thấp, phù hợp cho khởi nghiệp và sáng tạo.
Đang có xu hướng các startup nước ngoài đến khởi nghiệp ở TP.HCM và nhiều tập đoàn nước ngoài đến tìm kiếm các startup ở TP.HCM để phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo của họ.
Vẫn chờ chất lượng
Vậy theo ông, cộng đồng khởi nghiệp cần làm gì?
– Cộng đồng startup phải tạo ra sản phẩm có giá trị và chất lượng. Để làm điều này, vừa phải giải quyết bài toán trước mắt và bài toán bền vững. Bài toán bền vững là phải đầu tư vào giáo dục đại học, thậm chí là từ phổ thông. Còn về trước mắt, để các ý tưởng khởi nghiệp có tính khả thi cao, cần thiết tổ chức nhiều hoạt động kết nối và hỗ trợ của các doanh nghiệp dẫn dắt để startup có trải nghiệm thực tiễn, chủ động tiếp cận thị trường.
Cần nâng cao đầu tư vào các vườn ươm, các accelerator (các trung tâm tăng tốc). Doanh nghiệp lớn phải có nhu cầu đổi mới sáng tạo để tạo nên thị trường.
Để hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam phát triển tốt và hiệu quả hơn, Nhà nước cần làm gì?
– Thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tự thân đã là một nền kinh tế độc lập, nhưng còn có vai trò tương tác hỗ trợ nền kinh tế khác như hỗ trợ kinh tế giáo dục, tài chính, sản xuất.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng Nhà nước cần làm đúng vai trò của mình là định hướng và gây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp như: kết nối, hoàn thiện hệ thống pháp lý như khung pháp lý về hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm, các công cụ để thoái vốn… Nhà nước có thể hỗ trợ các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển bền vững nhưng không nên can thiệp quá sâu.
Gần 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp năm 2018 Cho đến nay, sau một năm hoạt động, SIHUB đã hỗ trợ 671 dự án khởi nghiệp, trong đó hơn 350 dự án kết nối thị trường và 250 dự án đã kết nối nhà đầu tư tài chính, 123 doanh nghiệp được tư vấn đổi mới công nghệ, hơn 70% cộng đồng tại VN đã kết nối thường xuyên với SIHUB. Mục tiêu năm 2018, theo SIHUB, đơn vị này có kế hoạch giúp 2.000 dự án khởi nghiệp, 300 sản phẩm đổi mới sáng tạo, hỗ trợ 50% các trường phổ thông trên địa bàn được đào tạo môn STEM (khoa học công nghệ kỹ thuật và toán phục vụ tư duy sáng tạo), hỗ trợ 20 trường ĐH có đội ngũ giảng viên, giáo trình và hoạt động đổi mới sáng tạo… |