Coi chừng… mất công ty
Theo các chuyên gia luật và những người khởi nghiệp thành công, nếu không hiểu rõ về pháp lý khi khởi nghiệp thì dễ dẫn đến hậu quả khó lường.
Coi chừng… mất công ty
Theo các chuyên gia luật và những người khởi nghiệp thành công, nếu không hiểu rõ về pháp lý khi khởi nghiệp thì dễ dẫn đến hậu quả khó lường.
Phải lưu ý nhiều điều về pháp lý
Tại hầu hết các buổi hội thảo về khởi nghiệp, một trong những vấn đề được các sinh viên, thanh niên hỏi nhiều nhất, đó là cần lưu ý những vấn đề pháp lý nào
khi khởi nghiệp? Nếu không hiểu về pháp lý thì gặp phải hệ luỵ gì?…
Thực tế, có trường hợp một nhóm người trẻ khởi nghiệp bằng chuỗi cà phê mang đi. Khi thương hiệu này bắt đầu ăn nên làm ra, các thành viên nảy sinh xung đột, dẫn đến việc kẻ ở, người đi do không thoả thuận về vấn đề pháp lý. “Nếu như ngày bắt đầu khởi nghiệp, mình am hiểu pháp lý hơn thì không phải đứt gánh giữa chừng, mất “đứa con” tinh thần, chấp nhận rơi vào tay người khác”, một thành viên trong nhóm chia sẻ.
TIN LIÊN QUAN
Doanh nghiệp cần gì ở sinh viên?
Lần đầu tiên, tại toạ đàm “Cơ hội khởi nghiệp từ ghế nhà trường”, các chủ doanh nghiệp (DN) đã thẳng thắn nói về yêu cầu tuyển dụng đối với sinh viên (SV) ra trường. Điều DN cần nhất ở SV chính là việc hiểu rõ mục đích nghề nghiệp mà mình chọn lựa.
Chuyên gia về luật – thạc sĩ Trương Trọng Hiểu (Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM) cho biết khi tiến hành hoạt động kinh doanh thì có nhiều vấn đề pháp lý phát sinh cần phải lưu ý, từ việc đặt tên doanh nghiệp, lựa chọn loại hình, đăng ký đến các vấn đề về hợp đồng…
Theo ông Hiểu, khi khởi nghiệp, cần lưu ý các quy định về quyền được bảo hộ với đối tượng sở hữu công nghiệp hay bất kỳ một loại tài sản trí tuệ nào khác. Đây là vấn đề quan trọng, vì đa phần các dự án hay quyết định khởi nghiệp đều bắt đầu từ những người có khả năng, có ý tưởng, hay nói cách khác có tài sản trí tuệ.
Các quy định pháp luật về hợp tác kinh doanh giữa những người cùng liên kết đứng ra triển khai dự án khởi nghiệp cũng phải được đặt ra một cách cụ thể. Trên thực tế, có nhiều dự án chưa đi đến đích thì đã… tan đàn xẻ nghé. Bên cạnh đó, cần lưu ý các quy định về kêu gọi góp vốn cũng như quyền của nhà đầu tư, quỹ đầu tư khi bỏ vốn vào dự án khởi nghiệp. “Người khởi nghiệp cần nắm bắt được quy định này để có phương thức xử lý hài hòa với những yêu cầu mà nhà đầu tư đưa ra cũng như để “bảo toàn” lực lượng trước sự can thiệp quá sâu vào quyết định kinh doanh của bên đầu tư vốn”, ông Hiểu tư vấn.
Ông Lâm Tấn Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư – thương mại – dịch vụ quốc tế ADINOS, lưu ý về các giấy tờ liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp. “Đối với loại hình kinh doanh sản xuất thương mại thực phẩm, cần phải có giấy phép chứng nhận đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho doanh nghiệp, nhân viên phải có hợp đồng lao động và có chứng nhận đã học về các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Tài nói.
Hoàn tất thủ tục trước khi hoạt động
Thạc sĩ Hiểu cho biết nếu không hiểu rõ các vấn đề pháp lý thì có thể dẫn đến những hậu quả, có thể sẽ rất lớn.
Trước tiên là xung đột và tranh chấp. Nhiều khi để giải quyết lại phải tốn thời gian theo đuổi vụ kiện hay hầu tòa. Nhưng quan trọng hơn hết, khi đó kế hoạch khởi nghiệp có thể bị phá vỡ. Nếu không hiểu kỹ quy định về bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ, việc cắt khúc và chia phần sẽ gây nhiều tranh cãi. Nếu không nắm rõ nguyên tắc pháp lý trong hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận ít nhiều có thể khiến các cộng sự không thèm nhìn mặt nhau. Và việc không hiểu đầy đủ cơ sở pháp lý thì một dự án khởi nghiệp có thể bị nuốt chửng bởi một quỹ đầu tư hay nhà đầu tư nào đó.
TIN LIÊN QUAN
9X lập tủ sách miễn phí và giấc mơ về kênh chia sẻ sách lớn nhất VN
Huỳnh Quang Dũng (24 tuổi), là đồng sáng lập dự án sách chuyền tay đang thu hút rất đông sự chú ý của bạn trẻ yêu sách cả trên mạng lẫn ngoài đời thực.
Ông Tài lưu ý với những người trẻ mới bắt đầu khởi nghiệp, nếu không tìm hiểu kỹ và hoàn tất các thủ tục pháp lý, có nghĩa là đã kinh doanh trái pháp luật, không đăng ký, không hoàn thành trách nhiệm về thuế… Từ đó khiến hoạt động kinh doanh bị trì trệ, thậm chí dừng lại hoàn toàn đến khi đã đảm bảo hoàn thành các trách nhiệm về pháp lý của doanh nghiệp.
Còn Vũ Quang Tám, người sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty TNHH Putatu Technology VN, cho rằng nếu không chú ý thì hệ quả là có thể bị phạt từ cơ quan thuế, mất thương hiệu. Nếu những thoả thuận với người dùng không rõ ràng thì hệ luỵ là người dùng sẽ khiếu nại, kiện tụng… gây mất lòng tin vào sản phẩm, dịch vụ…
“Thực tế, nhiều người khởi nghiệp thường có xu hướng làm những gì mới mẻ và chưa ai làm, nhưng nhiều khi sản phẩm đã sẵn sàng rồi mà chưa có hành lang pháp lý để cho nó hoạt động, bản thân công ty không biết mình có vi phạm pháp luật hay không. Nếu lúc ấy mới biết là vi phạm pháp luật và không được phép cung cấp sản phẩm hay dịch vụ thì bao nhiêu công sức bỏ ra sẽ trở thành lãng phí”.
Tiến sĩ Trần Việt Hùng (Người sáng lập ứng dụng GotIt!)
“Khi bắt đầu khởi nghiệp, sẽ có cuộc chiến pháp lý giữa các đồng sáng lập với nhau. Chính vì thế cần phải có sự thoả thuận rạch ròi, đưa ra những yếu tố giữa các nhà sáng lập với nhau. Nếu không làm điều đó thì mất công ty như chơi. Vì vậy, cần phải đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ và bảo mật thông tin”.
Vũ Tuấn Anh (Trưởng dự án khởi nghiệp của cộng đồng Hoa Sen Group)
|
Xuân Phương