11/01/2025

Tranh luận về lùi đổi mới giáo dục và kỳ thi ‘2 trong 1’

Một số lãnh đạo sở GD-ĐT đề nghị Bộ xem xét, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

 

Tranh luận về lùi đổi mới giáo dục và kỳ thi ‘2 trong 1’

Một số lãnh đạo sở GD-ĐT đề nghị Bộ xem xét, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.



Học sinh mua sách chuẩn bị năm học mớiẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Thời gian nào thích hợp để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, việc giữ ổn định kỳ thi THPT là cần thiết nhưng các trường ĐH cần thể hiện vai trò tự chủ trong tuyển sinh… là những vấn đề được bàn thảo khá thẳng thắn tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2017 – 2018 do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội sáng 21.8.
Khẩn trương nhưng chất lượng là trên hết
Tại hội nghị, một số lãnh đạo sở GD-ĐT đề nghị Bộ xem xét, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Lãnh đạo sở GD-ĐT các tỉnh Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế… đều cho rằng nếu lùi 1 năm thì các địa phương sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị tốt hơn về 2 điều kiện tiên quyết trong thực hiện chương trình mới là đội ngũ và cơ sở vật chất. Tuy nhiên, một số lãnh đạo sở khác lại tỏ ra hồ nghi về hiệu quả của đề xuất lùi lại 1 năm.
 

Tranh luận về lùi đổi mới giáo dục và kỳ thi '2 trong 1' - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Trường đại học xét bổ sung nhưng không có thí sinh!

Dù số thí sinh không nhập học đợt 1 cũng như đủ điều kiện xét tuyển bổ sung vẫn còn rất lớn nhưng nhiều trường vẫn đang gặp khó vì không tuyển được người học. Có trường vừa kết thúc tuyển bổ sung đợt 1 đã có thông báo tuyển đợt 2.
Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, nêu quan điểm: “Một chủ trương, quyết sách nào khi ban hành cũng không thể hoàn thiện ngay từ đầu. Chúng ta sẽ phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Việc lùi thời gian thực hiện chương trình mới 1 năm không phải là xa lắm. Cái quan trọng để thực hiện chương trình mới chính là các điều kiện, phải đồng bộ cả về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và chương trình, sách giáo khoa. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì nhu cầu về tài chính quá lớn. Vậy thì lùi lại 1 năm liệu có đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu đó hay không?”.
Bà Giang đề nghị Bộ chỉ nên coi đây là chương trình khung, là phần cứng, còn phần mềm sẽ được bổ sung trong quá trình thực hiện.
Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long, Bộ cần có sự phân cấp, hướng dẫn rõ ràng để các địa phương chủ động thực hiện. Bộ cần phối hợp với các bộ, ngành khác ban hành những chuẩn cơ bản về cơ sở vật chất để địa phương có thể thực hiện. Chuẩn này phải khả thi khi đi vào thực tế, phù hợp với từng vùng miền, từng địa phương.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng quan điểm của uỷ ban là cùng với Bộ là làm sao có được một chương trình phổ thông tốt nhất chứ không gấp gáp trong vấn đề này. Một lần làm là một lần khó nên phải làm thế nào để tốt nhất cho học sinh.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý: “Chúng ta làm khẩn trương nhất, nhưng nếu chưa thấy yên tâm thì báo cáo các cơ quan chức năng điều chỉnh tiến độ. Tinh thần là khẩn trương, nhưng chất lượng là trên hết”. Tuy nhiên, ông Đam yêu cầu các địa phương không thể nói lý do không có trường lớp để thực hiện chương trình mới. Các địa phương phải nắm lại tình hình, trình ra UBND, ra HĐND những việc làm cần thiết về cơ sở, về giáo viên (GV)… để có bước chuẩn bị tích cực nhất.
Tranh luận về lùi đổi mới giáo dục và kỳ thi '2 trong 1' - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Năm học mới giải quyết tồn tại cũ

Xây dựng chuẩn giáo viên mới, sửa đổi Đề án ngoại ngữ 2020… là những văn bản quy định mới dự kiến sẽ được hoàn thiện, ban hành trong năm học 2017 – 2018.
Nỗi lo lớn nhất vẫn là đội ngũ
Vấn đề đội ngũ GV lại tiếp tục được “hâm nóng” tại hội nghị quan trọng này. Địa phương nào khi nhắc tới điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đều bày tỏ băn khoăn về chất lượng và số lượng đội ngũ hiện có.
Nói về vấn đề này, ông Phan Thanh Bình cho rằng cần có chiến lược về xây dựng đội ngũ GV, ở đây là sử dụng đội ngũ GV phổ thông chứ không chỉ đào tạo GV. “Thầy cô cần được xác nhận đúng vị trí, chất lượng, chính sách và không phân biệt GV đó là ở trường công hay tư, mà đây là một vị thế trong xã hội”, ông Bình nhấn mạnh.
Ông Vũ Đức Đam cũng nêu quan điểm: “Hiện không có ngành nào mà chúng ta biết trước được nhu cầu thị trường như giáo dục. Chúng ta nắm được dân cư trên địa bàn, dự báo số lượng học sinh. Nắm được tình hình và dự báo được biên chế GV từng môn, từng cấp. Tại sao lại không?”.


Ông Đam nêu thực trạng thừa GV đang dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có việc nhiều người không muốn vào sư phạm. “Tôi phải nói công khai với các đồng chí ở các tỉnh là “chạy việc” rất khó. Rất nhiều cháu “mai phục”, dạy hợp đồng trong trường lâu rồi mà vẫn chưa vào được biên chế. Mình có thống kê được số lượng cử nhân sư phạm hay các cháu tốt nghiệp CĐ ra trường không? Có. Tất cả cái này, nếu làm nghiêm túc, căn cứ vào đó, định hướng ở từng địa phương, có chương trình đào tạo bồi dưỡng GV trên địa bàn, các trường CĐ và ĐH sư phạm làm theo chương trình bồi dưỡng đó, không cần đào tạo nhiều các cháu mới, dài hạn nữa. Cần đặt hàng các trường không chỉ đào tạo sinh viên mới mà bồi dưỡng chuyển đổi, bồi dưỡng kiến thức”, ông Đam nhấn mạnh.
Trường ĐH cần tự chủ tuyển sinh
Tại hội nghị, nhiều địa phương đề nghị Bộ nên cố gắng giữ ổn định cách thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 như năm 2017, chỉ nên điều chỉnh về kỹ thuật, tránh thay đổi lớn gây khó khăn cho học sinh.
Tuy nhiên, ông Phan Thanh Bình thẳng thắn nêu nhận định: “Kỳ thi THPT quốc gia năm nay chúng ta vẫn nói là đáp ứng hai yêu cầu, nhưng tôi cho rằng thi là để công nhận tốt nghiệp của các em sau 12 năm học; chuyện tuyển sinh ĐH là việc của các trường ĐH, tùy theo yêu cầu, theo đặc thù của mình mà có cách tuyển phù hợp. Chúng ta lấy kết quả thi phổ thông rồi “đắp” vào ĐH thì sẽ khó vì thi phổ thông là để đánh giá đa số thì đa số các em sẽ được 28 – 30 điểm, rồi cộng điểm nữa thì mức điểm chuẩn lên tới 30 – 30,5 điểm là chuyện bình thường. Trong khi đó tuyển sinh ĐH là tuyển những em có năng lực phù hợp với từng ngành nghề”.
Đồng quan điểm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng câu chuyện tuyển sinh phải trên tinh thần vì xã hội, vì thí sinh. “Bộ GD-ĐT làm việc với các trường để xem có nhất thiết phải chia nhỏ 2 bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thành 3 môn nhỏ như vậy? Mục đích là gì? Là đáp ứng nhu cầu tuyển sinh của các trường. Vì thế mà công tác ra đề, rồi in đề, tổ chức thi rất phức tạp, gây mệt mỏi cho thí sinh. Tinh thần của chúng ta là vì xã hội, vì thí sinh”, ông Đam nhấn mạnh.


 

Tuệ Nguyễn – Quý Hiên