Lũ sớm nhiều nhà nông trắng tay
Lũ năm nay về sớm và lên nhanh khiến nông dân một số tỉnh ĐBSCL không kịp trở tay. Hàng ngàn héc ta lúa bị ngập úng, nhiều hộ phải thu hoạch lúa chạy lũ và lỗ trắng tay.
Lũ sớm nhiều nhà nông trắng tay
Lũ năm nay về sớm và lên nhanh khiến nông dân một số tỉnh ĐBSCL không kịp trở tay. Hàng ngàn héc ta lúa bị ngập úng, nhiều hộ phải thu hoạch lúa chạy lũ và lỗ trắng tay.
Những ngày qua, do thời tiết mưa nhiều kết hợp lũ lên sớm, gần 50.000 ha lúa hè thu và thu đông ở H.Hòn Đất (Kiên Giang) bị ngập úng cục bộ, trong đó khoảng 40.000 ha lúa trổ bông bị ảnh hưởng, thiệt hại nhiều nhất là các xã Mỹ Hiệp Sơn, Bình Giang, Bình Sơn, Mỹ Thái.
Trồng lúa 16 công, thu hoạch chỉ 12 bao !
Ngồi bần thần bên đống lúa nếp vừa thu hoạch, anh Nguyễn Phương Thảo (ngụ ấp Thái Tiến, xã Mỹ Thái) cho biết gia đình anh gieo sạ 15 ha lúa nếp. Do nước lũ về sớm hơn mọi năm nên trở tay không kịp, ruộng bị ngập úng phải khẩn trương bơm nước và thu hoạch chạy lũ, năng suất giảm khoảng 50%. “Lúa nếp bị ngập, phải thuê cắt thủ công với giá 700.000 đồng/công (1.000 m2 – PV), cộng tiền thuê máy kéo, máy suốt… thì chi phí cho mỗi công khoảng 1,2 triệu đồng. Do lúa nếp bị ngập nước, thương lái mua chỉ có 2.000 đồng/kg, mỗi công thu về 600.000 đồng, coi như lỗ nặng”, anh Thảo nói.
Tại tỉnh An Giang, mặc dù được các ngành chức năng cảnh báo lũ sẽ về sớm và cao hơn so với trung bình nhiều năm trước, nhưng người dân xã Vĩnh Hội Đông, H.An Phú vẫn xuống giống vụ thu đông, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng. Gần 70 ha lúa bị lũ nhấn chìm, nông dân gần như mất trắng.
Ở xã Vĩnh Hội Đông, những khu đất trồng lúa gần thu hoạch đều bị ngập đến gần cổ bông, thậm chí nhiều khu chìm hẳn dưới lòng nước lũ. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông đã có gần 60 hộ dân canh tác ngoài đê bao đành chấp nhận thua lỗ nặng. Anh Võ Văn Thuồng (ngụ ấp Vĩnh An) cho biết đất nhà chỉ có 2 công, nhưng nhiều năm nay thấy bà con trồng lúa 3 vụ/năm thắng lợi nên vụ này anh thuê thêm 14 công ruộng gần nhà với giá 2 triệu đồng/công để trồng lúa. Tuy nhiên, 16 công ruộng chỉ thu hoạch được 12 bao lúa non, lúa ướt (tương đương 32 giạ), đã vậy không biết bán cho ai. Ông Nguyễn Văn Ba ở cùng ấp chia sẻ: “Để ngừa lũ về đột xuất, tôi và nhiều hộ dân đã hùn gần
35 triệu đồng xây dựng đê bao. Không ngờ nước lên cao quá và mạnh làm vỡ đê, mất cả chì lẫn chài, lúa thu đông mới 70 ngày tuổi phải thu hoạch sớm và chấp nhận thua lỗ”. Theo ông Ba, những năm trước với 6 công lúa ông thu hoạch hơn 4 tấn, thu nhập gần 20 triệu đồng. Vụ thu đông năm nay, nước lũ ập đến nhanh, trở tay không kịp nên 6 công chỉ thu hoạch được hơn 10 bao toàn lúa xanh, bán cho vịt ăn.
Là người mấy mươi năm sống chung với lũ, ông Thái Văn Mỹ (ấp Vĩnh An) đánh giá, sau nhiều năm vắng bóng, năm nay lũ về sớm và nhanh hơn. Mọi năm, lũ lên khoảng 20 – 30 cm, nước sẽ chững lại và lên từ từ nên người dân phòng, chống lũ cũng dễ. Năm nay, từ tháng 4 nước bắt đầu lấp xấp ngoài đồng, lên chừng 30 – 40 cm, sau đó lên nhanh liên tục.
Khẩn trương thu hoạch lúa chạy lũ
Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An cho biết mực nước lũ đang lên nhanh ở mức cao và uy hiếp diện tích lúa hè thu muộn. Thống kê của Phòng NN-PTNT H.Tân Hưng (Long An) cho thấy nước lũ đổ về đã gây thiệt hại 3.485 ha lúa hè thu của huyện. Vụ hè thu 2017, toàn huyện gieo sạ gần 28.500 ha, đã thu hoạch trên 20.000 ha, diện tích còn lại chủ yếu đang trong giai đoạn chín, trong đó có khoảng 8.500 ha sẽ thu hoạch trong 10 ngày nữa.
Tại H.Mộc Hóa (Long An), gần 6.000 ha lúa đang chịu ảnh hưởng bởi lũ, trong đó xã Tân Lập chịu ảnh hưởng nhiều nhất với 1.419 ha. Tương tự, H.Vĩnh Hưng gieo sạ 28.419 ha, hiện đã thu hoạch 4.575 ha, diện tích còn lại khoảng cuối tháng 8 thu hoạch dứt điểm. Diện tích có khả năng bị ảnh hưởng lũ hơn 7.800 ha.
Theo ông Dương Huy Bình, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Hòn Đất, trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, huyện đã chủ động gia cố
42 tuyến đê bao xung yếu, có nguy cơ vỡ với tổng chiều dài 158 km; sửa chữa, nạo vét, xây dựng 77 công trình thuỷ lợi; phối hợp với các xã rà soát, nắm chắc tình hình các khu vực lúa bị ảnh hưởng của mưa, lũ để thống kê thiệt hại, đề ra giải pháp khắc phục.
Ông Phạm Thành Tâm, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.An Phú, cho hay ngoài diện tích lúa bị thiệt hại, tại xã Vĩnh Lộc có khoảng 20 ha bắp và mè chuẩn bị thu hoạch cũng bị nước lũ ngập sâu gây thiệt hại nặng. Để giải quyết khó khăn cho nông dân, chính quyền địa phương đã tiến hành thống kê, kiểm tra, xác định mức độ ảnh hưởng của lũ để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
TIN LIÊN QUAN
Theo giới chuyên gia, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong nuôi – trồng sẽ giúp nền nông nghiệp VN thoát khỏi tình trạng “giải cứu” ngày càng lan rộng hiện nay.
Đặng Ngọc – Anh Phương