11/01/2025

Phố đi bộ Bùi Viện trước ‘giờ G’

Sau hơn 2 tháng chờ đợi, tối nay (20.8), phố đi bộ Bùi Viện (Q.1, TP.HCM) chính thức hoạt động.

 

Phố đi bộ Bùi Viện trước ‘giờ G’

Sau hơn 2 tháng chờ đợi, tối nay (20.8), phố đi bộ Bùi Viện (Q.1, TP.HCM) chính thức hoạt động.





Du khách đi dạo, vui chơi trong thời gian đường Bùi Viện cấm xeẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Khách tây, khách ta đều hứng khởi
Rảo một vòng qua đường Bùi Viện trước ngày khu phố đi bộ chính thức khai trương, mọi công tác chuẩn bị đang được gấp rút hoàn thành. Toàn bộ vỉa hè đã được lát đá granite; hệ thống dẫn nước, ngầm hóa cáp viễn thông, đường điện đã gần như hoàn thiện. Các vật liệu, dụng cụ thi công đã được dời đi, chỉ còn 1, 2 nắp cống chưa được san lấp nhưng theo lời một công nhân đang thi công thì “sẽ hoàn thành kịp ngày khai trương”.
Hôm qua, cụm sân khấu mini cũng đã “rục rịch” chuẩn bị nhằm phục vụ chương trình văn nghệ chào mừng lễ ra mắt phố đi bộ Bùi Viện. Ngay đầu giờ chiều, mặc tiết trời lúc nắng chói chang, khi sầm xuống như sắp đổ mưa, các công nhân vệ sinh môi trường vẫn tập trung phun nước, quét dọn sạch sẽ lòng đường, vỉa hè sau thời gian thi công bụi bặm. Người dân, hàng quán hai bên đường ai cũng nhiệt tình hợp tác, vừa dọn sạch nhà, sạch quán, vừa “tút” lại cho cả khu phố khang trang.
Chị Vân, chủ một nhà hàng trên đường Bùi Viện, bày tỏ sự phấn khởi khi phố đi bộ chính thức được khai trương. Chị kể, thời gian đầu thi công gạch đá ngổn ngang, bụi bặm, khách có phàn nàn nhưng sau khi được giải thích, họ cũng thông cảm và mong khu phố sớm khai trương. “Khi đường Bùi Viện cấm xe, hầu hết khách nước ngoài đều tỏ ra hứng thú. Họ nói muốn ngồi ngắm đường phố, con người bản xứ thoải mái, vô tư “tự sướng” mà không lo cướp giật”, chị Vân kể.
 

Cùng tâm trạng, ông Thiện (64 tuổi), một người sống hơn 6 năm tại đường Bùi Viện, cho biết nhà ông không kinh doanh nhưng cũng cảm thấy rất vui khi khu phố được cải tạo sạch đẹp hơn trước rất nhiều. Ông kể, từ trước đến nay khu phố lúc nào cũng đông đúc, khách nước ngoài tụ tập rất đông, chơi thâu đêm suốt sáng vì thế không tránh khỏi một vài tệ nạn. Phố nhỏ, lại thêm xe cộ đi lại nhiều nên lúc nào cũng bụi bặm, chật chội. “Chủ trương quy hoạch Bùi Viện thành phố đi bộ là rất hợp lý. Người dân chúng tôi cũng hy vọng chính quyền sẽ có quản lý để khu phố trở thành điểm vui chơi văn minh, lành mạnh”, ông Thiện nói.
Ruslan, một du khách đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết đây là lần thứ 2 anh đến TP.HCM và lần nào cũng chọn một khách sạn tại khu Bùi Viện để nghỉ lại. “Tôi rất thích Bùi Viện và thật may mắn khi lần quay trở lại này được chứng kiến giây phút “chuyển mình” của khu phố. Hôm kia (17.8 – PV), thấy vẫn còn một vài công trình đất đá ngổn ngang, tôi đã nghĩ chắc không thể xong kịp nhưng hôm qua, khi thấy các công nhân môi trường đến dọn dẹp, khu phố dần trở nên gọn gàng, sạch sẽ, tôi yên tâm sẽ được tham gia buổi lễ khai trương hoành tráng rồi”, Ruslan hào hứng.
Không chỉ gây hứng thú đối với các vị khách nước ngoài, phố đi bộ Bùi Viện còn nhận được sự mong chờ của rất nhiều bạn trẻ tại TP.HCM là “fan ruột” của khu phố. Trong nhóm 4 bạn sinh viên đang ngồi “tám” tại một quán vỉa hè đoạn giao Đề Thám – Bùi Viện, Minh (23 tuổi) cho biết: “Mình thường xuyên tới Bùi Viện vào tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, vừa cùng bạn bè đi chơi vừa giao lưu với khách nước ngoài để học tiếng Anh. Trước đây, đi vào khu này hơi khó khăn vì xe cộ đông đúc, nhưng 1 tháng trở lại đây, phường cấm xe nên việc đi lại dễ dàng hơn rất nhiều, cảm giác mọi người vui vẻ hơn và khách nước ngoài đến cũng đông hơn.
Phố đi bộ Bùi Viện trước ‘giờ G’ - ảnh 1

3 điểm giữ xe để vào tuyến phố đi bộĐỒ HOẠ: DUY QUANG

Đảm bảo an toàn cho du khách
Trao đổi với Thanh Niên, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Lã Quốc Khánh cho biết phố đi bộ Bùi Viện được coi là một dự án nhằm “chia lửa” du khách với phố đi bộ Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, Bùi Viện được quy hoạch với tính chất khác hẳn, tập trung chủ yếu là khách quốc tế, Tây ba lô. Quy tụ nhiều cơ sở lưu trú nên Bùi Viện được bố trí phần lớn là các cửa hàng ăn uống đi cùng một vài tiệm mua sắm để tạo không khí hấp dẫn, giao lưu, cộng hưởng giữa du khách với người dân địa phương. Cũng theo ông Khánh, với đặc thù diện tích nhỏ, mật độ dân rất cao khiến Bùi Viện ồn nào, náo nhiệt hơn Nguyễn Huệ rất nhiều. Vì vậy, công tác quản lý cũng được chú trọng hơn để hạn chế tối đa các tệ nạn xã hội. “Vấn đề quan trọng nhất là cộng đồng dân cư, có được sự đồng lòng, đồng thuận của họ thì sẽ có một sản phẩm thành công”, ông Khánh nói và thông tin thêm Sở đã tổ chức một lớp hướng dẫn cho hơn 100 hộ kinh doanh trong khu vực phố đi bộ về cách cư xử, giao tiếp, giúp họ nhận thức được quyền lợi, trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng, xã hội. Cùng với đó, Sở cũng phối hợp với các cơ quan công an, lực lượng thanh niên xung phong để kiểm soát tình hình an ninh trật tự.

Ông Lê Tấn Đạt, Chủ tịch UBND P.Phạm Ngũ Lão, cũng cho biết ngoài chốt tại 2 đầu phố do lực lượng Cảnh sát trật tự Công an Q.1 đảm trách, các chốt bên trong (trước các con hẻm) có lực lượng tuần tra gồm công an phường, bảo vệ dân phố, trật tự đô thị và dân quân trực. “Mỗi đêm thứ bảy, chủ nhật, phường huy động khoảng 45 người từ các lực lượng trên, làm sao đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối cho du khách cũng như toàn khu phố”, ông Đạt nói.
Trước nhiều thắc mắc tại sao đã mở phố đi bộ còn “bó” giờ (phố đi bộ Bùi Viện hoạt động từ 19 – 2 giờ sáng các ngày thứ bảy, chủ nhật), ông Lã Quốc Khánh lý giải không thể vì du lịch mà hy sinh hết cuộc sống của cộng đồng dân cư ở đây. Trước mắt, khi người dân vẫn còn chưa bắt kịp được mô hình này, chưa điều chỉnh được nhịp sống cũng như công việc, thì việc tạo khung giờ như bước thí điểm, làm quen.
Phố đi bộ Bùi Viện trước ‘giờ G’ - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Ra mắt Phố đi bộ Bùi Viện

Bắt đầu từ ngày 20.8, Phố đi bộ Bùi Viện (Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM) sẽ chính thức đi vào hoạt động.

 

Hà Mai