10/01/2025

Không thể chỉ nghĩ đến tăng thuế VAT

Đề xuất tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) của Bộ Tài chính tác động toàn diện đến hơn 90 triệu người Việt Nam, từ thanh niên, người già đến trẻ nhỏ nên cần phải cân nhắc rất thận trọng.

 

Không thể chỉ nghĩ đến tăng thuế VAT

Đề xuất tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) của Bộ Tài chính tác động toàn diện đến hơn 90 triệu người Việt Nam, từ thanh niên, người già đến trẻ nhỏ nên cần phải cân nhắc rất thận trọng.

 

 

 

Không thể chỉ nghĩ đến tăng thuế VAT
Tăng thuế VAT sẽ khiến người dân mua mặt hàng nhu yếu phẩm cũng phải tăng chi trả – Ảnh: Châu Anh

Khác với thuế thu nhập cá nhân, chỉ những người có thu nhập chịu thuế và đạt ngưỡng nhất định mới chịu thuế, với thuế VAT thì mọi người dân Việt Nam, bất kể độ tuổi, giới tính và thu nhập, hằng ngày hằng giờ đều phải chịu thuế.

Thuế VAT được xem là một sắc thuế khá thành công của Việt Nam nhìn ở khía cạnh tạo nguồn thu cho ngân sách.

Cách đây hơn một thập niên, thuế VAT chỉ chiếm 26% tổng thu thuế, 21% tổng thu ngân sách nhà nước và các khoản viện trợ, tương đương 5,6% GDP.

Đến năm 2016, tổng số thuế VAT đã chiếm 33% tổng thu thuế, 24% tổng thu ngân sách nhà nước và các khoản viện trợ, tương đương 5,8% GDP.

 

Tỉ trọng thu thuế VAT này là rất cao so với các nước OECD, những nước mà Bộ Tài chính mang ra so sánh.

Xây dựng một đề án cải cách thuế đòi hỏi cần phải có khuôn khổ đánh giá một cách toàn diện và thấu đáo nhiều vấn đề, trong đó cần tập trung vào ba khía cạnh: hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và khả thi trong quản lý.

Đáng tiếc là đề án của Bộ Tài chính đã không có được một khuôn khổ đánh giá theo hướng như vậy, nếu xét ba khía cạnh sau:

Về hiệu quả kinh tế: thuế tiêu dùng trước hết sẽ làm giảm thu nhập khả dụng của người dân và do đó làm giảm sức cầu của nền kinh tế.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế năm nay khó đạt mục tiêu 6,7%, một sự kỳ vọng hợp lý vào lúc này là miễn, giảm thuế cho người dân.

Thế nhưng Bộ Tài chính lại làm điều ngược lại, mặc dù đây mới chỉ là đề xuất và lộ trình có thể là từ năm 2019. Việc tăng thuế suất lên sẽ làm tăng chi phí kinh tế.

Về tính công bằng: thuế tiêu dùng nói chung, thuế VAT nói riêng là thuế gián thu, thường là thuế có tính lũy thoái.

Tỉ trọng thu nhập dành cho tiêu dùng của người thu nhập thấp thường cao hơn so với tỉ trọng thu nhập mà người giàu dành cho tiêu dùng.

Vì vậy, một cách tương đối, người thu nhập thấp hơn sẽ phải chịu gánh nặng thuế cao hơn so với người giàu khi điều chỉnh tăng thuế.

Đề xuất của Bộ Tài chính thu hẹp nhóm hàng hóa đang thuộc diện chịu thuế 5% lên 6%, thậm chí lên 12% sẽ tác động mạnh đến thu nhập khả dụng và mức sống của nhóm bình dân và người nghèo.

Điều này không những không cải thiện tính công bằng như lập luận của Bộ Tài chính mà còn làm tăng bất bình đẳng hơn.

Về yếu tố khả thi: một trong những “trục trặc” lớn của thuế VAT hiện nay là năng lực quản lý thuế.

Hiện tượng trốn, tránh, né, núp thuế, lợi dụng kẽ hở khấu trừ thuế, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước đang làm xói mòn nghiêm trọng cơ sở thuế.

Thất thoát thuế tiềm năng này thuộc về trách nhiệm quản lý thuế của Bộ Tài chính. Nếu quản lý thuế hiệu quả hơn, Nhà nước có thể cải thiện không nhỏ nguồn thu thuế VAT, chưa cần đến phải tăng thuế.

Rõ ràng người dân có thể hoài nghi Bộ Tài chính đang đẩy khó khăn về cho người nộp thuế trong vấn đề này.

Có lẽ khi đề xuất cải cách thuế này, Bộ Tài chính đã không chuẩn bị đủ và cẩn thận các lập luận, cũng như bằng chứng xác đáng để thuyết phục được mọi thành phần xã hội đồng thuận “đứng” về phía mình, nhất là khi nhiều bất cập trong công tác quản lý thuế nói chung, thuế VAT nói riêng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

ĐỖ THIÊN ANH TUẤN 
(ĐẠI HỌC FULBRIGHT VN)