11/01/2025

Trước 2020, chấm dứt đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài

Lãnh đạo Cục Kiểm ngư cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017, có 84 vụ, 156 tàu với 1.323 ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.

 

Trước 2020, chấm dứt đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài

 

Lãnh đạo Cục Kiểm ngư cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017, có 84 vụ, 156 tàu với 1.323 ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.




Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi kiểm tra một tàu cá bị Trung Quốc tấn công /// Ảnh: Hiển Cừ

Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi kiểm tra một tàu cá bị Trung Quốc tấn côngẢNH: HIỂN CỪ

Ngày 24.8, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội nghị triển khai Công điện 732CĐ/-TTg ngày 28.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân VN khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Nhiều biện pháp cứng rắn
Lãnh đạo Cục Kiểm ngư cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017, có 84 vụ, 156 tàu với 1.323 ngư dân VN bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Các địa phương có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài dẫn đầu là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tiếp đến là Quảng Ngãi, Kiên Giang, Bình Định, Cà Mau, Khánh Hoà…
Theo đánh giá của Cục Kiểm ngư, sau 3 tháng thực hiện Công điện 732, tình hình tàu cá và ngư dân VN vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài giảm rõ rệt, trong tháng 8 chỉ có 2 vụ, 2 tàu với 15 ngư dân. Tuy nhiên, các đại biểu đều lo ngại tình trạng ngư dân đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp.
 

Theo ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, từ năm 2013 trở về trước, ngư dân Quảng Ngãi thường xâm phạm vùng biển các nước trong khu vực Đông Nam Á. Sau khi các nước Indonesia, Malaysia, Philippines áp dụng các biện pháp như: phạt tù, tăng số tiền phạt, đốt, bắn chìm tàu trên biển thì một số ngư dân lại có xu hướng xâm phạm vùng biển các nước xa hơn như khu vực châu Đại Dương, các quốc đảo Thái Bình Dương. Gần đây, các nước khu vực này đã liên kết và bắt đầu áp dụng các biện pháp xử lý cứng rắn như phạt tù, phạt tiền, thu tàu, dùng vũ lực để trấn áp nên ngư dân Quảng Ngãi bước đầu hạn chế vi phạm.
Ông Nguyễn Hữu Thành, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết nếu có tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ thì tất cả tàu cá còn lại của gia đình, tổ chức cá nhân đứng tên không được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước. “Riêng những tàu cá vi phạm nhưng ngư dân chuộc về một cách bất hợp pháp sẽ không cho đăng ký, đăng kiểm, gia hạn giấy phép”, ông Nguyễn Hữu Thành nói.
Không thể để ngư dân đơn độc
Đại diện Uỷ ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) cho hay hiện nay điểm nóng là Indonesia.
“Đối với vùng biển chồng lấn, đang có tranh chấp giữa VN và Indonesia thì ngư dân chúng ta ra đó hoạt động phải thận trọng nếu không có lực lượng chấp pháp trên biển của ta”, đại diện Uỷ ban Biên giới quốc gia khuyến cáo.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang kiến nghị cần tăng cường phương tiện, lực lượng tuần tra trên vùng biển giáp ranh giữa VN với các nước trong khu vực.
“Trước năm 2020, phải chấm dứt tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép. Giai đoạn sau năm 2020, chúng ta sẽ đưa ra chương trình hành động phát triển thủy sản bền vững. Đây là quyết tâm chính trị rất rõ của nhà nước ta”, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định.
Nguy cơ thuỷ sản VN bị thẻ vàng, thẻ đỏ
Theo Bộ NN-PTNT, giữa tháng 5.2017, phía Uỷ ban Châu Âu (EU) đã làm việc với VN về hoạt động đánh bắt bất hợp pháp (IUU Fishing), cảnh báo và yêu cầu VN phải triển khai ngay các giải pháp để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này. Đến 30.9.2017, nếu VN không đáp ứng được, sẽ bị “thẻ vàng”, thậm chí “thẻ đỏ”; khi đó xuất khẩu thủy sản của VN sẽ bị cấm vào thị trường EU. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết trong tháng 9 tới Bộ sẽ làm việc với đại diện EU tại Hà Nội để nói rõ những vấn đề mà VN đã khắc phục nhằm tránh bị chế tài.

Các nước xử lý nghiêm khắc
Indonesia quy định giới hữu trách được đốt hoặc đánh đắm tàu cá nước ngoài thả lưới trái phép. Tại Malaysia, nếu bị kết tội đánh bắt trái phép, thuyền trưởng có thể bị phạt tới 1 triệu ringgit (hơn 5,3 tỉ đồng), còn mỗi ngư dân bị phạt 100.000 ringgit hoặc lĩnh án tù. Đảo quốc Palau ở Thái Bình Dương cho đốt tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép. Úc thực hiện chính sách tịch thu tàu, bắt thuyền viên và có thể bỏ tù. Đáng chú ý là Indonesia, Malaysia, Úc, Palau, Hàn Quốc và Nhật Bản đã cùng 42 quốc gia, vùng lãnh thổ ký thoả thuận ngăn chặn tàu cá bị nghi ngờ hoạt động trái phép cập cảng các thành viên.
Thụy Miên – Minh Trung

 

Hiển Cừ