12/01/2025

Nghị quyết trung ương 5: Xây dựng thương hiệu nông sản Việt

Nông nghiệp công nghệ cao mà không xây dựng được thương hiệu thì nông sản Việt mãi mãi vẫn chỉ mượn tên, xuất thô, lợi nhuận thấp.

 

Nghị quyết trung ương 5: Xây dựng thương hiệu nông sản Việt

 

Nông nghiệp công nghệ cao mà không xây dựng được thương hiệu thì nông sản Việt mãi mãi vẫn chỉ mượn tên, xuất thô, lợi nhuận thấp.




Thu hoạch thanh long xuất khẩuẢNH: GIA KHIÊM

Xuất thô, gia công
Từ gạo tới cá, tôm, cà phê, hồ tiêu, điều, thanh long… xuất khẩu nằm trong top đầu thế giới nhưng vẫn chưa có nổi một thương hiệu nông sản Việt mạnh để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại từ các nước khác.

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) mới đây thừa nhận 90% nông sản hiện vẫn xuất khẩu dưới dạng thô với giá thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Ðáng chú ý, có đến hơn 80% nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, buộc phải bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài.

Còn Cục Sở hữu công nghiệp (Bộ Khoa học – Công nghệ) cho biết, trong hơn 90.000 nhãn hiệu hàng hoá các loại được đăng ký bảo hộ tại VN thì mới có khoảng 15% là của doanh nghiệp (DN) trong nước.
Đơn cử như gạo, mỗi năm VN xuất khẩu ra thế giới 5 – 7 triệu tấn gạo nhưng người Việt ở nước ngoài không tìm ra gạo Việt để mua. Các DN nội hầu hết chỉ mới dừng lại ở việc sản xuất theo các hợp đồng gia công cho nhà nhập khẩu hoặc bán sản phẩm thô, sơ chế làm nguyên liệu trung gian.
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang, nhiều lần thở dài: “Ta đã bàn câu chuyện thương hiệu này từ khi xuất khẩu gạo có vài triệu tấn và đến nay vẫn còn bàn. Vấn đề thương hiệu ngày nay không chỉ là xuất khẩu mà quan trọng là thương hiệu trong lòng người tiêu dùng VN”.
Bộ NN-PTNT đang xúc tiến việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt, bắt đầu với hạt gạo. Theo các chuyên gia, thương hiệu đầu tiên phải xuất phát từ chất lượng (giống tốt, quy trình canh tác, chế biến được chứng nhận các tiêu chuẩn an toàn) và uy tín sản phẩm.
Sự khác biệt để tạo nên thương hiệu của một sản phẩm nông nghiệp còn phụ thuộc điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và chính vì vậy thương hiệu nông sản thường mang đậm tính địa phương. Điều này nhận thấy rất rõ ở Nhật và các nước có nhiều thương hiệu địa phương được phát triển lên tầm quốc gia và quốc tế – thương hiệu bò Kobe là một điển hình. Đây là cách mà VN có thể học tập.

Bắt đầu từ giống
Các chuyên gia cho rằng ngành nông nghiệp phải đổi mới từ tư duy. Đó là câu chuyện dẹp bỏ tự ái, tỉnh Sóc Trăng cử cán bộ sang Campuchia học… “trồng lúa”. Bài học đó chính là họ có giống tốt và quy trình sản xuất đạt chuẩn.

Thương hiệu được tạo ra từ việc ổn định chất lượng qua nhiều năm và được khẳng định tại các cuộc thi quốc tế. Theo TS Nguyễn Hữu Hoàng (Mỹ), một sản phẩm nông nghiệp hoàn chỉnh cần bắt đầu từ công việc của những người tạo giống.

Mỗi mục tiêu lai tạo thường mất từ vài năm đến vài chục năm để hoàn tất. Nó là công sức của rất nhiều người. Các chi phí nghiên cứu và triển khai ứng dụng được DN và nhà nước chi trả cho chuyên gia theo nhiều nguồn dự án khác nhau. “Dự án trái cây ôn đới tôi đang thực hiện được tài trợ bởi chính quyền bang California. Nguồn tiền lấy từ một quỹ nghiên cứu thu lại từ các nông trại trên khắp tiểu bang. Họ đóng góp lại tùy theo sản lượng mỗi nơi và cùng với nhà quản lý, các chủ trang trại lớn tài trợ cho nghiên cứu nào có ý nghĩa nhất đối với việc làm ăn của họ”, TS Nguyễn Hữu Hoàng nói.
Theo TS Hoàng, thương hiệu chỉ là sự kết hợp giữa nghề nông và nhiều chuyên ngành kinh tế khác. Nếu khối DN đủ lớn họ sẽ phải kéo chuyên gia marketing và branding (nhãn hiệu) vào cuộc cho sản phẩm của họ.
Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, cho rằng để thu hút DN tham gia phải rà soát lại các cơ chế chính sách. Cần nhất quán các chủ trương chính sách đảm bảo các hoạt động diễn ra đúng theo quy luật thị trường. Để tạo ra một thương hiệu, duy trì, bảo vệ, phát triển nó là việc của DN. Việc của nhà nước là tạo ra các cơ chế chính sách đủ hấp dẫn DN tham gia và để thương hiệu lớn mạnh. Cụ thể hơn, TS Vũ Trọng Khải (chuyên gia độc lập) đề xuất, cần đánh giá lại việc thực hiện
các chính sách hiện có, trước hết là Nghị định 210 ngày 19.12.2013 về ưu đãi DN đầu tư vào nông nghiệp. Xây dựng lại hệ thống chính sách đồng bộ, phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và với yêu cầu của việc xây dựng lại nền nông nghiệp theo tiêu chuẩn an toàn, phát triển bền vững, hiệu quả cao cả về kinh tế, xã hội và môi trường theo cơ chế thị trường.
 

 

Chí Nhân