29/11/2024

Miếng dán chống say xe gây loạn thần?

Khi dán miếng dán này, thuốc sẽ ngấm vào máu làm trẻ bị ảo giác. Lúc đó, trẻ nhìn thấy người này thành người khác, la hét, có những hành động bất thường.

 

Miếng dán chống say xe gây loạn thần?

Khi dán miếng dán này, thuốc sẽ ngấm vào máu làm trẻ bị ảo giác. Lúc đó, trẻ nhìn thấy người này thành người khác, la hét, có những hành động bất thường.

 

 

Miếng dán chống say xe gây loạn thần?
Miếng dán chống say tàu xe có thể gây loạn thần – Ảnh: DUYÊN PHAN

Mới đây, một bé gái 9 tuổi ngụ ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhập viện trong tình trạng cháu cứ bò lồm cồm, miệng la hét.

Người nhà kể cháu đạt học sinh giỏi nên gia đình thưởng cho cháu một chuyến đi chơi ở trung tâm TP.HCM. Lo cháu bị say xe nên trước khi lên ôtô, người nhà ra nhà thuốc mua một miếng cao dán chống say tàu xe. Nào ngờ mới dán được một lúc, bé đã có triệu chứng như trên.

Miếng cao dán chống say tàu xe sử dụng một loại thuốc ngấm qua da tên Scopolamine. Loại thuốc này có tác dụng chống buồn nôn, chống nôn trên hệ thống thần kinh.

Khi dán miếng này vào, nếu người nào nhạy cảm sẽ bị loạn thần, ảo giác, lú lẫn, ngủ hoài, la hét, bò lồm cồm, không biết ai với ai. Những triệu chứng này rất giống với viêm não.

Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH

Mùa hè tăng số trẻ mắc

Tại khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé gái này được bác sĩ chẩn đoán bị loạn thần do trước đó đã dùng miếng cao dán chống say tàu xe. Vậy là thay vì được đi chơi, bé phải nằm viện điều trị trong hai ngày rưỡi.

 

Trước khi điều trị cho trường hợp này, các bác sĩ trong khoa cũng gặp một trường hợp nhỏ tuổi hơn, khoảng 5 tuổi, bị loạn thần do dùng miếng cao dán chống say tàu xe. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết các bác sĩ đã gặp một số trường hợp trẻ em bị loạn thần do trước đó đã được phụ huynh dán cho miếng cao chống say tàu xe.

Bác sĩ Khanh cho hay mùa hè trẻ được đi chơi xa nhiều hơn, số lượng các bé dán cao nhiều hơn, do đó những trường hợp bị loạn thần do dán miếng chống say xe nhập viện cũng nhiều hơn.

Trẻ nhạy cảm dễ bị ảo giác khi dán

Theo bác sĩ Khanh, khi trẻ dán miếng cao, có hai khả năng xảy ra. Một là trẻ sẽ lừ đừ nên người nhà tưởng trẻ vẫn còn say xe, có thể kéo dài đến 3 ngày. Hai là trẻ sẽ bò lồm cồm, la hét, giống như viêm não nên các bậc cha mẹ rất sợ và đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Nên chống say tàu xe bằng các biện pháp dân gian là ý kiến của nhiều bác sĩ. Theo bác sĩ Khanh, say xe là chuyện bình thường, tùy theo trẻ em hoặc người lớn có độ nhạy cảm khác nhau có thể bị ói khác nhau. Giải quyết “không ói” có rất nhiều phương pháp như phương pháp dân gian, phương pháp dùng thuốc, nhưng tuyệt đối có một số thuốc không được tự dùng cho trẻ em như miếng dán chống say xe này.

Các bác sĩ nhấn mạnh trẻ em dưới 2 tuổi không được dùng loại thuốc nào để chống say tàu xe. Còn trẻ 2 tuổi trở lên có thể dùng những loại thuốc cho ngủ dần để bớt say xe, nhưng trong trường hợp cần lắm mới nên sử dụng. Về nguyên tắc, các nước khác không cho sử dụng miếng dán này dành cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Ngoài ra, có thể dùng những phương pháp dân gian, như đừng ăn no quá hoặc đói quá khi lên xe, đừng bàn việc trẻ bị say khi trẻ lên xe. Trước khi đi xe mà ba mẹ cứ nhắc trẻ hoài: “Con ráng đừng ói nha” là trẻ sẽ bị ói. Cho trẻ ngồi ở ghế ít bị xóc, không có gió lùa, cho trẻ nhìn xung quanh chứ đừng nhìn một điểm, cho ngậm gừng… để trẻ bớt bị say xe.

Người lớn cũng có thể bị loạn thần

Trẻ bị loạn thần do dán miếng say xe vào viện có triệu chứng rất giống với trẻ viêm não, nếu bác sĩ không có kinh nghiệm về miếng dán này có thể sẽ cho làm rất nhiều xét nghiệm vì sợ trẻ bị viêm não.

Do vậy, nếu sau khi dán miếng chống say xe, trẻ có triệu chứng như kể trên thì người nhà nên thông báo với bác sĩ có cho trẻ dán miếng cao đó, giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh bệnh.

Không chỉ trẻ em, những người lớn dán miếng cao này cũng có thể bị loạn thần (liên quan đến cơ địa). Tỉ lệ người sử dụng miếng dán này có tác dụng phụ hơn 10%.

THÙY DƯƠNG