Trung Quốc chế tạo siêu máy tính phục vụ tham vọng biển
Kế hoạch siêu máy tính đầy tham vọng có thể giúp Trung Quốc tăng cường hiện diện trên khắp các đại dương.
Trung Quốc chế tạo siêu máy tính phục vụ tham vọng biển
Kế hoạch siêu máy tính đầy tham vọng có thể giúp Trung Quốc tăng cường hiện diện trên khắp các đại dương.
Chính phủ Trung Quốc đang đặt mục tiêu phát triển siêu máy tính thế hệ mới có khả năng thực hiện 1 tỉ tỉ phép tính/giây. Tờ South China Morning Post dẫn nguồn thạo tin tiết lộ cỗ máy có thể được đặt tại cảng ở tỉnh Quảng Đông nhằm xử lý dữ liệu thu thập từ đại dương.
Giáo sư An Hồng thuộc Đại học Khoa học và công nghệ Trung Quốc, ủy viên Ban Cố vấn chính phủ về công nghệ thông tin, cho biết siêu máy tính sẽ được dùng phục vụ chiến lược mở rộng hiện diện trên biển của nước này. Theo kế hoạch, cỗ máy mới có tốc độ xử lý nhanh gấp 10 lần so với Sunway Taihulight cũng của Trung Quốc, vốn là siêu máy tính mạnh nhất thế giới hiện nay đang đặt tại TP.Vô Tích (tỉnh Giang Tô). Hiện có 3 nhà sản xuất tham gia đấu thầu dự án và đã trình bày mẫu thiết kế, bao gồm Tập đoàn Sugon, Tập đoàn Dawning (thuộc Viện Khoa học Trung Quốc) và Đại học Quốc gia về công nghệ quốc phòng. Thiết kế được chọn không những phải đáp ứng đúng yêu cầu công nghệ mà còn cần sớm đưa vào sử dụng. Bà An cho hay mục tiêu của chính phủ là chế tạo xong siêu máy tính thế hệ mới sớm nhất là vào năm 2019 và ngân sách sơ bộ cho dự án là 1 – 2 tỉ nhân dân tệ (3,4 – 6,8 ngàn tỉ đồng).
Ngay sau khi nhậm chức vào năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ đưa ra những chính sách giúp Trung Quốc trở thành cường quốc biển. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh tăng cường các hành động xây đắp đảo nhân tạo phi pháp và quân sự hoá Biển Đông, hợp tác phát triển cảng biển ở các nước Nam Á và vừa thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, quốc gia Đông Phi nằm ven bờ Ấn Độ Dương. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn triển khai mạng lưới vệ tinh, thiết bị cảm ứng đáy biển, thiết bị lặn tự hành, phao thăm dò… tại nhiều vùng biển để thu thập dữ liệu. Theo các nhà nghiên cứu, những dữ liệu này chứa đựng thông tin quan trọng về dòng chảy, nhiệt độ nước biển, thời tiết… có thể giúp ích trong nhiều vấn đề, chẳng hạn hỗ trợ tàu ngầm tránh khu vực nguy hiểm.
Tờ South China Morning Post dẫn lời ông Phùng Chí Cương, Giám đốc Trung tâm dữ liệu khoa học hàng hải ở TP.Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông), tuyên bố: “Siêu máy tính có thể phân tích nhiều dữ liệu cùng lúc trong khoảng thời gian ngắn nhất, giúp dự đoán nhiều hiện tượng quan trọng như El Nino và biến đổi khí hậu cũng như giúp tăng cường vị thế của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế”. Tuy nhiên, ông Phùng cũng thừa nhận chỉ một siêu máy tính không thể thu hẹp khoảng cách về sức mạnh hàng hải giữa Trung Quốc và Mỹ. Mặt khác, tại Mỹ, phần lớn dữ liệu về đại dương được chia sẻ giữa các cơ quan chính phủ và tư nhân thông qua hệ thống quy định nghiêm ngặt. Trong khi đó, Giáo sư Lưu Hiểu Khánh thuộc Phòng thí nghiệm nghiên cứu hải dương của Bộ Giáo dục Trung Quốc nhận định siêu máy tính mới khó có thể hoàn thành sứ mạng do nước này không có cơ chế chia sẻ dữ liệu như Mỹ. “Cục Hải dương, hải quân, các viện nghiên cứu và trường đại học xem dữ liệu của họ là tài sản riêng. Chính phủ thì lo ngại rò rỉ thông tin, đe doạ an ninh quốc gia nên luôn giữ tuyệt mật. Lấy dữ liệu còn khó hơn chế tạo siêu máy tính”, ông Lưu nói.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng không ngồi yên nhìn Trung Quốc vượt lên trước về siêu máy tính. Theo South China Morning Post, chính phủ Mỹ hồi tháng 6.2017 đã đặt hàng cho các tập đoàn hàng đầu như IBM, Intel và HP nghiên cứu đưa ra thiết kế siêu máy tính mạnh hơn cỗ máy Sunway Taihulight của Trung Quốc với kỳ vọng đạt mục tiêu vào năm 2021.
Phúc Duy