29/11/2024

Nhà hát hay hạ tầng?

Đó là câu hỏi mà các chuyên gia kinh tế, các nhà quy hoạch và rất nhiều người đặt ra trước thông tin Hà Nội chuẩn bị xây dựng Nhà hát Hoa Sen (Q.Cầu Giấy)…

 

Nhà hát hay hạ tầng?

Đó là câu hỏi mà các chuyên gia kinh tế, các nhà quy hoạch và rất nhiều người đặt ra trước thông tin Hà Nội chuẩn bị xây dựng Nhà hát Hoa Sen (Q.Cầu Giấy)…




Hạ tầng giao thông Hà Nội đang quá tải  /// Ảnh: Ngọc Thắng

Hạ tầng giao thông Hà Nội đang quá tảiẢNH: NGỌC THẮNG

Đó là câu hỏi mà các chuyên gia kinh tế, các nhà quy hoạch và rất nhiều người đặt ra trước thông tin Hà Nội chuẩn bị xây dựng Nhà hát Hoa Sen (Q.Cầu Giấy) – “nhà hát lớn và hiện đại nhất thủ đô” trong bối cảnh vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, đô thị đang thiếu trầm trọng.
Sự phân bổ bất hợp lý này đang khiến nguồn lực vốn hạn hẹp của các địa phương nói riêng và đất nước càng trở nên khan hiếm với các công trình cấp bách.
Nhà hát hay hạ tầng? - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Công trình Việt lạm dụng biểu tượng

Không ít công trình kiến trúc đã thực hiện hay đang nằm trên bản vẽ đều mang một biểu tượng nào đó khiến không ít người cho rằng công trình Việt đang lạm dụng biểu tượng.

Nhà hát ế khách vẫn kêu gọi đầu tư

Theo thông tin được giới thiệu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư mới đây thì dự án Nhà hát Hoa Sen có sức chứa 2.000 chỗ ngồi bên trong, khu vực xung quanh nhà hát phải bảo đảm cho khoảng 25.000 người có thể vào vui chơi hằng ngày. Công trình được xây dựng trên diện tích khoảng 4 ha, cao 54 m gồm 6 tầng và được thiết kế như 5 hoa sen nổi trên mặt nước. Trong nhà hát có văn phòng, sân trượt băng, khu vui chơi giải trí… Dự án được xác định là kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa và theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm sau. 



Nhà hát hay hạ tầng? - ảnh 2
Nếu có một chiến dịch xúc tiến đầu tư mời gọi vốn tư nhân vào phát triển thủ đô, nên ưu tiên những dự án phát triển hạ tầng như chống ngập, mở đường, đường sắt… thay vì tiếp tục mời gọi làm nhà hát này đến sân đua ngựa khác
Nhà hát hay hạ tầng? - ảnh 3

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh


Theo đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, hiện Hà Nội có những nhà hát lớn như: Nhà hát Lớn, Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Nhà hát Chèo, Nhà hát Kịch nói, Nhà hát Âu Cơ… mà theo phản ánh của giới làm văn hóa tại thủ đô, ngoài Nhà hát Lớn và Trung tâm hội nghị quốc gia, còn lại thi thoảng mới “sáng đèn”.
Đầu năm nay, Nhà hát Đan Phượng (H.Đan Phượng, Hà Nội) đầu tư gần 120 tỉ đồng, sau nhiều năm ngưng dự án vì thiếu vốn, nay được đưa vào sử dụng nhưng hoạt động chưa hết công suất. Riêng với rạp chiếu phim, rất nhiều rạp có tên tuổi cũng được cho thuê mở cửa hàng điện tử, bán cà phê, tổ chức tiệc cưới như Kinh Đô, Long Biên…
“Đang có nhiều nhà hát tắt đèn quanh năm suốt tháng, tại sao lại tiếp tục đầu tư mới nữa? Điều dễ thấy nhất là địa phương nào cũng xây những trung tâm hội nghị nhưng vắng hoe người thuê, vô cùng lãng phí”, ông Lịch nhận xét.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng đầu tư một nhà hát hàng trăm tỉ đồng lúc này là điều chưa cần thiết. “Trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội của đất nước nói chung và riêng tại Hà Nội đang đối diện với những tình trạng kẹt xe, giao thông, quá tải bệnh viện, ngập tại các khu đô thị mới… nếu có một chiến dịch xúc tiến đầu tư mời gọi vốn tư nhân vào phát triển thủ đô, nên ưu tiên những dự án phát triển hạ tầng như chống ngập, mở đường, đường sắt… thay vì tiếp tục mời gọi làm nhà hát này đến sân đua ngựa khác. Theo tôi, nhà hát hiện đại lúc này chưa phải là ưu tiên cao nhất”, ông Doanh nói.
Hạ tầng “khát” vốn
Đáng nói là trong bối cảnh nở rộ nhà hát và các khu giải trí thì vốn cho hạ tầng của Hà Nội đang thiếu trầm trọng. Theo quy hoạch đến năm 2030, Hà Nội phải hoàn thành 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng mức đầu tư khoảng 20 tỉ USD, 8 tuyến xe buýt nhanh BRT, 3 tuyến tàu điện một ray (mono rail) và mạng lưới xe buýt thường bao phủ khắp TP. Ngoài ra, Hà Nội cần vốn phát triển không gian ngầm, hạ tầng cho đô thị như công viên cây xanh, điểm đỗ xe ngầm, nước sạch… với số vốn hàng chục tỉ USD.

Tổng vốn ngân sách đầu tư cho Hà Nội một năm khoảng 30.000 tỉ đồng, trong khi chỉ một đoạn ngắn đường vành đai 1 Hoàng Cầu – Voi Phục đã hết 7.800 tỉ đồng. Phần vốn còn lại phải “co kéo” cho hàng loạt nhu cầu chi đầu tư khác của TP mỗi năm. Hàng loạt dự án trọng điểm về hạ tầng như vành đai 2, vành đai 3, vành đai 3,5; 4 và 5, các tuyến đường xuyên tâm, cầu vượt nội đô… đều cần triển khai gấp để giải quyết bài toán quá tải, nhưng đều rơi vào tình trạng thiếu vốn.
Nhà hát hay hạ tầng? - ảnh 4

Mô hình Nhà hát Hoa Sen dự kiến xây tại Hà Nội

Thực tế, các dự án lớn trên địa bàn TP hiện tại đều trông chờ vào nguồn vốn ODA và vốn vay. Thiếu vốn khiến nhiều dự án dù được quy hoạch cả chục năm trước cũng không thể triển khai, khiến tổng mức đầu tư tăng cao. Đơn cử như dự án vành đai 1 Hoàng Cầu – Voi Phục do nguồn vốn khó khăn khiến TP không thể phê duyệt toàn bộ dự án, mà phải phân kỳ từng phần các phân đoạn như hầm Kim Liên, Ô Đông Mác, Hoàng Cầu – Voi Phục. Kết quả, tới khi triển khai, mức vốn đầu tư cao chót vót do chi phí giải phóng mặt bằng tăng mạnh, như dự án Hoàng Cầu – Voi Phục chỉ có chiều dài 2,2 km, nhưng tổng mức đầu tư dự kiến gần 7.800 tỉ đồng, trong đó riêng vốn cho giải phóng mặt bằng đã hơn 6.400 tỉ đồng.
Nhà hát hay hạ tầng? - ảnh 5

TIN LIÊN QUAN

Metro chậm vì… tiền

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, tiến độ thi công tuyến metro số 1 có tác động rất lớn không chỉ đến vấn đề giao thông, hạ tầng mà về cả sự phát triển kinh tế của TP.HCM. 

Lãnh đạo TP.Hà Nội cho rằng TP đã nhìn thấy trước “thảm họa” khi thiếu tiền đầu tư, khi sức ép của di dân tự do làm gia tăng dân số là rất lớn (dân số tăng trung bình 200.000 người/năm), tốc độ gia tăng phương tiện từ 11 – 17%, trong khi đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ tăng trung bình hơn 4%. Để giải quyết bài toán vốn bức bách, tại hội nghị đầu tư mới đây, Hà Nội đã đưa ra danh mục hơn 100 dự án hạ tầng giao thông đô thị, công viên cây xanh, môi trường, bãi đỗ xe… với số vốn khổng lồ hơn 1 triệu tỉ đồng từ hình thức PPP và xã hội hoá.

Trước ý kiến cho rằng, dự án Nhà hát Hoa Sen không lấy từ ngân sách mà huy động từ nguồn vốn tư nhân nên không ảnh hưởng gì đến nguồn lực của Hà Nội, một chuyên gia kinh tế khẳng định, đây là quan điểm không ổn. Vốn đầu tư công hay vốn tư nhân đều là nguồn lực của đất nước. Nếu đổ vào chỗ này thì phải bớt chỗ kia. Với đặc thù hầu hết các doanh nghiệp vốn nhỏ, cộng với bối cảnh kinh tế khó khăn nhiều năm trở lại đây, chúng ta càng phải “chắt chiu”, phải hướng các nguồn lực này vào các công trình quốc kế, dân sinh.
Lãng phí nguồn lực
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, bình luận: “Chúng ta lại đang rơi vào bẫy “phú quý sinh lễ nghĩa”. Hiện các dự án phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế xã hội Hà Nội đang cần hơn rất nhiều so với các dự án phục vụ vui chơi giải trí khác. Tại sao không tập trung mời gọi tư nhân tham gia vào 80% vốn đầu tư làm hạ tầng đang cần? Hay là mời gọi vốn vào các dự án văn hóa dễ hơn chăng? Tôi không tin vậy. Đây là một sự lãng phí nguồn lực”.

 

Nguyên Nga – Mai Hà