20/01/2025

Sốc vì thuế đất tăng: Nhà hẻm tăng nhiều hơn mặt tiền

Đất trong hẻm, thậm chí là hẻm sâu, “hẻm của hẻm của hẻm” bị thiệt thòi trong cách tính thuế mới vì bị gom chung vào khiến cho bị tính thuế cao hơn nhà mặt tiền.

 

Sốc vì thuế đất tăng: Nhà hẻm tăng nhiều hơn mặt tiền

Đất trong hẻm, thậm chí là hẻm sâu, “hẻm của hẻm của hẻm” bị thiệt thòi trong cách tính thuế mới vì bị gom chung vào khiến cho bị tính thuế cao hơn nhà mặt tiền. 

 

 

 

 

Sốc vì thuế đất tăng: Nhà hẻm tăng nhiều hơn mặt tiền
Ông Nguyễn Văn Búp (nhà ở hẻm trên đường Điện Biên Phủ, P.15, Bình Thạnh) cho biết bị tăng thuế từ 105.000 đồng lên 387.000 đồng nhưng không được thông báo trước – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khá nhiều bạn đọc cho biết sau bài báo “Người dân sốc vì thuế đất tăng” họ bị rơi vào tình trạng tương tự và thậm chí nhà trong hẻm bị tăng thuế nhiều hơn nhà mặt tiền theo cách tính mới.

Theo các chuyên gia, thay vì áp dụng bảng giá các loại đất, hẻm như trước đây, quy định mới (công văn 3100) chỉ còn xác định vị trí, chưa kể còn tăng hệ số vị trí lên cao hơn, dẫn đến trường hợp người có nhà trong các hẻm sâu, sẽ bị thiệt thòi vì bị gom chung vào mức tính cao hơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM – cho rằng ngoài việc bảng giá đất tăng, cách tính mới cũng khiến các hộ trong hẻm bị thiệt thòi, số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tăng nhiều hơn các nhà tại mặt tiền.

“Lý do là các nhà ở mặt tiền chỉ bị điều chỉnh bởi bảng giá đất mà không bị điều chỉnh bởi hệ số vị trí theo cách tính mới”, ông Châu phân tích.

 

Ngoài ra, theo ông Châu, các địa phương căn cứ vào khung giá đất do Chính phủ ban hành để ban hành bảng giá đất nhưng tối thiểu phải bằng giá đất tối thiểu của khung.

Do đó, những nhà nằm sâu trong hẻm cũng phải điều chỉnh giá đất tăng lên bằng mức tối thiểu của khung giá đất, gây thiệt thòi cho người có nhà trong hẻm.

Sau khi tiền sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2017 tăng vọt sau chu kỳ ổn định 5 năm (2012-2016), nhiều người đã đặt câu hỏi liệu nên duy trì ổn định và 5 năm điều chỉnh một lần hay điều chỉnh hằng năm?

Theo luật sư Trần Xoa – giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, phương thức nào cũng có điểm lợi và bất lợi. Nếu điều chỉnh từng năm, mức tăng sẽ không cao nhưng năm nào cũng tăng.

Ngược lại, nếu 5 năm mới tăng một lần, mức tăng sẽ rất lớn nhưng sau đó lại ổn định.

“Trừ việc gây sốc, việc điều chỉnh theo phương thức 5 năm 1 lần có lợi hơn cho người dân. Tuy nhiên vấn đề là trước khi điều chỉnh cần phải thông báo trước cho người dân biết để tránh bất ngờ. Việc giải thích cũng phải làm như thế nào để dễ hiểu”, ông Xoa nói.

Đại diện Chi cục Thuế quận 6 cho rằng theo quy trình, cơ quan thuế phải in ra bộ thuế trong 5 năm đầu của từng hộ, sau đó gửi về phường để rà soát đối chiếu tên tuổi, vị trí, sở hữu rồi mới chuyển trở lại cho chi cục thuế để tính ra mức thuế mới.

Do số lượng hộ dân quá lớn nên chỉ riêng quá trình đối chiếu mất đến 2 tháng, nên rất khó để điều chỉnh theo từng năm.

“Vấn đề là mỗi kỳ điều chỉnh sau 5 năm ổn định cần có sự rà soát để việc điều chỉnh được chính xác và sát với thực tế nhằm tránh gây thiệt hại cũng như bức xúc cho người dân, đặc biệt những người có mức thu nhập thấp, nhà trong hẻm” – ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên trưởng phòng thuế thu nhập cá nhân Cục Thuế TP.HCM, kiến nghị.

Nhiều đối tượng bị ảnh hưởng

Theo ông Nguyễn Văn Dũng – chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Phú Nhuận, trừ các đơn vị không phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, các hộ dân có nhà riêng lẻ hay tổ chức kinh tế, tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, doanh nghiệp có văn phòng, nhà xưởng… đều chịu ảnh hưởng của đợt điều chỉnh này.

Với các dự án chung cư, nếu xây lên rồi nhưng chưa ra sổ cho người dân, trách nhiệm nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thuộc về chủ đầu tư. Trường hợp đã ra sổ, người dân sẽ phải nộp.

“Tuy nhiên thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chỉ mới tính trên đất chứ chưa tính trên nhà, nên với hai miếng đất cùng diện tích và cạnh nhau, nhưng một bên là nhà 10 tầng 1 bên là nhà cấp 4 vẫn nộp thuế như nhau”, ông Dũng cho biết.

ÁNH HỒNG