29/11/2024

Trung Đông, Bắc Phi: Tiếng khóc lặng lẽ

Một nghiên cứu mới nhất cho thấy Trung Đông và Bắc Phi là khu vực bị khủng bố nhiều nhất, có người thiệt mạng nhiều nhất nhưng lại ít được nói tới hơn so với châu Âu mỗi khi bị khủng bố.

 

Trung Đông, Bắc Phi: Tiếng khóc lặng lẽ 

Một nghiên cứu mới nhất cho thấy Trung Đông và Bắc Phi là khu vực bị khủng bố nhiều nhất, có người thiệt mạng nhiều nhất nhưng lại ít được nói tới hơn so với châu Âu mỗi khi bị khủng bố.

 

 

 

Trung Đông, Bắc Phi: Tiếng khóc lặng lẽ 
Nhân viên an ninh đứng canh tháp Eiffel tại thủ đô Paris (Pháp) – Ảnh: Reuters

Tháng 11-2015, mạng xã hội Facebook nổ ra một cuộc tranh cãi kỳ lạ xoay quanh chuyện tại sao nhà sáng lập Mark Zuckerberg của Facebook cho phép người dùng đổi hình đại diện có nền cờ Pháp để gửi thông điệp ủng hộ Paris trước các cuộc khủng bố liên hoàn trong khi lại không làm điều tương tự với những nơi khác, ví dụ như Syria?

Châu Âu khá “an toàn”

Hôm 23-8, Hãng tin AFP dẫn một thống kê cho thấy châu Âu, đặc biệt khu vực Tây Âu, là nơi có tỉ lệ số người chết vì các vụ tấn công khủng bố thấp nhất năm 2016.

Thống kê trên là dữ liệu về khủng bố toàn cầu, Global Terrorism Database, được Liên đoàn Quốc gia về nghiên cứu khủng bố và phản ứng với khủng bố (START) tại ĐH Maryland (Mỹ) bảo trợ.

 

Điều đó cho thấy trong năm 2016, Tây Âu chỉ đối mặt với 2% tất cả các vụ tấn công, cụ thể là 269 vụ trong tổng số 13.488.

Về số nạn nhân, khu vực phát triển này cũng chiếm 0,7% trên tổng số, tức 238 người so với 34.676 người.

Theo chiều ngược lại, các vụ tấn công khủng bố giết chết 19.121 người tại Bắc Phi và Trung Đông – tức chiếm 55% trên tổng số những vụ khủng bố.

Riêng Iraq đã có 9/11 vụ tấn công đẫm máu nhất năm 2016, đều do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện.

Trường hợp tấn công gây chết người nhiều nhất cũng xảy ra ở Iraq, khi một chiếc xe tải chở bom tấn công liều chết vào một trung tâm mua sắm ở Baghdad làm 382 người thiệt mạng.

Tại Nam Á, Pakistan là đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 1.100 người chết do khủng bố. Trong khi đó khủng bố ở khu vực cận Sahara ở châu Phi chủ yếu tập trung vào Nigeria và Somalia.

Thiên vị cảm xúc?

Thực tế vấn đề có hay không một sự thiên vị về mặt cảm xúc đối với các vụ khủng bố đã được bàn đến từ lâu?

Sự chênh lệch về mức độ quan tâm giữa một vụ khủng bố ở Bỉ và một thảm họa ở nơi khác – ví dụ như Burkina Faso chẳng hạn – là có.

Đầu tiên, truyền thông chính là nguyên nhân. Các cơ quan truyền thông từ GuardianTelegraph (Anh) cho đến Atlantic (Mỹ) đều thừa nhận có sự khác biệt trong mức độ đưa tin và cách khai thác tin bài của họ đối với một vụ khủng bố ở phương Tây và những nơi khác như Bắc Phi, Nam Á, Trung Đông…

Trong các bài viết lý giải, báo chí phương Tây đưa ra những nguyên nhân khác nhau, cả về yếu tố tự nhiên lẫn người viết và độc giả.

Trước hết, các nước Bắc Phi, Trung Đông hay Nam Á thường khá xa lạ với người phương Tây.

Thông thường độc giả sẽ chú trọng tin tức ở gần họ hơn, vì nếu Paris có khủng bố thì London hay Brussels – cùng khu vực tại châu Âu – dĩ nhiên cảm nhận được mối lo khủng bố lớn hơn người ở châu lục khác.

Hơn nữa, truyền thông phương Tây mạnh hơn, lại sử dụng loại ngôn ngữ phổ biến như tiếng Anh khá nhiều, càng khiến thông tin được tiếp cận độc giả nhiều hơn.

Thứ hai, đó là một dạng cảm xúc hình thành từ khái niệm “mức bình thường”.

Một vụ khủng bố ở châu Âu gây chú ý hơn vì nó hiếm, chứ không phải với mức độ dày đặc khiến điều thương cảm trở nên… bình thường như các điểm nóng khủng bố khác.

Báo Atlantic viết rằng khi nghe chữ “Paris”, người Mỹ nghĩ tới tháp Eiffel. Còn nghe tới Beirut (thủ đô Libăng), người ta nghĩ tới chiến tranh. Điều đó cũng liên quan tới vấn đề an ninh, vì châu Âu được xem có an ninh tốt hơn các nơi khác.

Sự thiên vị về cảm xúc là có thật, nhưng nó cũng là kết quả tổng hòa từ rất nhiều yếu tố, nhất là trong thời đại Internet phát triển như ngày nay.

Từ năm 2015 tới nay, khủng bố là vấn đề nhức nhối của các nước châu Âu, sau khi hết Paris, Nice (Pháp), rồi đến London (Anh), Brussels (Bỉ), Berlin (Đức), và vài ngày nay là câu chuyện ở Barcelona (Tây Ban Nha).

Thông tin về các vụ khủng bố ấy được mổ xẻ tới từng chi tiết và kéo theo là hàng loạt căng thẳng về mặt chính trị, chính sách nhập cư…

11.700 IS là nhóm khủng bố nguy hiểm nhất năm 2016. Nhóm Hồi giáo cực đoan này đã gây ra 1.400 cuộc tấn công hung bạo, giết 11.700 người, bao gồm cả sinh mạng của những kẻ tấn công.
NHẬT ĐĂNG