12/01/2025

Môn toán sẽ tinh giản và thiết thực

GS Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên chương trình môn toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết mỗi đơn vị kiến thức được đưa vào dạy cho học sinh dứt khoát phải trả lời được câu hỏi “học để làm gì”.

 

Môn toán sẽ tinh giản và thiết thực

GS Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên chương trình môn toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết mỗi đơn vị kiến thức được đưa vào dạy cho học sinh dứt khoát phải trả lời được câu hỏi “học để làm gì”.




Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) trong giờ học toán	 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) trong giờ học toánẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Tại hội thảo “Toán học không xa cách” trong khuôn khổ “Ngày toán học mở” do Viện Cao cấp về toán tổ chức hôm qua (13.8), GS Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên chương trình môn toán mới, đã đưa ra hình dung ban đầu về môn học này trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Học toán để có “cần câu cơm”
 

GS Thái cho biết tinh giản, thiết thực, hiện đại và sáng tạo là triết lý trong xây dựng chương trình môn toán mới. Một đơn vị kiến thức được đưa vào thì dứt khoát phải trả lời được câu hỏi “để làm gì?”. Nếu bỏ nó ra thì có ảnh hưởng gì không, nếu không ảnh hưởng thì dứt khoát nên bỏ.
Theo ông Thái, cần thay đổi cách tiếp cận trong toán học, hiện nay chúng ta dạy toán cho học sinh (HS) là loại toán học đã được hình thức hoá, trong khi đó, cuộc đời đơn giản hơn rất nhiều. Vậy, cái tinh giản và thiết thực không phải khó quá thì bỏ đi không dạy nữa mà nằm ở chỗ phải biết rõ đơn vị kiến thức đó có vai trò gì trên con đường đi đến cái đích mà chúng ta muốn. Thay đổi từ tiếp cận nội dung, quan tâm nhiều đến chuyện được học những đơn vị kiến thức nào, giải được bao nhiêu bài tập, đi thi được bao nhiêu điểm… sang một cách tiếp cận sáng tạo, đó là khả năng giải quyết, nhìn thấy, hình dung và giải quyết được vấn đề.
GS Thái cũng chỉ ra rằng, chương trình hiện nay đang có xu hướng dồn từ lớp trên xuống lớp dưới, trong khi lẽ ra phải làm ngược lại. Có những bài toán chúng ta dạy cho HS lớp 4 thì ở nước ngoài phải đến lớp 7, hoặc chí ít cũng phải lớp 6 mới phải học.
 
 
Môn toán THPT thiết kế còn 3 tiết/tuần
GS Đỗ Đức Thái cho biết lúc đầu thiết kế chương trình môn toán ở THPT là 4 tiết/tuần, nhưng sau đó nhận được yêu cầu chỉ còn 3 tiết/tuần. Tuy phải “liệu cơm gắp mắm” nhưng GS Thái cho rằng, việc giảm tiết học môn này ở cấp THPT cũng có ưu điểm vì lên cấp THPT đã là giai đoạn dạy học phân hóa bằng hình thức tự chọn, nhưng môn toán vẫn là môn bắt buộc nên yêu cầu tất cả HS đều học 4 tiết toán/tuần sẽ là quá tải cho một đối tượng HS. Tuy nhiên, những HS có xu hướng học các ngành nghề liên quan nhiều đến toán thì có thể tự chọn thêm chuyên đề học tập và vẫn được học 4 tiết/tuần.

 

Toán học như một “cần câu” để người học có thể câu được miếng cơm cho mình. “Đừng hy vọng chương trình mới sẽ đưa ra những đơn vị kiến thức rất mới, chỉ có thể nói sẽ bớt đi nhiều kiến thức không cần thiết cho HS so với hiện nay”, vị GS này khẳng định.

Ông Thái cũng cho biết, ngoài chương trình chung mang tính chuẩn quốc gia, sẽ có chương trình riêng hoàn toàn cho trường chuyên sẽ được biên soạn vào năm 2018.
Sẽ đánh giá hình thức đề thi toán THPT quốc gia
Học không phải chỉ để đi thi là quan điểm được GS Thái nhấn mạnh nhiều lần. “Nhìn vào đề thi toán bây giờ, tôi rất kinh ngạc khi thấy HS phải giải những bài toán bất phương trình… mà tôi không biết về sau cuộc đời cần gì đến những phương trình đó, tính những tích phân mà không ai dùng đến cả. Rồi thì những bài toán tổ hợp mà chính những giáo sư đầu ngành về toán tổ hợp cũng phải than rằng, đến hơn 60 tuổi đời nhưng cũng chưa bao giờ phải giải một phương trình tổ hợp hoặc rút gọn một cái tổ hợp mà lại lằng nhằng như trong đề thi ĐH”, GS Thái dẫn chứng.
Ông Thái cho rằng, tâm lý học để đi thi, thi gì học nấy từ bao nhiêu năm nay đã “nghiền nát” tất cả cải cách giáo dục. Chúng ta muốn HS có năng lực, muốn HS thực hành, sáng tạo… nhưng nhiều giáo viên nói đi thi chỉ có chọn một trong 4 đáp án đúng chứ có kiểm tra thực hành thí nghiệm đâu mà bắt dạy học… “Căn nguyên sâu xa của thi trắc nghiệm làm hỏng điều đó”, GS Thái nói.
“Một số cá nhân trong hội toán học VN đang kết hợp để làm một báo cáo công khai về đề thi toán theo hình thức trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Chúng tôi sẽ chọn ra 2 mã đề, phân tích dưới các góc độ: lý luận dạy học, lý luận đánh giá, tác động xã hội để cho thấy cách thức thi như vậy được gì và không được ở những điểm gì”, ông Thái cho biết thêm.

 

Tuệ Nguyễn