Đề nghị của Thủ tướng Chính phủ tăng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng từ 20 – 22% sẽ giúp nền kinh tế được bơm từ 100.000 tỉ đồng – 200.000 tỉ đồng vào những tháng cuối năm.
‘Bơm’ 130.000 tỉ đồng mỗi tháng vào nền kinh tế
Đề nghị của Thủ tướng Chính phủ tăng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng từ 20 – 22% sẽ giúp nền kinh tế được bơm từ 100.000 tỉ đồng – 200.000 tỉ đồng vào những tháng cuối năm.
Ngân hàng vui, doanh nghiệp mừng
PGS-TS Trần Hoàng Ngân lưu ý đến chất lượng tín dụng và đề nghị NHNN kiểm tra, giám sát chặt chẽ dòng tín dụng, tránh đổ vào những lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán. Khi cung tiền tăng mà không có điều kiện đảm bảo sẽ tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô, tác động đến lạm phát tăng.
Theo kế hoạch, tăng trưởng tín dụng năm nay của hệ thống ngân hàng (NH) là 18% so với cuối năm 2016, tương đương khoảng 6,5 triệu tỉ đồng. Nếu dư nợ tín dụng tăng lên 20%, số tiền tăng thêm tương ứng khoảng 100.000 tỉ đồng, nếu tăng lên 22%, tương ứng với việc nền kinh tế được bơm thêm khoảng 200.000 tỉ đồng, nâng mức tăng trong cả năm 2017 lên đến 1,2 triệu tỉ đồng.
7 tháng qua, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của ngành NH đạt hơn 9%, tương đương hơn 500.000 tỉ đồng. Như vậy,
5 tháng còn lại của năm 2017, số tiền cho vay ra khoảng 700.000 tỉ đồng, bình quân mỗi tháng 130.000 tỉ đồng. TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, đây là con số quá lớn với nền kinh tế dù thực hiện việc này không khó bởi tăng tín dụng nghĩa là NH tăng lợi nhuận.
Thực tế, với nhiều NH, đề nghị nới tăng trưởng tín dụng lên 20 – 22% lại là một tin vui bởi việc cho vay của họ đã “đụng trần” chỉ tiêu tín dụng được cấp. Đơn cử NH TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank), với tỷ lệ tín dụng được NHNN giao ở mức 16%, NH này đã sử dụng gần 14% chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm. Chính vì vậy ngay từ đầu tháng 7, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết NH này kiến nghị NHNN tăng tỷ lệ tín dụng từ mức được phê duyệt 16% lên mục tiêu chung của ngành NH là 18% để tiếp tục cho khách hàng vay. Một số NH rơi vào tình trạng giống Vietcombank cũng có tâm trạng tương tự. Nhưng không chỉ các NH vui, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng phấn khởi trước thông tin này bởi việc vay vốn các nhà băng có thể sẽ dễ thở hơn khi được nới tín dụng.
Ông Huy Tâm, giám đốc một DN kinh doanh nông sản thực phẩm tại TPHCM, nhận xét các nhà băng được phép cho vay nhiều hơn thì cơ hội tiếp cận vốn tín dụng của DN khả dĩ hơn.
Không để vốn dồn vào chứng khoán, bất động sản
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết Chính phủ mong muốn đạt được tăng trưởng kinh tế ở mức 6,7% nên đề nghị tăng trưởng tín dụng lên 20% nhằm thúc đẩy vốn đầu tư tăng. Hiện khu vực DN ngoài nhà nước dựa vào vốn tín dụng là chủ yếu. Các DN này, đặc biệt các DN nhỏ và vừa (SME) tiếp cận được vốn NH cần có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, thoả mãn điều kiện vay vốn như có tài sản thế chấp, bảo lãnh… Theo ông Ngân, cần sớm đưa luật Hỗ trợ SME vào cuộc sống, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân vì sao các quỹ bảo lãnh DN tại các địa phương không hoạt động để tháo gỡ những khó khăn về tiếp cận nguồn vốn vay DN.
Nới tăng trưởng tín dụng, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, không những thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn có thể giúp ngân sách tăng thu khi các hoạt động kinh doanh phát triển. Thế nhưng, “dồn” tín dụng vào những tháng cuối năm nếu không kiểm soát, rất có thể sẽ không đạt được mục tiêu. Thực tế cho thấy 6 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành NH đạt mức cao nhất trong vòng 8 năm qua, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP lại thấp hơn, không đạt mức kỳ vọng. Nguyên nhân là tín dụng không đổ vào đúng “địa chỉ” mà lại đổ vào bất động sản, chứng khoán mua đi bán lại nên không giúp tăng trưởng kinh tế. “Nếu từ nay đến cuối năm, dòng tiền từ các nhà băng ra nền kinh tế cao nhưng cũng không đi đúng địa chỉ vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì GDP cũng khó có thể tăng như kỳ vọng. Đó là chưa kể, nếu dòng tiền này đổ vào chứng khoán, bất động sản có thể dẫn đến tình trạng bong bóng”, ông Hiếu cảnh báo.
Cũng theo phân tích của ông Nguyễn Trí Hiếu, thì NHNN đưa ra kế hoạch đầu năm tăng trưởng tín dụng 18% có thể chấp nhận được, nhưng nếu đẩy lên 20 – 22% thì một lượng tiền quá lớn bung ra trong thời gian ngắn có thể dẫn đến lạm phát gia tăng.
Ngày 10.7, một số ngân hàng (NH) đã thực hiện giảm lãi suất (LS) cho vay từ 0,5 – 1%/năm trong ngày đầu thực hiện mức LS điều hành mới của NH Nhà nước.