11/01/2025

‘Thiên nhãn’ của Mỹ trên đất Úc

Cơ sở tình báo của Mỹ ở Úc không chỉ thực hiện mục tiêu giám sát mà còn hỗ trợ trinh sát cho quân đội trong nhiều sứ mệnh quy mô.

 

‘Thiên nhãn’ của Mỹ trên đất Úc

Cơ sở tình báo của Mỹ ở Úc không chỉ thực hiện mục tiêu giám sát mà còn hỗ trợ trinh sát cho quân đội trong nhiều sứ mệnh quy mô.




Khu phức hợp tình báo mật danh RAINFALL của Mỹ ở Úc 	 /// Chụp màn hình The Intercept

Khu phức hợp tình báo mật danh RAINFALL của Mỹ ở ÚcCHỤP MÀN HÌNH THE INTERCEPT

Theo tài liệu được tiết lộ bởi cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden và các nguồn tin khác, tờ The Intercept và Hãng tin ABC mới đây hé lộ những hoạt động của một trong những trung tâm giám sát tình báo ngầm quan trọng nhất Đông Bán cầu của Mỹ và đồng minh.
Không xa thị trấn Alice Springs, khu tập trung dân cư lớn thứ hai của Vùng lãnh thổ Bắc Úc, là một khu phức hợp tối mật với biệt danh “RAINFALL”. Tên đầy đủ của khu phức hợp này là Cơ sở phòng thủ chung Pine Gap với sự góp mặt của hàng trăm nhân viên tình báo Mỹ và Úc. Các đơn vị tình báo nổi tiếng của Mỹ như Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), Cơ quan Tình báo trung ương (CIA), Cơ quan Trinh sát quốc gia (NRO) – quản lý vệ tinh tình báo và các nhân viên tình báo chuyên biệt của hải – lục – không quân đều tham gia Pine Gap.
Công nghệ tối tân
 

 
 
Tình báo Mỹ và các đồng minh thường xuyên sử dụng biện pháp giám sát liên lạc để truy lùng và xác thực các đối tượng tình nghi khủng bố. Tuy nhiên, NSA thường chọn mục tiêu để không kích bằng UAV thông qua phân tích hoạt động của một thẻ SIM điện thoại, chứ không phải nội dung của các liên lạc. Biện pháp này tạo ra những rủi ro không kích nhầm. Một nguồn tin của tờ The Intercept vào năm 2014 thừa nhận: “Chúng tôi nhắm vào điện thoại, chứ không phải con người. Chúng tôi rà soát chiếc điện thoại và hy vọng rằng mục tiêu của chúng tôi đúng thật là kẻ xấu”.
 

Trong khuôn viên của Pine Gap, bên ngoài tòa nhà làm việc là khoảng 38 chảo radar hướng lên trời để liên lạc với các vệ tinh. Đa số radar được giấu dưới các lớp vỏ tròn trông như quả bóng golf. RAINFALL nằm cô lập hoàn toàn với cuộc sống xô bồ tại thị trấn 25.000 dân Alice Springs. Từ thị trấn đi về phía nam khoảng 10 phút là tới được chốt kiểm soát an ninh, với tấm biển báo “khu vực cấm vào”, nhưng còn phải đi thêm một đoạn xa nữa mới đến được Pine Gap.

Theo ABC, Pine Gap được xây dựng từ thập niên 1960, với mục đích duy nhất lúc ban đầu là giám sát các vụ thử tên lửa và hoạt động quân sự của Liên Xô, Trung Quốc, Pakistan, Nhật Bản, Ấn Độ và trên bán đảo Triều Tiên. Trên giấy tờ, khu phức hợp có nhiệm vụ “hỗ trợ an ninh quốc gia cho cả Mỹ và Úc”, “góp phần xác minh các thoả thuận kiểm soát và giải giáp vũ khí”, đồng thời “giám sát biến động quân sự”. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiệm vụ tình báo của RAINFALL đã trở nên tinh vi và can thiệp sâu hơn nhiều.
Theo tài liệu mà tờ The Intercept nhận được từ Snowden, Pine Gap là một căn cứ mặt đất quan trọng giúp điều khiển các vệ tinh tình báo Mỹ, tiến hành giám sát thông tin liên lạc (nghe lén) ở nhiều châu lục. Cùng với căn cứ Menwith Hill của NSA đóng tại Anh, trong vài năm gần đây, RAINFALL đã được dùng làm căn cứ chỉ huy cho ít nhất hai sứ mệnh tình báo.
Sứ mệnh thứ nhất được nêu ra trong một văn bản mật năm 2005, được Snowden cung cấp cho tờ The Intercept, với mật danh M7600. Pine Gap chỉ huy ít nhất 2 vệ tinh tình báo, có nhiệm vụ “giám sát liên tục các diễn biến trên phần lớn lục địa Á – Âu và châu Phi”. Sứ mệnh thứ hai là một phiên bản “nâng cấp” với mật danh M8300, cho phép Pine Gap kiểm soát 4 vệ tinh giám sát khối các nước Liên Xô cũ, Trung Quốc, Nam Á, Đông Á, Trung Đông, Đông Âu và một số vùng lãnh thổ trên Đại Tây Dương.
Các vệ tinh này có quỹ đạo bay cách bề mặt trái đất hơn 32.000 km, được trang bị các công nghệ giám sát tối tân, có thể nghe lén liên lạc không dây trên mặt đất như giữa điện thoại di động, radio và tín hiệu vệ tinh. Pine Gap vẫn duy trì chức năng giám sát các vụ thử tên lửa, vũ khí ở một số nước được chỉ định, nhưng cũng gánh thêm nhiệm vụ đánh cắp tin tình báo từ hệ thống dữ liệu quân sự nước khác, hỗ trợ trinh sát cho quân đội Mỹ.
Theo một văn bản tối mật vào tháng 4.2013 của NSA, một trong các chức năng cốt lõi của Pine Gap là thu thập thông tin định vị, giúp chỉ điểm phục vụ chiến dịch không kích. Tài liệu do Snowden rò rỉ cho thấy Pine Gap đã được cấp quyền định vị điện thoại người dùng trên khắp thế giới, từ Thái Bình Dương đến tận châu Phi. Giáo sư Richard Tanter thuộc ĐH Melbourne, người từng dành nhiều năm nghiên cứu về Pine Gap, cho hay: “Cơ sở này phân tích các số điện thoại, các nội dung liên lạc, cho phép quân đội Mỹ có thể xác minh và theo dõi trực tiếp vị trí của mục tiêu mà họ quan tâm”.
Nỗi lo bị vạ lây
David Rosenberg, một nhân viên NSA có thâm niên hoạt động tình báo 23 năm và hơn 10 năm làm việc trong Pine Gap, xác nhận rằng căn cứ này được sử dụng để định vị các tín hiệu điện tử nhất định. Theo ông, sự phân tích của Pine Gap sẽ giúp giảm thương vong của dân thường. Tuy nhiên vào năm 2013, tờ Sydney Morning Herald cho hay Pine Gap đóng vai trò then chốt trong các chiến dịch không kích bằng máy bay không người lái (UAV) nhiều tranh cãi của Mỹ. Dù tiêu diệt được nhiều thủ lĩnh khủng bố, những vụ không kích này thường nằm ngoài các khu vực được tuyên bố xung đột như ở Yemen, Somalia, Pakistan và khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng. Không ít vụ không kích trong số đó bị cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế, thậm chí còn bị lên án là tội ác chiến tranh. Bà Emily Howie, Giám đốc Trung tâm luật nhân quyền Úc, cho rằng chính phủ nước này cần đảm bảo “trách nhiệm và minh bạch” khi tham gia các chiến dịch không kích bằng UAV của Mỹ. Bà lo ngại sự dính líu của Úc tại Pine Gap có thể khiến nước này có nguy cơ bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.
Bên cạnh đó, vai trò của Pine Gap trong giám sát các hoạt động quân sự tại khu vực Đông Á, đặc biệt là các vụ thử tên lửa trên bán đảo Triều Tiên, cũng làm dấy lên mối lo ngại về an ninh. Căn cứ Darwin có quân đội Mỹ đồn trú cũng nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo liên lục địa mà CHDCND Triều Tiên thử nghiệm. Ông Tanter nhận định: “Pine Gap thật sự đã gắn chặt nước Úc vào các hoạt động quân sự của Mỹ và trong một số trường hợp chúng ta sẽ bị vạ lây. Pine Gap sẽ đóng góp rất lớn vào các hoạt động quân sự của Mỹ, cũng như công cuộc chuẩn bị cho các biện pháp quân sự. Nên dù chính phủ Úc có xem việc tấn công vào Triều Tiên là hành động đúng đắn và sáng suốt hay không, thì chúng ta cũng đã góp phần vào cuộc tấn công đó. Chúng ta sẽ phải đối mặt hậu quả”. Đến nay, NSA và Bộ Quốc phòng Úc vẫn từ chối nhận định về phóng sự điều tra của The Intercept và Hãng tin ABC.
 

 

Ngọc Mai