Thái Lan siết chặt an ninh trong ngày phán quyết bà Yingluck
Hôm nay 25.8, Toà tối cao Thái Lan ra quyết định về số phận của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra trong vụ án có thể dẫn đến nhiều biến động tại nước này.
Thái Lan siết chặt an ninh trong ngày phán quyết bà Yingluck
Hôm nay 25.8, Toà tối cao Thái Lan ra quyết định về số phận của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra trong vụ án có thể dẫn đến nhiều biến động tại nước này.
Tình hình Thái Lan “căng như dây đàn” kể từ đầu tuần này khi chính quyền bắt đầu siết chặt an ninh chuẩn bị cho ngày phán quyết.
Theo quan sát của phóng viên Thanh Niên, cảnh sát được triển khai dày đặc tại khu vực toà án và nhà chức trách đã chuẩn bị sẵn 3 máy bay trực thăng, 20 xe bọc thép và 4 xe cứu thương cùng các phương án phòng chống bạo động. Từ tối qua, hàng rào sắt được dựng lên trước cổng toà.
“Chúng tôi huy động hơn 3.000 cảnh sát và công tác an ninh được chuẩn bị với mức độ cao nhất nhằm bảo vệ phiên toà và người dân. Chúng tôi dự đoán hơn 3.000 người sẽ đến ủng hộ bà Yingluck nên tình hình sẽ rất phức tạp”, ông Phanurat Lukboon, Phó cảnh sát trưởng Bangkok cho Thanh Niên hay.
Bên cạnh đó, Hội đồng Quốc gia vì hoà bình và trật tự tuyên bố quân đội sẽ hỗ trợ cảnh sát trong sứ mệnh đảm bảo an ninh và ngăn ngừa mọi hành vi gây rối loạn.
Tại các tỉnh vùng đông bắc, khu vực được xem là “cứ địa chính trị” của gia đình Shinawatra, chính quyền địa phương liên tục làm công tác tư tưởng, kêu gọi người dân có thể ủng hộ bà Yingluck nhưng không nên kéo đến Bangkok. Binh sĩ và cảnh sát cũng tăng cường kiểm tra các chuyến xe lửa đến thủ đô cũng như lập nhiều chốt kiểm soát ở các cửa ngõ.
Ngoài ra, các thủ lĩnh của phe Áo đỏ ủng hộ nhà Shinawatra liên tục bị triệu tập, có “khách” đến thăm hoặc gọi điện “tâm sự” về những vấn đề liên quan đến phiên toà. Hơn nữa, Đài truyền hình Peace TV của phe này đã bị đình chỉ phát sóng từ đầu tháng 8 với lý do một số chương trình gần đây “gây nguy hại cho an ninh quốc gia”. Chính vì thế, phe Áo đỏ gần như không dám manh động trong mấy ngày qua. Nhà báo Suwapong Chanfangphet nhận định trên kênh Matichon TV rằng lực lượng này khó có thể làm được gì dù họ dự tính tổ chức một cuộc biểu dương lực lượng lớn trong ngày phán quyết.
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Thái Lan phủ nhận can thiệp vụ xét xử bà Yingluck
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hôm qua phủ nhận cáo buộc cho rằng ông và chính quyền quân sự can thiệp vào vụ xét xử cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và vụ này “có động cơ chính trị”.
Hôm qua, phe Áo đỏ ra thông cáo phản đối các động thái của chính quyền và tuyên bố: “Chúng tôi không lôi kéo ai. Họ đến tòa vì yêu mến bà ấy. Chính quyền ngưng ngay việc đe doạ, chặn bắt người như thể đất nước đang có biến”. Cùng ngày, trên tài khoản Facebook cá nhân, bà Yingluck kêu gọi người ủng hộ không nên đến toà vì có thể dẫn đến đối đầu và nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó, đảng Pheu Thai của cựu thủ tướng cũng chỉ trích chính quyền “quá kích động”. Đáp lại, chính phủ nhấn mạnh những biện pháp an ninh là cần thiết nhằm bảo vệ người dân và ngăn “thế lực thứ ba” lợi dụng gây rối loạn.
Bà Yingluck bị cáo buộc thiếu trách nhiệm và xao nhãng nhiệm vụ, gây thất thoát lớn cho ngân sách trong chương trình trợ giá gạo được tiến hành dưới thời chính phủ của bà. Nếu bị phán quyết có tội, cựu thủ tướng sẽ đối mặt mức án lên tới 10 năm tù giam và tịch thu tài sản để bồi thường thiệt hại.
Giới phân tích dự đoán 2 khả năng về quyết định của toà. Một là hoãn đưa ra phán quyết, yêu cầu điều tra lại vì chưa đủ chứng cứ; hai là phạt tù bà Yingluck. Nếu trường hợp thứ hai xảy ra, hậu quả sẽ rất khó lường cho chính trường Thái Lan và thời kỳ hỗn loạn có thể sẽ quay trở lại nước này.
TIN LIÊN QUAN
Bà Yingluck đối mặt với vụ án nghiêm trọng không kém vụ gạo
Trong khi chờ phán quyết của toà về bê bối trợ giá gạo, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đang đối mặt với vụ án khác có mức độ nghiêm trọng không kém.
Minh Quang
Văn phòng Bangkok