Nên tăng lương nhưng không cào bằng
Đề nghị tăng lương cho cán bộ, công chức TP.HCM lên gấp đôi của Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã được nhiều người ủng hộ và đề xuất thêm là không nên tăng lương kiểu cào bằng mà phải dựa vào năng suất lao động.
Nên tăng lương nhưng không cào bằng
Đề nghị tăng lương cho cán bộ, công chức TP.HCM lên gấp đôi của Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã được nhiều người ủng hộ và đề xuất thêm là không nên tăng lương kiểu cào bằng mà phải dựa vào năng suất lao động.
UBND huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã có nhiều nỗ lực trong việc cải cách hành chính theo mô hình một cửa một dấu – Ảnh: TỤ TRUNG |
Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến tiêu biểu:
Ông Trần Anh Tích Lan (Công ty CP Khu công nghiệp Hiệp Phước):
Thu nhập phải xứng với đóng góp
Được trả lương xứng đáng với những gì mình cống hiến là động lực thúc đẩy cán bộ, công chức làm việc và giữ chân được họ. Khi chế độ được hưởng xứng đáng thì chế tài đối với các hành vi tiêu cực cũng phải tương xứng. Câu chuyện chính ở đây là sự minh bạch, dân được quyền giám sát tất cả, Nhà nước không bao che mà thay vào đó là xử lý thật nghiêm.
Từ thực tế ở công ty tôi, trước đây khi chưa cổ phần hoá, thu nhập từ lương, thưởng của cán bộ, nhân viên nhìn chung khá thấp, cuối năm hạch toán rồi thưởng cũng chưa được rõ ràng. Từ khi cổ phần hoá, khối lượng công việc nhiều hơn, nhưng đồng thời thu nhập cũng tăng lên 3-4 lần so với trước, và quan trọng là có sự phân hoá, xứng đáng với sự đóng góp, cống hiến của từng người.
Nhờ vậy mà ai cũng cố gắng làm tốt công việc của mình, cảm thấy hạnh phúc và tự hào với công việc. Nhờ vậy, công ty giữ chân được những người giỏi tiếp tục cống hiến cho công ty. Tôi nghĩ đó cũng là một hướng suy nghĩ cho việc đánh giá, đãi ngộ với cán bộ công chức trong các cơ quan nhà nước…
Ông Nguyễn Hữu Tâm (Văn phòng thừa phát lại H.Bình Chánh):
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Việc tăng lương là tất yếu bởi lẽ lương của cán bộ, công chức Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là quá thấp. Ví dụ, một thạc sĩ được đào tạo theo chương trình của TP về nhận công tác lương cũng chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, không đủ để đảm bảo cuộc sống.
Người dân TP cũng sẽ rất hài lòng nếu như những “công bộc của dân” nhận được phần thu nhập xứng đáng, chỉ yêu cầu họ làm đúng chức trách nhiệm vụ của mình, đừng phiền hà nhũng nhiễu người dân. Tôi hiểu rằng tăng lương thực ra cũng hướng đến mục tiêu là làm cho đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng tốt hơn, để phục vụ dân tốt hơn.
Nhưng trước khi tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, tôi cho rằng phải làm cho đội ngũ trong sạch, với những người thực sự xứng đáng. Bên cạnh đó còn phải thực hiện các giải pháp đồng bộ khác như cải cách hành chính, tinh giản biên chế, ứng dụng công nghệ kỹ thuật, minh bạch các quy trình…
Ông P.N.B.H. (công chức một sở TP.HCM):
Phải đánh giá đúng về chất lượng công chức
Lãnh đạo TP tâm huyết với chuyện tăng lương, công chức ai cũng mừng cả, vì thật sự đó là điều cần thiết. Yên tâm với đồng lương đủ cho cuộc sống, công chức sẽ chú tâm vào công việc hơn và hạn chế nhũng nhiễu, đó là cái ai cũng thấy được. Tăng lương cho công chức còn là để thu hút và giữ chân người tài, người có tâm huyết thực sự.
Tuy nhiên, khi tăng lương không nên tăng đồng đều cho mọi công chức mà cần dựa vào đánh giá năng suất lao động và khối lượng công việc tương ứng với vị trí chức danh nghề nghiệp. Việc đánh giá phải làm chặt chẽ, và cần phải có thang điểm, cách thức rõ ràng. Như hiện nay thì cuối năm vẫn có đánh giá chất lượng, nhưng tôi thấy đôi khi vẫn còn mang tính hình thức, còn có sự nể nang. Nếu không làm chặt chẽ việc này thì sẽ có tình trạng người làm ít mà vẫn được hưởng lương cao.
Tôi là thạc sĩ ra trường đã mấy năm nay, với hệ số lương 2.67, nhân với lương cơ bản thì mỗi tháng lương được 3.471.000 đồng, cộng thêm các khoản phụ cấp công vụ, thu nhập tăng thêm thì tổng thu nhập được khoảng 6 triệu đồng. Mức thu nhập như vậy để sống được ở TP.HCM cũng khá chật vật. Tôi mong được trả lương theo năng suất lao động, xứng đáng với công sức của mình bỏ ra.
Công khai lương để tăng minh bạch Đề nghị của Bí thư Thành uỷ TP.HCM là hoàn toàn hợp lý và lẽ ra điều này phải được thực hiện từ rất lâu chứ không phải mới chỉ ở dạng là đề nghị. TP.HCM là một siêu đô thị duy nhất của cả nước xét về mặt dân số với hơn 9 triệu người, cùng với lượng cư dân vãng lai trong nước và quốc tế đến làm việc tại đây cũng thuộc vào loại cao nhất nước. Điều đó hiển nhiên dẫn đến hệ lụy là số đầu việc, mức độ công việc mà lực lượng cán bộ, công chức nơi đây phải đảm nhận nhiều hơn và dày đặc hơn so với các địa phương khác. Vì vậy, việc họ được hưởng mức lương cao hơn so với mức lương chung dành cho giới cán bộ, công chức là điều hoàn toàn công bằng và điều này không phải là điều gì đó mới mẻ hay đặc thù. Chẳng hạn tại Canada, người đứng đầu lực lượng phòng cháy chữa cháy ở TP Victoria có thu nhập hằng năm thấp hơn thu nhập của người phụ trách cùng lĩnh vực này tại TP Vancouver khoảng 25%, bởi Vancouver là TP lớn hơn và có dân số cũng như mật độ dân cư nhiều hơn. Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng lương cho cán bộ, công chức TP, chúng tôi cũng cho rằng chính quyền TP nên có quy định công khai mức lương của giới cán bộ, công chức TP để dân chúng có thể giám sát được tiền thuế của mình được chi trả như thế nào. Như ở Canada, chính quyền TP Ontario đã thông qua đạo luật công khai thu nhập trong lĩnh vực công (Public Sector Salary Disclosure Act) từ năm 1996 mà theo đó, hằng năm chính quyền TP đều công bố bản tóm tắt thu nhập của những công chức có mức thu nhập từ 100.000 đôla Canada trở lên nhằm làm tăng tính minh bạch trong việc chi trả lương của TP. |