Sẽ quản lý tiền ảo?
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Sẽ quản lý tiền ảo?
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Nhiều chuyên gia và giới đầu tư cho rằng, đây là một động thái để tiến tới đồng tiền ảo sẽ được công nhận tại VN.
4 tháng, tăng giá gấp 4 lần
Dù bây giờ Chính phủ mới tính tới chuyện quản lý các đồng tiền kỹ thuật số nhưng thực tế, tiền kỹ thuật số, tiền ảo (coin) đã xâm nhập VN gần 5 năm nay, lôi kéo đông người tham gia.
Là một trong những người tham gia thị trường coin rất sớm, anh Quốc (25 tuổi, ở Q.3, TP.HCM) cho biết có 2 cách để tham gia thị trường này: Một là mua máy để đào coin, giới đầu tư thường gọi là mua “trâu cày” (máy dùng để giải các thuật toán, mỗi thuật toán được giải sẽ tạo ra một đồng tiền điện tử). Hai là dùng tiền đồng VN mua coin chờ giá tăng rồi bán, giới chơi coin hiện nay chủ yếu là theo cách thứ 2, đầu cơ lướt sóng kiếm lời.
Trong vòng một năm trở lại đây, thị trường coin tại VN phát triển khá mạnh và thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là giới trẻ vì giá tăng mạnh. Từ tháng 4 đến nay, đồng Bitcoin (được xem là tiền kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới) đã tăng giá gấp 4 lần, từ khoảng 950 USD đến hôm qua đạt 4.190 USD/Bitcoin. Thời điểm lên cao nhất của đồng tiền này là gần 4.500 USD. Nếu so sánh với vàng thì 1 Bitcoin tương đương 3,5 ounce vàng (khoảng 2,87 lượng vàng). Không những Bitcoin mà nhiều coin khác như Ethereum, Bitcoin Cash, Ripple, Litecoin… cũng tăng giá nhanh. Theo sàn giao dịch coinmarketcap.com, thị trường hiện có 855 coin với tổng giá trị 152 tỉ USD, trong đó Bitcoin có giá trị vốn hoá chiếm gần 50% thị trường, lên 69,4 tỉ USD. Lượng người từ VN truy cập vào trang này mỗi ngày xếp thứ 5 theo xếp hạng của trang similarWeb.com.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh nhận xét, từ khi cơ quan chức năng bắt các sàn giao dịch ngoại hối và vàng, nhiều người chuyển sang đầu tư vào các loại coin bất chấp các cảnh báo rủi ro như sập sàn giao dịch, tài khoản bị chiếm, giá tăng giảm mạnh…
Nên chấp nhận
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật BASICO, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế VN (VIAC), cho hay hiện nay mới đặt vấn đề quản lý coin chứ chưa có văn bản nào cấm hay thừa nhận toàn bộ hoặc một phần. Muốn quản lý được thì trước tiên phải công nhận đây là tài sản; phải quản lý để tránh sự biến tướng các hình thức đa cấp tiền ảo như thời gian qua.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng nên gọi đó là tiền điện tử vì có giao dịch thật và ngày càng phổ biến. Do đó đã đến lúc VN nên chấp nhận nhưng đưa vào khuôn khổ nhằm quản lý các biến tướng rủi ro gây ra cho người dân. Tuy nhiên theo TS Hiếu, không nên chấp nhận nó là một đồng tiền dùng để thanh toán vì sẽ tác động đến chính sách tiền tệ quốc gia, chỉ xem như một loại hàng hoá có thể được giao dịch. Những công ty được phép tổ chức hoạt động giao dịch tiền điện tử phải đăng ký kinh doanh với những quy định ràng buộc như vốn tự có, pháp nhân. “Ngoài ra cũng cần chỉnh sửa các luật có liên quan, nhất là luật phòng chống rửa tiền về loại tiền điện tử này đề phòng việc chuyển tiền bất hợp pháp từ VN ra nước ngoài”, TS Hiếu nói.
Cho mở sàn giao dịch ?
Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, một số nước, trong đó có Mỹ cũng bối rối khi đưa coin vào quản lý. Muốn quản lý thì phải nắm được các đồng tiền này nhưng coin hiện không chịu sự quản lý của một ai. Đó là lý do vì sao các định chế tài chính không đổ vốn tham gia thị trường này. Do hiện nay người dân tham gia các sàn giao dịch coin khá nhiều nên nhà nước có thể cho phép tư nhân mở sàn giao dịch như Nhật đang làm. Ban soạn thảo cũng nên cân nhắc sự tác động đến giá trị của tiền đồng hay không, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ.
|
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh đặt vấn đề, tiền ảo về cơ bản là một phương thức thanh toán mới nên cần được đối xử như một công nghệ mới. Vì vậy, việc đưa vào khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện cho loại hình mới này phát triển cũng như kích thích phát huy được những lợi ích cho phát triển của kinh tế nói chung là tất yếu. “Điều quan trọng nhất là chúng ta xem xã hội hay thị trường sẽ chấp nhận tiền ảo đến đâu. Nhưng phải xây dựng khung pháp lý liên quan như vấn đề quy đổi ra tiền đồng để ghi nhận trong chính sách kế toán như thế nào. Ví dụ, khi được chấp nhận, người ta có thể dùng 1 đồng Bitcoin để mua 1 chiếc điện thoại và khi đó, doanh nghiệp sẽ ghi nhận trong sổ sách chứng từ ra bao nhiêu tiền đồng…”, chuyên gia Đinh Tuấn Minh đặt vấn đề.
Thanh Xuân – Mai Phương