Với hầu hết các dự án nhiệt điện than là của nhà đầu tư Trung Quốc và sẽ phải nhập một lượng than lớn, an ninh năng lượng của chúng ta có nguy cơ phụ thuộc nặng vào nước ngoài.
Điện than Việt Nam lo phụ thuộc nước ngoài
Với hầu hết các dự án nhiệt điện than là của nhà đầu tư Trung Quốc và sẽ phải nhập một lượng than lớn, an ninh năng lượng của chúng ta có nguy cơ phụ thuộc nặng vào nước ngoài.
Từ công nghệ, vốn, đến… chủ đầu tư Trung Quốc
Thống kê đến cuối năm 2016 của Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho biết, trong 27 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành thì các công ty Trung Quốc là tổng thầu EPC (thiết kế – mua sắm thiết bị – xây dựng) cho 14 nhà máy. Nguồn tài chính của những nhà máy này xuất phát từ các ngân hàng Trung Quốc với khoảng 8 tỉ USD, tương đương 50% vốn nước ngoài đầu tư vào nhiệt điện than tại VN.
Cũng theo GreenID, VN có 11 dự án nhiệt điện than quy mô tỉ USD theo hợp đồng BOT ở khắp cả nước, các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc từ tổng thầu đã trực tiếp đầu tư và tham gia vào các liên danh đầu tư. Điển hình là trường hợp Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (Bình Thuận) có tổng vốn đầu tư dự kiến 1,755 tỉ USD. Chủ đầu tư dự án là tổ hợp 2 DN Trung Quốc chiếm tới 95% vốn và 5% vốn còn lại thuộc Tổng công ty điện lực thuộc Tập đoàn TKV. Nguồn vốn cho dự án này cũng được cấp từ tổ hợp 5 ngân hàng Trung Quốc với tổng vốn vay 1,4 tỉ USD.
Hay ở trường hợp dự án Nhà máy nhiệt điện Hải Dương có tổng vốn đầu tư gần 2 tỉ USD do Tập đoàn Jaks Resources Bhd (Malaysia) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do chủ đầu tư không thể triển khai dự án và đã bán 50% cổ phần tại dự án này cho Tập đoàn điện lực Trung Quốc (CPECC). Một dự án khác cũng mang “màu sắc” Trung Quốc là Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2, thuộc Trung tâm điện lực Duyên Hải (Trà Vinh) có tổng công suất 1.200 MW, vốn đầu tư 2,2 tỉ USD do Công ty JanaKuasa (Malaysia) làm chủ đầu tư. Nhà máy này được cho phép chỉ định tổng thầu EPC là Công ty Huadian Engineering của Trung Quốc.
Nguồn: Tổng cục Hải quan – đồ hoạ: du sơn
DN Trung Quốc còn tham gia vào những liên danh với DN đến từ các nước có trình độ cao. Điển hình là Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 (Quảng Ninh), tổng vốn đầu tư 2,1 tỉ USD, công suất 1.240 MW, chủ đầu tư là Công ty TNHH AES Mông Dương, được thành lập từ 3 DN: Tập đoàn AES của Mỹ chiếm 51% vốn, Posco Energy của Hàn Quốc với 30%, Tập đoàn đầu tư Trung Quốc – CIC chiếm 19% vốn. Nhà máy này đi vào vận hành thương mại từ tháng 4.2015.
Nhiều rủi ro
Không chỉ các chủ đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, chiếm đa số, phát triển nhiệt điện than của chúng ta ngày càng phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu. Theo Quy hoạch điện 7, đến năm 2020 VN phải nhập đến 50 triệu tấn than, năm 2030 là 80 triệu tấn. Các nhà máy đang và chuẩn bị xây dựng như Vũng Áng, Vĩnh Tân, Duyên Hải… phải sử dụng than nhập khẩu do than trong nước không phù hợp. Thống kê của Tổng cục Hải quan 4 tháng đầu năm nay cho thấy VN nhập khẩu than đạt trên 4,6 triệu tấn (chủ yếu từ Indonesia và Úc), giá trị gần 500 triệu USD; tuy giảm 2,4% về lượng nhưng tăng mạnh trên 72% về kim ngạch (do giá tăng) so với cùng kỳ năm 2016. Còn theo ước tính của các chuyên gia, nhu cầu than để sản xuất điện đến năm 2030 vào khoảng 130 – 150 triệu tấn, trong khi nguồn than nội địa chỉ đáp ứng tối đa 30 – 40 triệu tấn. VN phải nhập ít nhất khoảng 100 triệu tấn than/năm.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nhiệt điện than tăng mạnh khiến nhiều người lo ngại VN thành “vùng trũng” của loại hình có nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn này.
Như vậy, chủ đầu tư và nguồn nhiên liệu cho nhiệt điện than của VN đã và đang phụ thuộc chủ yếu vào nước ngoài. Đây là một rủi ro lớn. Một chuyên gia đặt vấn đề, chúng ta phát triển nhiệt điện than với lý do an ninh năng lượng nhưng lại dựa vào các nhà máy nhiệt điện BOT quy mô lớn. Giả sử có sự cố hay vì lý do nào đó các nhà máy này không thể vận hành thì an ninh năng lượng quốc gia sẽ như thế nào? TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia thuộc mạng lưới Liên minh Năng lượng bền vững VN (VSEA), cho rằng về nguyên tắc bắt buộc ngành điện phải có nguồn dự phòng. Việc phát triển các dự án BOT để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cần phải tính toán cẩn thận và có các điều khoản ràng buộc trách nhiệm cụ thể để dự phòng các trường hợp như thế này.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh lý giải, các dự án BOT có đến 80 – 90% là vốn vay ngân hàng, nếu vay không được thì họ gọi vốn từ các nhà đầu tư thứ cấp. Với các dự án BOT của Trung Quốc hay gọi vốn từ DN Trung Quốc đồng nghĩa họ sẽ được ưu thế hơn về đấu thầu dự án, về giá, công nghệ, môi trường… Nếu không cẩn trọng trong ký kết ban đầu, có những điều khoản chặt chẽ, các dự án BOT về điện than của VN sẽ đứng trước nguy cơ là “bãi đáp” của công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc.
Theo TS Lê Đăng Doanh, nhu cầu năng lượng của VN tăng cao qua từng năm do chúng ta phát triển mạnh những ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng như xi măng, sắt thép. Tỷ lệ tiêu thụ điện của ngành công nghiệp chiếm tới 49% (năm 2015) và tăng lên 55% (năm 2025) tổng nhu cầu điện của cả nước. Các dự án nhiệt điện than khủng đều mọc lên cặp các dự án công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng. Lý giải việc các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng đang đổ vào VN, ông Doanh cho rằng xuất phát từ chính sách giá bán điện của VN. Giá điện phục vụ các ngành kinh tế năm 2011 của ngành công nghiệp chỉ có 5,31 cent/kWh, thương mại lên đến 9,935 cent/kWh và dân dụng là 6,04 cent/kWh. Cơ cấu này trái ngược với một số nước trong khu vực như Thái Lan lần lượt là 9,05 – 5,65 – 7,94 cent/kWh hay như Singapore là 14,5 – 14,5 – 19,76 cent/kWh. Với chính sách giá điện và môi trường của VN như vậy, DN nước ngoài đã tìm cách đưa các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng và kèm theo là các dự án phát triển năng lượng “thải” vào VN.