29/11/2024

‘Phố hàng rong’ không còn trên giấy

Sau hơn 5 tháng chờ đợi, ngày mai (28.8), ‘phố hàng rong’ đầu tiên của TP.HCM nằm trên đường Nguyễn Văn Chiêm (P.Bến Nghé, Q.1) sẽ chính thức khai trương.

 

‘Phố hàng rong’ không còn trên giấy

Sau hơn 5 tháng chờ đợi, ngày mai (28.8), ‘phố hàng rong’ đầu tiên của TP.HCM nằm trên đường Nguyễn Văn Chiêm (P.Bến Nghé, Q.1) sẽ chính thức khai trương.




‘Phố hàng rong’ trên đường Nguyễn Văn Chiêm đã sẵn sàng cho lễ ra mắt ngày 28.8ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Q.1 được UBND TP.HCM đồng ý thí điểm mô hình “phố hàng rong” tại 2 khu vực là đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp. Tuy nhiên, theo Phòng Kinh tế Q.1, đến ngày 28.8, chỉ có thể chính thức khai trương khu ẩm thực tại đường Nguyễn Văn Chiêm, còn ở khu vực công viên Bách Tùng Diệp dự kiến trong tháng sau sẽ ra mắt.
40 hộ dân tham gia
 

 
 
'Phố hàng rong' không còn trên giấy - ảnh 1
Đã đi bán hàng rong thì nhà ai chả khó khăn. Không biết quận sẽ tính toán thế nào chứ 40 hộ sao mà đủ, vậy những người khác biết tính sao?
'Phố hàng rong' không còn trên giấy - ảnh 2
 
Anh Q., chủ một xe bán nước trên đường Nguyễn Văn Chiêm
 

Hôm nay (27.8), Q.1 dự kiến chạy thử trước mô hình tại đường Nguyễn Văn Chiêm. Theo đúng đề án, “phố hàng rong” có tên gọi chính thức là khu ẩm thực thí điểm kinh doanh có thời gian. Tại khu vực đường Nguyễn Văn Chiêm, khu ẩm thực sẽ được thí điểm trên đoạn vỉa hè dài 40 m. Ở đây Q.1 tổ chức bố trí 20 gian hàng, mỗi gian hàng có 2 hộ dân cùng kinh doanh, 1 hộ buổi sáng (bán từ 6 – 9 giờ) và 1 hộ buổi trưa (11 – 14 giờ). Như vậy, tổng cộng sẽ có 40 hộ dân tham gia kinh doanh.

Các hộ sẽ tự vận chuyển nguyên liệu đã được chế biến sẵn ở nhà đến khu vực được bố trí, tại đây chỉ thực hiện hâm nóng thực phẩm đã chế biến và cung cấp cho khách ăn uống. Khách được khuyến khích mang về thay vì dùng tại chỗ. Nguyên liệu chế biến, thực phẩm đầu vào phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Người trực tiếp chế biến, người phụ bán phải tham gia khám sức khoẻ định kỳ hằng năm và phải đeo bảng tên, mặc đồng phục theo quy định.
Sau thời gian hoạt động, bàn ghế, dù che sẽ được các hộ thu gọn và di chuyển gửi vào trong công trình Lavenue ở gần đó để trả lại nguyên trạng cho người đi bộ. Đơn vị tài trợ sẽ hỗ trợ vệ sinh khu vực buôn bán, chi phí di chuyển dù che trong thời gian đầu hoạt động.
Cũng theo thông tin từ Phòng Kinh tế Q.1, trong 1 – 2 tháng đầu, sẽ thực hiện phát hành phiếu ăn trả trước, giống hình thức vé ăn, uống để vận động cán bộ, công nhân viên xung quanh khu vực tham gia, đồng thời vận động thêm nhà tài trợ là những công ty có văn phòng, trụ sở gần khu vực thí điểm mua ủng hộ vé ăn, phát cho nhân viên nhằm giới thiệu tới người dân về hoạt động khu vực thí điểm.
Trưa 26.8, toàn bộ phần vỉa hè thí điểm trên đường Nguyễn Văn Chiêm đã được dọn dẹp sạch sẽ. Một vài công nhân vệ sinh môi trường đô thị trang trí thêm những chậu hoa nhỏ ở các gốc cây trên khu vực này. Hai tấm banner lớn đánh dấu khu vực thí điểm đã được dựng lên. Dưới lòng vỉa hè, các ô hàng đã được phân chia đánh số. Hàng rong quanh khu vực này gần như không còn trông thấy, chỉ còn lại vài xe máy nhỏ bán nước phía vỉa hè bên kia đường.
3 tiếng mỗi ngày có đủ ?
 
 
Sau Q.1, UBND Q.3 có dự định chọn đường Lê Ngô Cát, Ngô Thời Nhiệm và Hồ Xuân Hương để làm phố đi bộ và kinh doanh ở vỉa hè theo giờ nhưng không thực hiện được vì không nhận được sự đồng tình của người dân. UBND Q.4 dự kiến dùng lô đất rộng trên 2.000 m2 ở đường Vĩnh Khánh đang trong quá trình chờ triển khai dự án để đưa 150 hộ bán hàng rong về đây kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, mấy tháng trôi qua, hiện mới có khoảng 60 hộ ký hợp đồng và việc sắp xếp, tổ chức buôn bán cho bài bản, quy củ vẫn chưa xong
 

Ghi nhận thực tế tại khu vực đường Nguyễn Văn Chiêm, nhiều người từng kinh doanh ở khu vực này thể hiện cả hân hoan lẫn lo lắng. Hầu hết mọi người đều băn khoăn về thời gian buôn bán, điều kiện tham gia kinh doanh và chi phí thuê mặt bằng sau thời gian thí điểm ban đầu.

Anh Q., chủ một xe bán nước trên đường Nguyễn Văn Chiêm, cho biết dù đã nắm chủ trương của quận, nhưng chưa thấy thông báo gì về điều kiện để tham gia kinh doanh. “Nghe nói trên ủy ban quận đã thống kê danh sách những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các hộ thuộc diện thương binh liệt sĩ… và sẽ ưu tiên 40 hộ thuộc diện này”, anh Q. nói và bày tỏ lo lắng: “Đã đi bán hàng rong thì nhà ai chả khó khăn. Không biết quận sẽ tính toán thế nào chứ 40 hộ sao mà đủ, vậy những người khác biết tính sao?”.
Một người chạy xe ôm gần đó đặt vấn đề: “Thấy quy hoạch gọn gàng, sạch đẹp cũng mừng nhưng tính ra, mỗi hộ được bán có 3 tiếng/ngày, làm sao mà đủ được. Thời gian bán ít quá, quận quy định thì họ vào bán thôi chứ hết thời gian, dọn dẹp xong họ lại chạy chỗ khác ngay”.
Bà Bảy, người bán bánh bò và bánh tráng vào mỗi buổi chiều trên đường Phạm Ngọc Thạch đoạn giao Nguyễn Văn Chiêm, cho biết bà ở Q.3 nhưng bán ở đây hơn 10 năm. Chính quyền Q.1 từng mở lời đề nghị bà về khu “phố hàng rong”, nhưng đến nay vẫn chưa thấy thông tin lại. Khi được hỏi có muốn về bán tại khu ẩm thực không, bà Bảy trả lời ngay: “Có chứ, nhưng bán 3 tiếng một chỗ sao mà đủ, tôi đẩy xe cả ngày mà đến chiều còn chưa hết”.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND Q.1 Đoàn Ngọc Hải cho biết: Danh sách các hộ nghèo đăng ký kinh doanh tại “phố hàng rong” đã được Phòng Kinh tế, Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội, Phòng Quản lý đô thị phối hợp với UBND P.Bến Nghé xét duyệt rất kỹ, không để tình trạng không phải hộ nghèo mà vào kinh doanh tại đây. Những hộ nghèo này hiện tại không phải trả bất cứ khoản chi phí nào. Khu phố đang trong thời gian thử nghiệm, sẽ điều chỉnh nới thời gian nhiều hơn nếu bà con thực hiện tốt và được sự đồng ý của TP.

 

Hà Mai