29/11/2024

Cẩn trọng khi làm cáp treo vào Phong Nha

Tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Bình chiều 25-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Quảng Bình phải lấy du lịch làm nền tảng chủ đạo của sự phát triển và phát triển cho cả vùng bắc miền Trung.

 

Cẩn trọng khi làm cáp treo vào Phong Nha

 Tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Bình chiều 25-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Quảng Bình phải lấy du lịch làm nền tảng chủ đạo của sự phát triển và phát triển cho cả vùng bắc miền Trung.

 

 

 

Cẩn trọng khi làm cáp treo vào Phong Nha
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm một cơ sở chế biến mắm tôm tại xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình – Ảnh: L.GIANG

Nhiều đại biểu cũng cho rằng Quảng Bình có giá trị nổi trội và khác biệt ở VN, vì hội tụ đủ du lịch về hang động, biển, rừng và du lịch di tích lịch sử, tham quan thành phố…

Theo Tổng cục Du lịch, VN có hai vùng có thể xây dựng thành thương hiệu du lịch quốc gia là hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) và vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Bình

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Quảng Bình phải xây dựng thương hiệu du lịch, quy hoạch có tầm nhìn và trong quy hoạch du lịch phải coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường, có chiến lược du lịch dài hạn và đồng bộ, đặc biệt là với Sơn Đoòng và Phong Nha – Kẻ Bàng.

 

“Tôi thấy Quảng Bình như là một VN thu nhỏ, có đầy đủ mọi yếu tố để phát triển du lịch. Quảng Bình phải lấy du lịch làm nền tảng chủ đạo của sự phát triển và phát triển cho cả vùng bắc miền Trung” – Thủ tướng nói, đồng thời yêu cầu tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thật đa dạng tiềm năng du lịch bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng trên mạng Internet.

Theo Thủ tướng, cần phải có chiến lược xây dựng Quảng Bình thành một cộng đồng làm du lịch thân thiện, tình cảm, vui vẻ và văn minh, tạo cho du lịch địa phương này đầy các sắc thái trong mắt du khách gần xa.

“Muốn làm được vậy thì phải cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch…” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng đồng ý chủ trương lập dự án cáp treo vào Phong Nha, nhưng phải làm đúng quy trình, không ảnh hưởng đến môi trường di sản và phải có nhà đầu tư tốt, dự án tốt và cụ thể, đồng thời chấp nhận chủ trương bổ sung sân golf của FLC và Tập đoàn Trường Thịnh vào quy hoạch sân golf quốc gia thời gian tới.

UNESCO quan ngại về cáp treo vào Phong Nha

Trước đó, trong báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của địa phương năm 2017, ông Nguyễn Hữu Hoài, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết trong tám tháng đầu năm, tình hình kinh tế và đời sống của tỉnh phát triển đột phá so với cùng thời điểm năm 2016 khi xảy ra sự cố môi trường biển do Formosa gây ra.

Lượng khách du lịch đến Quảng Bình đạt gần 2 triệu lượt, sản lượng khai thác thủy hải sản tăng 14,7% so với cùng kỳ 2016 và đã bắt đầu hồi phục…

Cũng trong báo cáo, tỉnh Quảng Bình cũng đề xuất 12 vấn đề với Thủ thướng, như sân golf FLC, sân golf Bảo Ninh, cáp treo vào Phong Nha…

Dù ủng hộ với kiến nghị bổ sung sân golf và cáp treo vào Phong Nha trong quy hoạch giai đoạn 2016-2020, nhưng đại diện Bộ 
VH-TT&DL cho rằng Quảng Bình cần đánh giá tác động môi trường, lập dự án… để trình bộ lấy ý kiến của các tổ chức liên quan.

Tuy nhiên, vị này cho biết UNESCO rất quan ngại đến vấn đề tuyến cáp treo vào Phong Nha, cho dù tiếp cận ở hang Én nhưng đó là vùng lõi của di sản Phong Nha – Kẻ Bàng.

Do đó, trước mắt Quảng Bình cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lập dự án để trình các bộ ngành và các tổ chức quốc tế liên quan xem xét, nhằm tránh tình trạng Chính phủ bổ sung nhưng sau đó không được quốc tế chấp thuận.

“Làm cáp treo vào Phong Nha sẽ thu hút được nhiều khách nhưng phải bảo vệ được môi trường, phù hợp quy định của UNESCO, sự đồng thuận của các nhà khoa học trong và ngoài nước…” – một đại biểu đề nghị.

Tập trung phát triển kinh tế biển

Sáng cùng ngày, khi đến thăm ngư dân ở xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch), Thủ tướng biểu dương ngư dân đã cùng nhau vượt qua sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, tổ chức sản xuất lại và chuyển đổi nghề nghiệp, hoàn thành việc bồi thường do sự cố môi trường biển.

Đến thời điểm này, xã Đức Trạch đã tiếp nhận hỗ trợ và chi trả trên 171 tỉ đồng cho 5.412 đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.

Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân Đức Trạch tập trung phát triển kinh tế biển, ưu tiên đầu tư cải hoán, đóng mới tàu thuyền để vươn khơi bám biển…

Xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái Đồng Nai

Tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp (DN) du lịch trên địa bàn Đồng Nai do UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức ngày 25-8, bà Nguyễn Hòa Hiệp, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho rằng với thế mạnh là rừng và đường sông, Đồng Nai có nhiều tiềm năng phát triển và xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái.

Theo đó, địa phương này định hướng sẽ xây dựng du lịch thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, tập trung ở các vùng có thế mạnh về du lịch sinh thái, tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Để đạt được mục tiêu này, theo bà Hiệp, các DN du lịch cần tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực quản lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Bà Hiệp cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng có phương án hỗ trợ các DN du lịch, rà soát và bổ sung các bến bãi phục vụ du lịch vào quy hoạch, điều chỉnh chính sách giá ở Vườn quốc gia Nam Cát Tiên cho phù hợp và phát triển thêm nhiều dịch vụ, các sản phẩm đặc sản địa phương.

A LỘC

LAM GIANG