Cần tiếp tục điều chỉnh Quy hoạch điện 7
Đây là ý kiến của hầu hết đại biểu tham gia hội thảo trong chương trình ‘Tuần lễ năng lượng tái tạo 2017’ tại TP.Cần Thơ ngày 24.8.
Cần tiếp tục điều chỉnh Quy hoạch điện 7
Đây là ý kiến của hầu hết đại biểu tham gia hội thảo trong chương trình ‘Tuần lễ năng lượng tái tạo 2017’ tại TP.Cần Thơ ngày 24.8.
Chương trình do Liên minh Năng lượng bền vững VN (VSEA) phối hợp Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN (VUSTA) và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia và đại diện lãnh đạo các tỉnh thành vùng ĐBSCL.
Trà Vinh lo quá tải xỉ than
Theo quy hoạch, vùng ĐBSCL có 14 dự án nhiệt điện than tập trung ở vùng ven biển, cửa sông và dọc các dòng sông chính. Các chuyên gia cho rằng ô nhiễm do nhiệt điện than là thực tế không còn bàn cãi và nó sẽ là thách thức rất lớn đến vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước.
Lãnh đạo địa phương có các nhà máy nhiệt điện than, ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, lo lắng: “Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải có 3 nhà máy với tổng công suất 4.400 MW. Vấn đề chúng tôi lo nhất là tro bay và xỉ than. Chúng tôi đã quy hoạch bãi chứa cả 100 ha, nhưng nếu không có cách xử lý tận dụng nguồn xỉ than này thì bãi chứa chẳng mấy chốc sẽ quá tải”. Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh cũng cho rằng, chính sách phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) của VN còn hạn chế nên không khuyến khích nhà đầu tư, có dự án thì nhà đầu tư cố tình kéo dài thời gian thực hiện, không chịu đổi mới công nghệ…
Nhắc lại câu chuyện tìm nơi xả bùn thải nạo vét luồng cho tàu chở than ở Vĩnh Tân (Bình Thuận) là một bài học, PGS-TS Lê Anh Tuấn lo ngại vấn đề này đối với ĐBSCL, vì đây là vùng rất nhạy cảm về mặt môi trường và đa dạng sinh học.
Gánh nặng Điện than
Các chuyên gia đề nghị cần phải tiếp tục điều chỉnh Quy hoạch điện 7 (đã điều chỉnh), vì quy hoạch này vẫn còn đặt nặng vai trò của nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn điện mà chưa nhìn nhận đúng mức tầm quan trọng của NLTT.
PGS-TS Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học năng lượng (Hiệp hội Năng lượng VN), phân tích: Suất đầu tư để sản xuất ra 1 kW điện là trên 2.000 USD, trong khi năng lượng gió và mặt trời chỉ có 1.300 USD và đang có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, than phụ thuộc nguồn nhập khẩu và xu hướng thế giới cạn kiệt, giá sẽ tăng. Giá than tăng 1% sẽ đẩy giá điện tăng 5 – 6%. “ĐBSCL có đến 14 nhà máy và dự án nhiệt điện với tổng công suất khoảng 20.000 MW, trong khi thuỷ điện sông Đà chỉ có công suất 2.400 MW. Đây là quá nhiều và kịch bản rất không bền vững, dứt khoát phải thay đổi”, ông Duệ khẳng định. TS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm NLTT – Viện Năng lượng (Bộ Công thương) trả lời báo chí bên lề hội thảo, cho biết công suất của các nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL vượt nhu cầu tại chỗ. Tuy nhiên điện là ngành đặc thù, sản phẩm còn để đáp ứng nhu cầu điện của cả nước và đặc biệt là Đông Nam bộ.
Bàn về việc tiếp tục điều chỉnh Quy hoạch điện 7, TS Nguyễn Quốc Khánh, cố vấn cao cấp về thể chế, chương trình Năng lượng phát thải thấp VN (V-LEEP), nói: Tại VN, tới năm 2020 giá điện mặt trời sẽ cạnh tranh được với điện than và vào năm 2025 giá điện gió sẽ cạnh tranh được với điện than. Vấn đề của VN hiện nay chính là cách tính cơ cấu nguồn và cản trở lớn nhất là chính sách phát triển NLTT của chúng ta. Chính vì vậy, Quy hoạch điện 7 cần phải tiếp tục được điều chỉnh theo hướng giảm năng lượng hoá thạch và tăng NLTT.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận: “VN tốn quá nhiều năng lượng cho tăng trưởng và nhân danh tăng trưởng để phát triển năng lượng mà cụ thể là nhiệt điện than. Đó là cửa tử”.
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nêu ý kiến: “Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện 7 và Thủ tướng cũng đã điều chỉnh quy hoạch này. Nay nếu các nhà khoa học chứng minh được cơ sở khoa học trong câu chuyện điện than như vấn đề môi trường, lợi ích kinh tế, thì tôi tin Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh Quy hoạch điện 7 đã điều chỉnh”.
Số dự án năng lượng tái tạo tăng gấp 10 lần
Ngày 24.8, tại hội thảo với chủ đề “Năng lượng bền vững – hướng tới một nền kinh tế có mức phát thải thấp” do Bộ Công thương và Tập đoàn Siemens tổ chức, ông Tăng Thế Hùng (Cục Điện và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương) cho biết dự kiến vào đầu tháng 9, Bộ Công thương sẽ trình Chính phủ đề án phát triển năng lượng quốc gia. Trong đó có nội dung quan trọng là chiến lược phát triển NLTT. “Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về giá mua điện mặt trời hồi giữa tháng 4 thì số lượng các dự án trong lĩnh vực NLTT mà nhà đầu tư đăng ký về Bộ Công thương từ nay đến 2020 đã gấp 10 lần giai đoạn trước đó”, ông Hùng nói.
Chí Hiếu
|
Chí Nhân