Những binh sĩ lai Mỹ ở Triều Tiên
Sinh ra và lớn lên tại CHDCND Triều Tiên, những binh sĩ lai Mỹ mang trong mình lòng trung thành với giới lãnh đạo Bình Nhưỡng.
Những binh sĩ lai Mỹ ở Triều Tiên
Sinh ra và lớn lên tại CHDCND Triều Tiên, những binh sĩ lai Mỹ mang trong mình lòng trung thành với giới lãnh đạo Bình Nhưỡng.
Xuất hiện trong một đoạn video phỏng vấn được trang tuyên truyền Uriminzokkiri của Triều Tiên đăng ngày 18.8, hai anh em Ted và James Dresnok Jr đã xác nhận cái chết của người cha James Joseph Dresnok sau một cơn đột quỵ hồi tháng 11.2016. Ông Dresnok (74 tuổi) là cựu binh Mỹ đào ngũ duy nhất còn sống tại Triều Tiên vào thời điểm qua đời, theo CNN.
Quê hương thứ hai
Giữa một trưa hè năm 1962, binh nhì Dresnok thuộc đơn vị đóng gần khu vực phi quân sự (DMZ) giữa 2 miền Triều Tiên đã vượt qua bãi mìn để chạy sang phía bắc tìm kiếm cuộc sống mới. Vào thời điểm đó, ông đã ly dị vợ và đang chuẩn bị ra toà án binh vì giả chữ ký của sĩ quan chỉ huy để trốn ra gặp một phụ nữ. Trong bộ phim tài liệu năm 2006 của hai nhà làm phim người Anh Daniel Gordon và Nick Bonner có tên Crossing the Line (tạm dịch: Vượt qua lằn ranh), Dresnok cho biết ông quyết định ra đi vì chán chường với tuổi thơ, hôn nhân, cuộc sống trong quân ngũ và tất cả mọi thứ.
Thời gian đầu sống tại Triều Tiên không hề suôn sẻ với một cựu binh Mỹ. Bốn năm sau ngày đào ngũ, Dresnok cùng một số cựu binh Mỹ khác đến Đại sứ quán Liên Xô để tìm đường về Mỹ. Tuy nhiên, nỗ lực bất thành khiến Dresnok phải học cách thích nghi với cuộc sống mới. Theo tờ The Washington Post, ông bắt đầu học tiếng Hàn và dạy tiếng Anh từ đó. Một thời gian sau, ông kết hôn với một phụ nữ Romania tên Doina Bumbea, người từng nói rằng bà bị lừa sang Triều Tiên. Cùng với bà Bumbea, ông Dresnok có 2 người con trai là Ted (tên tiếng Hàn là Hong Sun-chol) và James Dresnok Jr (Hong Chol). Sau khi vợ qua đời vì ung thư năm 1997, Dresnok đi bước nữa khi cưới con gái của một quan chức ngoại giao châu Phi và một phụ nữ người Triều Tiên.
Tại Bình Nhưỡng, ông Dresnok sống cuộc sống bình thường và còn tham gia vào ngành điện ảnh khi thường xuyên đóng những vai phản diện người Mỹ trong các bộ phim tuyên truyền. Ông Dresnok nhận vai trò dạy ngoại ngữ tại các trường học và chuyển ngữ các bài viết của giới lãnh đạo Triều Tiên sang tiếng Anh. Bên cạnh đó, Dresnok còn là một phần của bộ máy tuyên truyền Triều Tiên khi giúp đọc những thông điệp kêu gọi binh lính Mỹ dọc biên giới liên Triều hướng về phương bắc để tìm kiếm cuộc sống mới. “Tôi gọi đây là quê hương của mình vì tôi đã sống ở đây 46 năm. Cuộc đời tôi là ở đây. Chính quyền sẽ lo cho tôi tới hơi thở cuối cùng”, ông Dresnok trả lời trong cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian năm 2008.
Chống Mỹ đến cùng
Lòng trung thành đối với giới lãnh đạo Triều Tiên cũng được 2 người con trai của ông Dresnok thừa hưởng. “Từ lúc được sinh ra, chúng tôi sống dưới sự chăm sóc và yêu thương của lãnh đạo. Chúng tôi nhận được mọi thứ từ quần áo, đồng phục, bút vở”, ông James cho hay, đồng thời nói thêm rằng lãnh đạo Kim Jong-un cũng được thông báo về tình hình sức khoẻ của cha mình từ ngày 3.11.2016. Trong khi đó, Ted nói cha ông dạy bảo phải hết lòng “phục vụ cho lãnh đạo vĩ đại Kim Jong-un” và tiếp tục nuôi dạy con cháu để chúng đi theo con đường này. “Nếu kẻ thù tấn công phủ đầu lên Triều Tiên, chúng tôi sẽ không bỏ lỡ cơ hội này để quét sạch nước Mỹ khỏi trái đất mãi mãi”, Ted nói bằng chất giọng rõ nét Triều Tiên.
Tháng 5.2016, anh em nhà Dresnok cũng từng xuất hiện trong một video lên án “đế quốc Mỹ” vì tình hình căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên. Hiện tại, cả hai đều đã lấy vợ. Ted có 2 người con trai, James có một đứa con gái. “Mỹ cần phải biết rõ rằng chúng tôi không phải là nước chịu thua dưới lệnh trừng phạt của ai đó”, ông James tuyên bố mạnh mẽ trong bộ quân phục Triều Tiên, trên ngực đeo phù hiệu cố Chủ tịch Kim Il-sung và cố lãnh đạo Kim Jong-il.
Bảo Vinh