29/11/2024

​Siết chặt chỉ tiêu, đặt hàng đào tạo sư phạm

Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục – đào tạo sáng 17-8 để giải bài toán tuyển sinh, đào tạo sư phạm có dấu hiệu “tụt dốc” đang gây ồn ào dư luận những ngày qua.

 

​Siết chặt chỉ tiêu, đặt hàng đào tạo sư phạm

 

Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục – đào tạo sáng 17-8 để giải bài toán tuyển sinh, đào tạo sư phạm có dấu hiệu “tụt dốc” đang gây ồn ào dư luận những ngày qua.

 

 

 

 
 
 
 

 
 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục – đào tạo sáng 17-8 để giải bài toán tuyển sinh, đào tạo ngành sư phạm – Clip: NGỌC HÀ

 

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục – đào tạo phải tích cực triển khai phương án “đặt hàng” đối với đào tạo sư phạm, tạo cơ chế đảm bảo đầu ra cho người học.

“Bộ phải rất tích cực với việc này. Việc đào tạo theo cơ chế đặt hàng đã nói nhiều năm nay, nhưng mấy năm rồi chưa có hợp đồng nào cả. Bộ cần làm việc lại với một số trường sư phạm có chất lượng bàn và thực hiện. Với cơ chế này, tin tưởng mọi bất cập của điểm chuẩn đầu vào sẽ tự nhiên được giải quyết”, ông Đam nói.

 

Chưa đánh giá sát nhu cầu nhân lực sư phạm

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, tháng 4- 2016, chính ông đã ký phê duyệt đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025” với mục tiêu đến năm 2020 sẽ đào tạo bổ sung số giáo viên tăng thêm khoảng 60.000 người.

Tuy nhiên, thực tế tuyển sinh những năm qua cho thấy chỉ tiêu đào tạo sư phạm đã “vượt kế hoạch” này.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục – đào tạo, năm 2016, chỉ tiêu đào tạo sư phạm với trình độ đại học đã là hơn 36.000, chỉ tiêu đào tạo cao đẳng là hơn 18.000.

Sang năm 2017, chỉ tiêu sư phạm tương ứng lần lượt là hơn 22.000 với đại học và hơn 20.000 với bậc cao đẳng.

Theo Phó thủ tướng, giáo viên là yếu tố quyết định đến sự phát triển của giáo dục. Do đó, cần phải nhìn thẳng vào thực trạng hiện tại để thấy rằng một bộ phận giáo viên có chất lượng rất tốt, nhưng vẫn còn một bộ phận chậm cập nhật, nên không đáp ứng yêu cầu nhất là khi đổi mới.

Trong đó, một lý do quan trọng dẫn đến thực trạng này chính là  chất lượng đào tạo sư phạm trong hệ thống, nhất là các trường ở địa phương. Trong khi thực tế việc phân bổ giáo viên lại có tính địa phương rất rõ. Giáo viên được đào tạo ở địa phương nào thường ra trường sẽ giảng dạy ở địa phương đó.

​Siết chặt chỉ tiêu, đặt hàng đào tạo sư phạm
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục – đào tạo phải tích cực triển khai phương án “đặt hàng” đối với đào tạo sư phạm, tạo cơ chế đảm bảo đầu ra cho người học – Ảnh: Đ.N

Vì vậy, nếu không quan tâm, khắc phục kịp thời chất lượng đào tạo sư phạm ở các trường địa phương sẽ làm ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng giáo dục ở nơi đó. Ngoài ra, việc xin việc với sinh viên tốt nghiệp sư phạm còn gặp nhiều khó khăn khiến người học không mặn mà.

“Đầu ra đảm bảo có yếu tố quyết định. Chúng ta có thiếu sót là chưa đánh giá thật sát nhu cầu nhân lực của ngành sư phạm, nên có hiện tượng thừa thiếu cục bộ, thừa giáo viên môn này, thiếu giáo viên môn kia, thừa giáo viên ở tỉnh này,thiếu giáo viên ở tỉnh kia, thừa giáo viên ở bậc học này, thiếu giáo viên ở bậc học kia…

Không thể nói đào tạo tốt, dạy tốt mà  thiếu giáo viên. Không thể bắt giáo viên văn sang dạy toán, cũng không thể bắt không đào tạo gì mà giáo viên từ chỗ dạy bậc học trên xuống dạy bậc học dưới. Bộ cần đánh giá nhu cầu cụ thể, không chỉ tổng biên chế, mà biên chế từng cấp, từng môn, từng nơi…”, Phó thủ tướng nhắn nhủ đến lãnh đạo Bộ Giáo dục – đào tạo.

Trường quá yếu có thể phải giải tán

Tiếp thu ý kiến của Phó thủ tướng, bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo Phùng Xuân Nhạ cam kết ngành giáo dục sẽ quyết liệt hơn trong việc đánh giá nhu cầu thực tế của giáo viên đến từng môn học, bám sát vào yêu cầu chương trình và tính đến việc đổi mới giáo dục phổ thông. Bộ sẽ xác định rõ cần bao nhiêu chỉ tiêu đào tạo mới và chỉ đào tạo số thiếu và quản lý rất chặt chỉ tiêu này trên toàn quốc.

Từ thừa, thiếu cục bộ, Bộ Giáo dục – đào tạo sẽ chỉ đạo các trường đại học sư phạm phối hợp với các trường cao đẳng địa phương có chương trình bồi dưỡng theo hướng cố gắng  sử dụng cán bộ trong biên chế nhưng thừa cục bộ để chuyển đổi.

​Siết chặt chỉ tiêu, đặt hàng đào tạo sư phạm
Bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo Phùng Xuân Nhạ cam kết ngành giáo dục sẽ quyết liệt hơn trong việc đánh giá nhu cầu thực tế của giáo viên đến từng môn học – ẢNH: Ngọc Hà

Về quy hoạch mạng lưới, ông Nhạ đề xuất các trường đại học địa phương và trường cao đẳng sẽ tập trung đào tạo lại giáo viên hiện có trên cơ sở chuẩn và đạt chuẩn theo chương trình của các trường sư phạm lớn đã thống nhất và được Bộ Giáo dục – đào tạo phê duyệt.

Còn các trường đại học sư phạm cũng sẽ phải cắt giảm mạnh chỉ tiêu, tập trung nguồn lực xây dựng chương trình sách giáo khoa, biên soạn các chương trình bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn.

Ngoài ra, với sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm, nhưng ra trường không làm đúng nghề, không có việc làm… sẽ được tạo điều kiện học bổ sung các tín chỉ để được cấp bằng cử nhân mới, gia nhập thị trường lao động ở những ngành đang có nhu cầu nhân lực cao như công nghệ thông tin, du lịch…

Đặc biệt, ông Nhạ cũng khẳng định để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm trong toàn hệ thống, những trường yếu quá sẽ phải chấp nhận phương án sáp nhập hoặc làm vệ tinh, trở thành trung tâm đào tạo cho các trường mạnh, hoặc thậm chí có thể phải giải tán trường.

N.HÀ