10/01/2025

Gập ghềnh hàng Việt sang Thái

Không xa về khoảng cách địa lý và có khẩu vị tiêu dùng khá tương đồng, nhưng trong khi hàng Thái vào VN ngày càng nhiều và khá dễ dàng thì hàng Việt xuất vào thị trường này lại rất chật vật.

 

Gập ghềnh hàng Việt sang Thái

Không xa về khoảng cách địa lý và có khẩu vị tiêu dùng khá tương đồng, nhưng trong khi hàng Thái vào VN ngày càng nhiều và khá dễ dàng thì hàng Việt xuất vào thị trường này lại rất chật vật.

 

 

 

Gập ghềnh hàng Việt sang Thái
Một vị khách Thái Lan mua 3 chiếc khăn lụa VN do rất thích màu sắc và chất liệu lụa VN – Ảnh: NHƯ BÌNH

Chúng tôi quyết định xâm nhập thị trường Thái vì tự tin có những ưu điểm, chất lượng sản phẩm chế biến hơn hẳn hàng nội địa Thái

Bà VŨ THANH TRÚC (Công ty Vinamit)

Dù không ít sản phẩm Việt được người Thái rất thích nhưng chủ yếu được xuất sang thị trường này bởi doanh nghiệp (DN) trung gian hoặc được thương nhân tự do nhập về Thái và đưa ra bán tại các nhà ga, sân bay với số lượng không nhiều.

Do đó, dù các sản phẩm này có thương hiệu được biết đến rộng rãi tại thị trường nội địa nhưng lại khá xa lạ với người tiêu dùng Thái Lan.

Thị trường quen mà lạ

Không gian Tuần lễ hàng Việt với sự góp mặt của hơn 40 DN VN đang diễn ra ở Bangkok, Thái Lan tấp nập người tham quan, nếm thử.

 

Tại gian hàng của Vinamit, bà Jiratha (Thái Lan) lần lượt thử các món trái cây sấy dẻo của Vinamit và không ngừng gật gù.

Cách đây nhiều năm, trong một lần đi du lịch ở Phuket, bà và gia đình tình cờ mua được một gói mít sấy có bao bì màu tím của Vinamit. Cả nhà ăn rất thích vì vị thơm và độ giòn 
tan của múi mít.

“Về lại Bangkok, tôi không tìm thấy sản phẩm này, thật là tiếc” bà Jiratha nói. Bởi vậy khi nhìn thấy các sản phẩm trái cây, rau củ sấy dẻo của Vinamit, bà nhanh chóng bị thu hút.

Theo bà Jiratha, ở Thái Lan cũng có những sản phẩm tương tự nhưng một số sản phẩm của VN lại không quá ngọt, hương vị được giữ nguyên từ trái cây tươi, “đó là điều tôi rất ấn tượng”.

Tương tự, khi được dùng thử sản phẩm chocolate của VN, rất nhiều người tiêu dùng Thái Lan khẳng định nếu đưa những sản phẩm này sang Thái sẽ được tiêu thụ tốt vì chocolate có vị béo nhưng không quá ngọt, lại giữ được mùi thơm nguyên gốc.

Theo bà Vũ Thanh Trúc – giám đốc kinh doanh quốc tế Công ty Vinamit, đây là lần đầu tiên Vinamit chính thức đưa hàng sang Thái tìm hiểu thị trường.

Trước đây, sản phẩm của DN được nhiều người đi du lịch ưa chuộng nên một số thương nhân tự do nhập về bán tại các nhà ga, sân bay… “Chúng tôi quyết định xâm nhập thị trường Thái vì tự tin có những ưu điểm, chất lượng sản phẩm chế biến hơn hẳn hàng nội địa Thái” – bà Trúc nói.

Hầu hết các DN đưa hàng sang Thái giới thiệu lần này đều có thương hiệu, có thị phần ở trong nước, nhưng lại chưa trực tiếp xúc tiến thị trường Thái Lan bao giờ.

Không nhiều DN VN có hiểu biết về thị hiếu tiêu dùng của người Thái cũng như cung cách tổ chức hệ thống phân phối, dòng chảy hàng 
hoá thị trường này.

Bà Bùi Thị Ngọc Tuyền – phòng xuất nhập khẩu Công ty thực phẩm Bích Chi – cho biết DN này đã làm ăn với Thái Lan gần hai năm nay nhưng do xuất hàng qua trung gian nên bản thân DN cũng không biết sản phẩm của mình bán ở kênh nào và giá cả ra sao, chỉ biết tốc độ nhập hàng của đối tác khá tốt.

Gập ghềnh hàng Việt sang Thái
Người tiêu dùng Thái sau khi ăn thử sản phẩm Việt đã hỏi nơi bán các sản phẩm VN tại Thái Lan

Do nhiều DN Việt còn mới toanh với thị trường Thái nên ban tổ chức Tuần lễ hàng VN tại Thái Lan đã sắp xếp thành hai khu vực riêng biệt.

Trong đó, khu vực ẩm thực với những thương hiệu đã có mặt ở Thái Lan như nước mắm Chinsu, sữa chua Vinamilk, hoa Đà Lạt Hasfarm…

Khu còn lại là gian hàng dành cho những DN chưa có hàng bán ở siêu thị Thái Lan để các DN thuận tiện thực hiện các hoạt động dùng thử, phát mẫu…

Đặc biệt, Công ty nước mắm Cát Hải còn chuẩn bị những phần quà để thực hiện khảo sát nhanh khẩu vị người tiêu dùng Thái Lan.

“Nước mắm VN có mùi thơm đặc trưng, công nghệ chưng cất cũng khác, nhưng muốn chinh phục thị trường mới thì phải biết khẩu vị người tiêu dùng thế nào” – ông Cao Minh Giang, giám đốc công ty, cho biết.

Tìm cái riêng và… kiên nhẫn

Trong những ngày đem hàng qua Thái, ông Nguyễn Xuân Tồn, giám đốc Công ty cà phê Long Triều (Đà Lạt), tranh thủ đi tìm hiểu các loại cà phê đang bán chạy tại các trung tâm thương mại và quán cà phê ở Bangkok, xem khẩu vị uống cà phê của người Thái.

Điều làm ông ngạc nhiên là đã có một số nơi bán phin pha cà phê kiểu VN. “Điều đó có nghĩa họ thích phong cách cà phê Việt, phần còn lại mình tìm hiểu thêm hương vị, giá cả, và quan trọng nhất là làm mẫu mã cho phù hợp” – ông cho biết.

Tuy nhiên, để bán được hàng, DN còn phải qua rất nhiều khâu đàm phán, thương lượng. Ngay cả như Bóng đèn Điện Quang dù đã thương lượng đến gần 80% quá trình nhưng vẫn chưa thể đưa hàng lên kệ.

Hay có DN VN sau 5 năm hiện diện ở thị trường Thái mới tìm được nhà phân phối chính thức. Ông Trần Thanh Hải, phó chủ tịch Tập đoàn Central Group VN, cho biết thủ tục chỉ là một vướng mắc nhỏ, quan trọng hơn là khả năng đeo bám của DN VN.

Theo ông Hải, nhiều DN VN từ trước đến nay thường cho rằng hàng Thái và hàng Việt có nét tương đồng về chủng loại nên tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, nếu DN Việt biết nhìn ra lợi thế, sự khác biệt sản phẩm thì cơ hội vẫn rất lớn.

Một số mặt hàng nông sản, sản phẩm nguyên liệu chế biến có tương đồng với món ăn VN như bánh tráng, bún gạo, miến… đã khá phổ biến ở thị trường này.

Như món bánh phồng tôm, dù thị trường Thái có khá nhiều loại snack nhưng bánh phồng tôm vẫn là sản phẩm mang một hương vị mới.

Ông Vũ Đào, giám đốc Công ty Phong Sơn Tiệm – DN vừa xuất khẩu 2 tấn quả vải thiều Bắc Giang sang Thái Lan trong tháng 6 vừa rồi, cho biết vải VN ngon và ngọt hơn hẳn vải Thái và mùa vụ vải của hai nước cũng gối đầu nhau, nhưng quan trọng là phải chăm chút cho sản phẩm và phải thật kiên trì.

“2 tấn xuất vừa rồi chỉ bằng 1/10 so với kế hoạch vào thị trường này, nếu mình nản thì xem như xong. Chúng tôi xuất sang Úc, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe và vào Thái cũng phải tuân theo những hàng rào kỹ thuật tương tự như vậy” – ông Vũ Đào cho biết.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan – tổng thư ký Hiệp hội Bán lẻ VN, thị trường Thái Lan khá cạnh tranh vì thế mạnh của hàng Thái cũng là thế mạnh của hàng Việt như nông sản, hàng tiêu dùng, thực phẩm đóng gói.

Riêng các sản phẩm thực phẩm VN chế biến từ gạo như bánh phở, bún; lụa tơ tằm… rất có tiềm năng phát triển ở thị trường Thái Lan. Tuy nhiên, theo bà Loan, muốn đưa hàng qua đây phải tìm được sự khác biệt và độc đáo từ đóng gói, bao bì đến việc tổ chức 
hệ thống phân phối.

Gập ghềnh hàng Việt sang Thái
Nhiều du khách đến Thái Lan cũng bày tỏ thích thú với hàng Việt và chọn mua sản phẩm – Ảnh: NHƯ BÌNH

Phải xuất khẩu được thương hiệu Việt

Ông Philippe Broianigo – tổng giám đốc Central Group VN – cho rằng việc DN thâm nhập được một thị trường nước ngoài không thể diễn ra chóng vánh mà cần có thời gian cùng nhiều nỗ lực của cả bên bán và bên mua.

Với tư cách là một nhà bán lẻ, DN này cũng không muốn phụ thuộc vào nguồn cung hàng hoá của những nhà cung cấp, thương hiệu lớn vì điều đó gây ra rủi ro.

Vì vậy, hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ là một phần của phát triển bền vững, mối quan hệ đôi bên cùng thắng.

“Chúng tôi muốn DN Việt mở rộng thị trường thì phải xuất khẩu được chính thương hiệu của mình chứ không phải làm gia công hay hàng nhãn riêng.

Do đó, các yêu cầu về bao bì, quy cách đóng gói, thương hiệu sẽ rất khắt khe và làm mất nhiều thời gian của DN, nhưng Thái Lan là thị trường tiềm năng mà các DN Việt nên đầu tư khai thác” – ông Philippe Broianigo nói.


NHƯ BÌNH (từ Bangkok, Thái Lan)