12/01/2025

‘Miếng thịt kẹp’ Bhutan giữa ông lớn Ấn Độ và Trung Quốc

Bhutan, quốc gia 800.000 dân ở Nam Á, đang bị kéo vào cuộc đối đầu dai dẳng giữa hai gã khổng lồ Ấn Độ và Trung Quốc.

 

‘Miếng thịt kẹp’ Bhutan giữa ông lớn Ấn Độ và Trung Quốc

 Bhutan, quốc gia 800.000 dân ở Nam Á, đang bị kéo vào cuộc đối đầu dai dẳng giữa hai gã khổng lồ Ấn Độ và Trung Quốc.

 

 

 

'Miếng thịt kẹp' Bhutan giữa ông lớn Ấn Độ và Trung Quốc
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp hồi tháng 10-2016 – Ảnh: Reuters

Bhutan, đất nước lấy chỉ số hạnh phúc toàn dân làm thước đo giàu có, đang rơi vào thế “đi cũng dở, ở cũng chẳng xong” trong cuộc chơi địa chính trị giữa một bên là Ấn Độ và phía còn lại là Trung Quốc.

Ám ảnh quá khứ

Khu vực Doklam nằm rất gần ngã ba biên giới Ấn Độ – Trung Quốc – Bhutan và một vùng đất hẹp mà Ấn Độ gọi là “cổ gà”, kết nối các bang miền đông bắc Ấn Độ với phần còn lại của nước này.

Tháng 6-2017, các đơn vị biên phòng Bhutan rơi vào tình trạng báo động khi công binh Trung Quốc bắt đầu đổ dồn về Doklam, vốn đang là đối tượng tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc.

 

Đáp lời kêu gọi của chính quyền Bhutan, các đơn vị quân đội Ấn Độ được triển khai tới Doklam và nhiều lần chạm mặt quân đội Trung Quốc suốt hơn một tháng qua.

Trong lúc tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn đang nóng lên từng ngày vì cuộc khẩu chiến giữa Washington và Bình Nhưỡng cùng cảm giác một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên sắp nổ ra tới nơi, sự đối đầu của hai quốc gia khác, đông dân nhất thế giới, tại một xứ “khỉ ho cò gáy” lại càng ít được chú ý.

Đó cũng chính là tâm lý của những ngày tháng 10-1962, khi cả thế giới đều đổ dồn về Cuba vì cuộc khủng hoảng tên lửa, lo sợ Thế chiến thứ III giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô bùng nổ.

Nhưng cũng chính trong những ngày tháng lo sợ ấy, cuộc chiến Trung – Ấn đã bùng nổ mà bên bất ngờ và thất thế là Ấn Độ.

Đó là điều đang khiến người ta lo ngại khi nhìn về sự đối đầu trên toàn tuyến biên giới Trung – Ấn ở thời điểm hiện tại, không chỉ riêng ở khu vực Doklam.

Hôm 16-8, truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin một cuộc ẩu đả giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã xảy ra tại khu vực Ladakh. Nếu được xác nhận, đây sẽ là bước leo thang căng thẳng mới nhất giữa hai nước ở biên giới.

Nếu một cuộc chiến tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc bùng nổ, nó có thể là một cuộc chiến tổng lực với hậu quả tàn khốc hơn cuộc chiến năm 1962.

Tuy nhiên, phần lớn đều chỉ chú ý và phân tích cán cân sức mạnh của Trung Quốc và Ấn Độ. Ít ai để ý đến những nước nhỏ xung quanh, những nước đang bị mắc kẹt ở giữa, mà Bhutan là một quốc gia như vậy.

Bất an

New Delhi tin rằng Bắc Kinh đang thử thách các cam kết của Ấn Độ với Bhutan. Căn cứ quân sự chính của Ấn Độ tại Bhutan chỉ cách khu vực đang tranh chấp với Trung Quốc 21km.

Người Ấn Độ nói sự hiện diện của họ ở Doklam và nhiều lần động binh trước đó là đáp lại lời kêu gọi của Bhutan khi nước này gặp bế tắc.

“Nhưng dường như sự can thiệp của Ấn Độ không đem tới sự biết ơn ở đất nước có 800.000 dân này. Mà ngược lại, vòng tay siết chặt của New Delhi đang khiến người Bhutan thấy ngột ngạt” – báo New York Times bình luận.

“Trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Bhutan sẽ như miếng thịt bị kẹp giữa hai lát bánh mì” – ông Pema Gyamtsho, lãnh đạo đảng đối lập tại Quốc hội Bhutan, nói với báo New York Times.

Trong nhiều thập kỷ, Bhutan đã chọn Ấn Độ. Quốc gia này không chỉ chia sẻ đường biên giới với vùng Tây Tạng của Trung Quốc, mà còn gần gũi cả về tôn giáo, dân tộc và văn hóa với khu vực bên kia biên giới.

Những diễn biến từ Tây Tạng và cái chìa tay của Ấn Độ đã được Bhutan tiếp nhận cách đây hơn 50 năm.

Nhưng lần này, sự hiện diện của Ấn Độ tại Doklam đã khiến nhiều người Bhutan cảm thấy không yên tâm.

“Bhutan có toàn quyền quyết định chủ quyền của mình, đó là mấu chốt của vấn đề. Người Bhutan có quyền sống theo cách mà chúng tôi muốn sống, thiết lập quan hệ ngoại giao mà chúng tôi muốn có” – người đứng đầu Phòng Công nghiệp và thương mại Bhutan Wangcha Sangey khẳng khái nói.

Thực tế, nói như một học giả quan hệ quốc tế: “Các nước nhỏ chỉ là con cờ trong cuộc chơi của các nước lớn. Không có bữa trưa nào miễn phí, dù là Ấn Độ hay Trung Quốc đang giúp Bhutan, họ chắc chắn có tính toán cho lợi ích của riêng mình”.

Đối đầu Doklam

Ngày 8-6, lợi dụng trời tối, một đơn vị Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến vào cao nguyên Doklam, phá bỏ các lô cốt của Quân đội Hoàng gia Bhutan. Ngày 16-6, một đơn vị công binh Trung Quốc với xe ủi, máy xúc và xe lu tiến vào Doklam với ý định xây một con đường xuyên cao nguyên. Tranh cãi, thậm chí xô xát đã xảy ra sau đó giữa binh sĩ Trung Quốc và Bhutan.

Ngày 18-6, khoảng 300 binh sĩ Ấn Độ xuất hiện tại Doklam trước yêu cầu từ chính quyền Bhutan. Những ngày sau đó là các vụ chạm mặt, xô đẩy không vũ trang giữa hai bên.


DUY LINH