10/01/2025

Trung Quốc cấp tập vung tiền mua thế giới

Những năm gần đây, các tập đoàn Trung Quốc đã đổ hàng trăm tỉ USD để mua lại các công ty ở các quốc gia nằm trong sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI).

 

Trung Quốc cấp tập vung tiền mua thế giới

Những năm gần đây, các tập đoàn Trung Quốc đã đổ hàng trăm tỉ USD để mua lại các công ty ở các quốc gia nằm trong sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI).

 

 

 

Trung Quốc cấp tập vung tiền mua thế giới
HNA Group, tập đoàn mới nổi đến từ Trung Quốc, đang đi đầu trong các thương vụ M&A ở nước ngoài –  Ảnh: Reuters

“Người Trung Quốc đang nghĩ tới cách tiếp cận đường dài khi đầu tư vào các nước trong BRI. Tất nhiên, các thương vụ sáp nhập như vậy đều được định hình bởi những quyết sách từ Chính phủ Trung Quốc

Luật sư thương mại HILARY LAU

Trong khi chính sách kiểm soát chặt dòng tiền chảy ra nước ngoài của Bắc Kinh tiếp tục có hiệu lực, giá trị các thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) của các tập đoàn Trung Quốc lại liên tục tăng tại 68 quốc gia nằm trong BRI.

Cụ thể tính đến ngày 15-8, các doanh nghiệp Trung Quốc đã bỏ ra 33 tỉ USD cho 109 thương vụ M&A tại các nước nói trên. Con số này cao hơn hẳn mức 31 tỉ USD của toàn năm 2016.

Giá trị đầu tư của Trung Quốc vào các nước BRI trong 7 tháng của năm 2017 đứng ở mức 7,65 tỉ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, theo Tân Hoa xã.

Hai xu hướng trái ngược

 

 

Sự tăng trưởng và đà đi lên của các doanh nghiệp Trung Quốc tại các nước BRI đang đi ngược lại bức tranh toàn cảnh.

Cuối năm 2016, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt nguồn vốn chảy ra nước ngoài.

Theo dữ liệu chính thức của Chính phủ Trung Quốc, năm 2016 các doanh nghiệp nước này đã bỏ ra số tiền kỷ lục 220 tỉ USD để thâu tóm nhiều thứ ở nước ngoài, từ một xưởng phim đến cả một câu lạc bộ bóng đá của châu Âu.

Sự phát tán vốn khổng lồ như vậy ra nước ngoài được cho là nguyên nhân góp phần làm phá giá đồng nhân dân tệ, vốn gặp áp lực từ nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại trong nước.

Trước thực tế trên, chính quyền Bắc Kinh đã ngay lập tức thay đổi chính sách, siết chặt các dự án đầu tư ra nước ngoài, cảnh báo tình trạng “đầu tư mù quáng, phi lý”.

Ngay sau khi nó được triển khai, nhiều thương vụ M&A do doanh nghiệp Trung Quốc chủ xướng trên thế giới đã đổ vỡ hoặc bị tạm hoãn vô thời hạn.

Hệ quả là giá trị đầu tư, bao gồm cả hoạt động M&A của các doanh nghiệp Trung Quốc, trên toàn cầu trong 7 tháng của năm 2017 đã sụt giảm gần 42% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Reuters.

Tuy nhiên, tại 68 nước nằm trong BRI, tình hình lại khác. Các hoạt động M&A do doanh nghiệp Trung Quốc khởi xướng diễn ra tấp nập. Dòng tiền từ Trung Quốc liên tục chảy vào các nước này.

Ưu ái

Được nhắc đến lần đầu tiên năm 2013, BRI được xem là cách để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy “Giấc mơ Trung Hoa”.

Trong Thượng đỉnh BRI được tổ chức tại Bắc Kinh hồi tháng 5-2017, ông Tập đã tuyên bố sẽ dành 124 tỉ USD cho tham vọng nói trên.

Chính quyền Bắc Kinh cũng đã tích cực quảng bá BRI với lời cam kết sẽ tăng đầu tư, tạo ra thêm nhiều việc làm tại những nước tham gia BRI.

Việc các doanh nghiệp Trung Quốc được ưu ái khi làm ăn tại BRI, do vậy, cũng chẳng có gì là lạ, kể cả khi chính sách chung của Bắc Kinh đang là hạn chế nguồn vốn ra nước ngoài.

Các doanh nghiệp chuyển tiền sang các nước BRI sẽ được xem xét ở một kênh riêng, được tạo điều kiện thuận lợi hơn những doanh nghiệp đầu tư sang các nước ngoài BRI.

“Nếu anh có ý định đầu tư vào một nước thuộc BRI, đó sẽ là câu đầu tiên được chú ý trong hồ sơ anh nộp lên để xét duyệt” – Reuters dẫn lời một cố vấn đầu tư cấp cao giấu tên của một công ty Trung Quốc.

Hồi cuối tháng 7, Tập đoàn China Merchants Ports Holdings của Trung Quốc đã bỏ ra 1,12 tỉ USD đổi lấy 70% cổ phần tại cảng nước sâu Hambantota của Sri Lanka, một quốc gia tham gia BRI.

Trước đó, Global Logistics Properties, một tập đoàn có trụ sở tại Singapore, đã đồng ý sáp nhập với một liên doanh đến từ Trung Quốc với giá 11,6 tỉ USD. Đây được xem là thương vụ M&A lớn nhất của Trung Quốc tại một nước BRI.

HNA Group, tập đoàn của Trung Quốc chuyên thâu tóm các công ty và tài sản toàn cầu, sau hai thương vụ bất thành vì chính sách hạn chế vốn đã bắt đầu chuyển ưu tiên sang các nước nằm trong BRI như Philippines, Singapore, Malaysia…

Trao đổi với Bloomberg, giới chuyên môn dự đoán chính sách hạn chế và kiểm soát nguồn vốn ra nước ngoài của Trung Quốc có thể sẽ được duy trì ít nhất thêm 12 tháng.

Tín hiệu tích cực từ đồng nhân dân tệ và việc Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 có thể “cởi trói” một phần cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chính sách trên.

DUY LINH