30/11/2024

Biến tướng cuộc gọi ‘rác’

Sau tin nhắn rác, cuộc gọi rác, mail rác, gần đây đã xuất hiện các cuộc gọi di động với nội dung quảng cáo được cài đặt sẵn ngày đêm tra tấn khách hàng.

 

Biến tướng cuộc gọi ‘rác’

Sau tin nhắn rác, cuộc gọi rác, mail rác, gần đây đã xuất hiện các cuộc gọi di động với nội dung quảng cáo được cài đặt sẵn ngày đêm tra tấn khách hàng.




Cuộc gọi rác tự động, tin nhắn rác bủa vây người dùng di độngẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Chưa đi đã… lộ
Khá bức xúc, chị Hoa ngụ tại TP.HCM cho biết đầu tháng 8, ngay sau khi chị đặt vé máy bay đi du lịch ở phía bắc cùng gia đình thì nhận được hàng loạt tin nhắn chào mời dịch vụ xe taxi đưa đón từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội. Không những thế, trong những ngày ở Hà Nội, chị Hoa liên tiếp nhận được các cuộc gọi tiếp tục chào mời về dịch vụ này. Đặc biệt, có ngày chị nhận đến 2 – 3 cuộc gọi từ các số điện thoại di động khác nhau như 09271…, 09210…, 09239… mà khi bấm nghe thì nội dung đã được cài đặt tự động như “Chào chị, chúng tôi gọi đến từ công ty… Chúng tôi đang có dịch vụ xe taxi từ sân bay Nội Bài về Hà Nội chỉ có 220.000 đồng…”.
Chị Hoa kể: Từ trước đến nay cũng hay bị các cuộc gọi rác chào mời quảng cáo về dịch vụ nhà đất, bảo hiểm nhưng đều do nhân viên tư vấn trực tiếp gọi nói chuyện. Còn nay thì nội dung đã được ghi âm sẵn. Đáng nói là lịch trình của chị, họ đều nắm rất sát để mời chào. Tương tự, nhiều khách hàng tại TP.HCM cũng cho biết từng là nạn nhân của các cuộc gọi rác tương tự với nhiều nội dung khác nhau. Từ cuộc gọi quảng cáo dịch vụ nhà đất đến mời chào mua sách ủng hộ.
Đặc biệt, chị Mai (ngụ Q.4, TP.HCM) còn phản ánh gần đây, ngoài việc bị các cuộc gọi tự động qua số di động, mới đây nhất chị còn nhận được cuộc gọi về số điện thoại cố định ở nhà với nội dung ghi tự động đầy tính hăm dọa như thông báo số điện thoại này đang nợ cước gần 9 triệu đồng, yêu cầu thanh toán ngay nếu không sẽ bị cắt số. Chị Mai còn mở điện thoại để cho xem hàng loạt tin nhắn rác từ các đầu số 1352, 1547, 9899, 9343, 9422, 9088, 9234, 9420, 9022, “căn hộ giá rẻ”… chỉ trong vòng 2 tuần qua mà chị đã nhận được. “Tôi thấy các nhà mạng bảo triển khai chặn tin nhắn rác nhưng tôi vẫn nhận loại này thường xuyên. Tin nhắn rác các loại từ những số điện thoại vô danh, đến tin nhắn mang tên các công ty, doanh nghiệp vẫn đều đều gửi đến điện thoại hằng ngày. Vậy mà giờ còn thêm các cuộc gọi quảng cáo tự động nữa thì không biết sao khách hàng chịu nổi”, chị Mai chia sẻ.
 

Đa số các cuộc gọi tự động đều xuất phát từ các số di động 10 số của các nhà mạng nên đây không phải là “sim rác”. Một chuyên gia lý giải sau một thời gian bị khách hàng phản ứng với các cuộc gọi rác nên các công ty đã chuyển sang hình thức cài đặt cuộc gọi tự động.
Biến tướng cuộc gọi 'rác' - ảnh 1

Mấu chốt vẫn là nhà mạng
Cuộc gọi rác hay tin nhắn rác đã được phản ánh nhiều lần và cơ quan quản lý nhà nước cũng đã đưa ra quyết tâm giải quyết vấn nạn này nhưng nhiều khách hàng cho biết tin nhắn rác vẫn tràn ngập điện thoại. Thậm chí các đầu số dịch vụ và ngay cả quảng cáo từ nhà mạng di động vẫn không hề giảm. Thực tế này được ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, xác nhận bằng chính số lượng tin nhắn rác mà ông nhận hằng ngày. Nó chỉ chuyển từ hình thức nhắn từ sim rác sang các đầu số dịch vụ. Đáng nói là các cuộc gọi quảng cáo tự động đang phát triển mạnh. Thậm chí có ngày bản thân ông nghe không ít hơn 10 cuộc gọi quảng cáo, trong đó có khoảng 4 – 5 cuộc gọi được cài nội dung tự động.
“Toàn là số điện thoại di động bình thường nên mình phải nghe và khó có phần mềm nào lọc được hết. Vì hôm nay chặn số này thì ngày mai sẽ có số khác gọi lại. Tôi còn nghĩ rằng chắc các công ty đã thay đổi phương thức tiếp thị, thay vì mua sim rác như trước thì nay cứ cho nhân viên sử dụng sim chính chủ, đến cuối tháng công ty thanh toán cước điện thoại là xong”, ông Thắng nhận định.
Ông Võ Đỗ Thắng kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước ngoài việc yêu cầu nghiêm khắc các nhà mạng thực hiện những giải pháp ngăn chặn tin nhắn và cuộc gọi rác còn phải đưa ra hình thức chế tài nặng đối với các công ty liên tục gọi điện quảng cáo quấy nhiễu khách hàng. Đồng quan điểm, ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc Công ty bảo mật Nam Trường Sơn, cho rằng vấn nạn này có thể giải quyết được một khi các nhà mạng cùng đồng loạt thực hiện. Bởi về kỹ thuật, để thực hiện ngăn chặn cuộc gọi rác hay tin nhắn rác thì không quá khó. Ví dụ như khóa số, thậm chí lọc đến cả chứng minh nhân dân của người đăng ký các số di động đã vi phạm nhiều lần thì không được phép đăng ký hoặc phải sau một thời gian mới cho đăng ký số mới…
Đồng thời xem xét bổ sung các quy định pháp lý về hình thức xử phạt nặng cả tổ chức lẫn cá nhân thực hiện hành vi quảng cáo tràn lan qua di động. Ngoài ra, các nhà mạng cần phải lập tổng đài miễn phí để tiếp nhận phản ánh của người dùng điện thoại về tin nhắn rác, cuộc gọi rác đang làm phiền.
“Tôi nghĩ rằng nếu các nhà mạng tổ chức các tổng đài tiếp nhận miễn phí và xử lý nhanh gọn thì khách hàng mới phản ánh được các đầu số tin nhắn hay cuộc gọi rác. Cần cả sự quyết liệt của nhà mạng và cơ quan quản lý mới hy vọng vấn nạn này suy giảm”, ông Ngô Trần Vũ nhấn mạnh.
Hiện tại, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính VN (VNCERT) được giao quản lý đầu số 456, là nơi theo dõi, tiếp nhận, thống kê các tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo do người dân gửi đến. Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó giám đốc VNCERT, hiện tại đơn vị quản lý đầu số này chỉ tiếp nhận về tin nhắn rác. Đối với các cuộc gọi rác, đặc biệt là cuộc gọi rác biến tướng như trên thì không thuộc quản lý của VNCERT.

 

Mai Phương