11/01/2025

Ấn – Trung nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng

Cuộc họp căng thẳng giữa sĩ quan biên giới hai nước vẫn chưa mang lại kết quả sau vụ đụng độ ngày 15.8.

 

Ấn – Trung nỗ lực hạ nhiệt căng

Cuộc họp căng thẳng giữa sĩ quan biên giới hai nước vẫn chưa mang lại kết quả sau vụ đụng độ ngày 15.8.




Trạm gác Bumla tại khu vực biên giới Ấn Độ – Trung QuốcẢNH: AFP

Tờ The New Indian Express ngày 17.8 đưa tin các sĩ quan khu vực biên giới Ấn Độ và Trung Quốc đã họp tại khu vực Chusul thuộc bang Jammu và Kashmir (Ấn Độ) sau vụ ẩu đả giữa binh sĩ hai nước tại khu vực Ladakh hôm 15.8. Truyền thông Ấn Độ đưa tin 2 nhóm lính Trung Quốc xâm phạm biên giới dẫn đến xô xát với các binh sĩ nước này khiến cả hai bên đều bị thương.
Nhiều nguồn tin cho biết hai bên đề cập thẳng vào vụ đụng độ, đồng thời bàn cách tăng cường các cơ chế hiện tại nhằm tránh đối đầu trực tiếp và duy trì hòa bình, yên ổn ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, cuộc họp không đi đến kết luận chung dù kéo dài từ đầu giờ chiều đến tận đêm với sự tham dự của sĩ quan cấp lữ đoàn trưởng.
Trong khi đó, tờ The Times of India ngày 17.8 dẫn các nguồn tin quân đội Ấn Độ cho biết lực lượng này đang chuẩn bị đối phó tình trạng binh sĩ Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) xâm phạm lãnh thổ tại nhiều địa điểm gần Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở biên giới. Căng thẳng tại biên giới kéo dài từ tháng 6 sau khi binh sĩ Ấn Độ ngăn cản Trung Quốc xây đường tại khu vực tranh chấp Doklam do Bhutan kiểm soát nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.
 

Một ngày sau vụ ẩu đả tại Ladakh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh kêu gọi Ấn Độ rút quân khỏi cao nguyên Doklam để làm tiền đề giải quyết mâu thuẫn. Nhận định về phát biểu này, ông Diệp Hải Lâm thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh vẫn sẽ “khiến Ấn Độ trả giá vì hành vi xâm phạm và khiêu khích”, kể cả khi Ấn Độ rút quân.
Trong khi đó, cựu Chuẩn đô đốc hải quân Trung Quốc Từ Quang Dụ cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ ra tối hậu thư yêu cầu binh sĩ Ấn Độ rút lui khỏi Doklam trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh khối BRICS (Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Nga và Trung Quốc) vào tháng 9. “Sau thời hạn, nếu binh sĩ Ấn Độ còn ở lãnh thổ Trung Quốc thì Ấn Độ phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả”, ông Từ phát biểu trên Hoàn Cầu thời báo và doạ dẫm rằng vài chục binh sĩ Ấn Độ chỉ là “một mẩu bánh” đối với quân đội Trung Quốc.
Cũng trong bài báo, chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trọng Bình cho rằng khả năng quân sự của Trung Quốc vượt xa Ấn Độ dù New Delhi đã mua một số vũ khí của Mỹ và Nga trong vài năm gần đây. Theo ông, các tiêm kích J-10C và J-11, oanh tạc cơ H-6K, trực thăng tấn công Z-10 và trực thăng vận tải của Trung Quốc xét về số lượng và chất lượng đều hơn Ấn Độ, trong khi pháo tầm xa của Trung Quốc “tốt nhất thế giới”. Tuy nhiên ở góc độ khác, CNBC dẫn lời chuyên gia Alyssa Ayres thuộc Hội đồng Đối ngoại Mỹ cho rằng mâu thuẫn biên giới là do Trung Quốc tạo nên và xét về mặt chiến lược thì quân đội Trung Quốc có thể mất nhiều hơn được và dễ “mất mặt một cách rất xấu hổ”.
Ấn - Trung nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng - ảnh 3

 
 

 

Khánh An