Tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Tổng công ty đường sắt VN hôm qua (14.8), nhiều ý kiến cho rằng ngành đường sắt phải để các doanh nghiệp tư nhân tham gia để cạnh tranh, đổi mới.
Tư nhân vẫn không ‘mặn’ đầu tư vào đường sắt
Tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Tổng công ty đường sắt VN hôm qua (14.8), nhiều ý kiến cho rằng ngành đường sắt phải để các doanh nghiệp tư nhân tham gia để cạnh tranh, đổi mới.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất được Thủ tướng thông qua Tổ công tác truyền đạt tới Tổng công ty đường sắt (VNR) là phải nâng thị phần, tăng sức cạnh tranh của vận tải đường sắt. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong thời điểm này, sức cạnh tranh của đường sắt kém hơn trước rất nhiều, từ giá cước, chất lượng dịch vụ, an toàn, hiệu quả. Thị phần của đường sắt đang giảm dần qua các năm. Năm 2016 giảm đến 12% so với năm 2015 là ví dụ. Thủ tướng yêu cầu ngành cần đặt vấn đề hiệu quả sản xuất, phải suy nghĩ để có sức cạnh tranh, tăng thị phần.
Phá thế độc quyền
Một vấn đề cũng được Tổ công tác lưu ý VNR là câu chuyện an ninh an toàn của ngành đường sắt. Theo ông Dũng, tại phiên họp Chính phủ tháng 3 vừa qua, từ kiến nghị của Tổ công tác, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT khẩn trương rà soát các đường ngang, lối đi dân sinh để kịp thời xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn, tổ chức cảnh báo, cảnh giới kịp thời và Bộ GTVT cần sớm báo cáo lại kết quả.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – kiêm Phó ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp (DN), nhận xét sở dĩ ngành đường sắt chậm đổi mới là do không có cạnh tranh ngay trong nội bộ ngành, mà mới chỉ cạnh tranh với đường bộ, hàng không. “Ví dụ, tuyến TP.HCM đi Mũi Né, làm gì có hàng không, đường bộ thì tắc nên DN phải xem lại mình”, ông Hà phân tích và cho rằng phải cổ phần hoá thật sự, kêu gọi tư nhân vào tham gia trong nhiều mảng để phá thế độc quyền.
Đồng tình quan điểm này, ông Mai Tiến Dũng bổ sung: “Kêu gọi tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ đường sắt là cách ngắn nhất để xóa bỏ tư duy độc quyền, bao cấp lâu nay, qua đó tăng tính cạnh tranh từ trong nội bộ ngành”.
Tổng giám đốc VNR Vũ Tá Tùng cho biết từ hơn 1 năm qua, nhiều DN tư nhân cả trong và ngoài nước đã tiếp xúc, khảo sát đề nghị đầu tư song chưa có kết quả. Các DN ngoại rất muốn đầu tư vào các ga trung tâm như ga Hà Nội, ga Sài Gòn, hay các ga hàng hoá và đóng tàu như ga Dĩ An hay ga Gia Lâm nhưng với điều kiện là để họ nắm cổ phần chi phối. Còn một khi nhà nước vẫn nắm thì họ không mặn mà.
Chặn đà sụt giảm
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR, lý giải sở dĩ 3 năm qua sản lượng vận tải đường sắt sụt giảm là do sau thời gian thực hiện giám sát tải trọng của ngành giao thông, hàng hoá lại chạy sang đường bộ trở lại. Trước đó, năm 2014 sản lượng tăng đáng kể vì khi giám sát tải trọng thì hàng hóa đường bộ chuyển qua đường sắt nhưng sau đó khi hoạt động này giãn ra dẫn đến tình trạng sụt giảm mạnh. Sự cố cầu Ghềnh bị đâm sập khiến hệ thống đường sắt quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong 3 tháng cũng khiến kết quả kinh doanh năm 2016 của VNR sụt giảm. Dù vậy, ông Minh cho biết đến giữa năm 2017, đà sụt giảm 3 năm liên tiếp đã được chặn lại.
“Dù chưa thật bền vững nhưng nó cho thấy mọi việc đang đi đúng hướng. Đó là việc VNR hợp tác với Tổng công ty Tân Cảng để vận chuyển container; thỏa thuận với các DN lớn như xăng dầu, xi măng để xúc tiến ký kết các hợp đồng… Tương tự, trong năm nay, DN cũng sẽ đưa vào vận hành các đoàn tàu có kho lạnh chạy từ ga Sóng Thần ra ga Yên Viên để phục vụ nhu cầu hàng hóa chuyên biệt”, ông Minh thông tin.