29/11/2024

Học toán để làm gì?

19 học sinh từ Bắc vào Nam đã tìm ra đáp án cho câu hỏi đó tại trại hè toán ứng dụng, diễn ra từ ngày 3 đến 12-8 tại ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM.

 

Học toán để làm gì?

 19 học sinh từ Bắc vào Nam đã tìm ra đáp án cho câu hỏi đó tại trại hè toán ứng dụng, diễn ra từ ngày 3 đến 12-8 tại ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM. 

 

 

 

Học toán để làm gì?
Thành Trung (bìa trái) trao đổi về toán học với các trại sinh tham gia trại hè – Ảnh: TƯỜNG HÂN

Đây là hoạt động từ dự án phi lợi nhuận Projects in Mathematics and Applications (PIMA), do nhóm du học sinh Việt Nam khởi xướng, tập hợp “anh tài” 9X từ các kỳ thi Olympic quốc tế, học sinh giỏi quốc gia và chuyên gia trong nước thực hiện. 

Dự án nhận được khoản tài trợ 3.000 USD từ ĐH Duke (Hoa Kỳ) thông qua du học sinh Cấn Trần Hạnh Trung - huy chương vàng toán Olympic quốc tế năm 2013, cựu học sinh Trường THPT Năng khiếu TP.HCM.

Đi tìm câu trả lời

Có ba đầu bài cho nhóm học sinh tham gia trại hè giải quyết: tìm mô hình toán tối ưu hóa số lượng và cách phân bố các tuyến xe buýt tại TP.HCM; mô hình toán giúp dự đoán khả năng thành công khi nghiên cứu máy móc trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh; mô hình tính toán độ ô nhiễm trên sông.

 

Để hỗ trợ kiến thức cho trại sinh, PIMA đã giới thiệu một số nền tảng về toán cao cấp và công cụ để giải quyết bài toán ứng dụng như đại số tuyến tính, toán mô hình, xác suất thống kê, giải tích, lập trình… trong những ngày đầu nhập trại.

Buổi chiều, trại sinh giao lưu với các diễn giả, chuyên gia về nghiên cứu khoa học, ứng dụng của toán trong các lĩnh vực. Ba ngày tiếp theo, các nhóm quay cuồng với các dự án liên ngành giao thông, kỹ thuật y sinh, môi trường.

Nguyễn Vĩnh Khang – giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn toán năm 2015, sinh viên năm ba ngành toán và khoa học máy tính ĐH Liberty (Hoa Kỳ) – chia sẻ: “Phần lớn mọi người nghĩ toán khô khan. Nhưng nếu biết đến toán theo hướng áp dụng thực tiễn sẽ thấy nó thú vị hơn, giúp ích hơn cho xã hội.

Thật ra, em cũng hơi nghi ngờ về khả năng sư phạm của mình. Nhưng em cố gắng đơn giản hóa kiến thức chuyên môn được thụ hưởng từ trường ĐH và trao lại cho học sinh phổ thông.

Em thấy học sinh, sinh viên Mỹ suy nghĩ thực tế, phần lớn họ quan tâm toán mô hình, em nghĩ đó là một trong nhiều lý do giúp nước Mỹ phát triển.

Em muốn chia sẻ để các bạn ở đây hiểu tầm quan trọng của toán mô hình nói riêng, toán ứng dụng nói chung trong hành trình xây dựng đất nước”.

“Học toán để làm gì? Kể cả học sinh chuyên toán, yêu toán cũng từng đặt ra câu hỏi đó. Nhưng khi chưa trả lời được, các bạn chọn rẽ nhánh theo những ngành nghề khác mà xã hội đang kỳ vọng như kỹ sư, bác sĩ…” – Cấn Trần Thành Trung, huy chương vàng toán Olympic quốc tế năm 2013, cựu học sinh Trường THPT Năng khiếu TP.HCM, trăn trở.

“Để tiếp cận toán ứng dụng, các trại sinh phải hiểu, áp dụng kiến thức toán phổ thông và toán cao cấp. Khối lượng kiến thức lớn nên ban tổ chức đã gửi nội dung bài học cho trại sinh nghiên cứu trước.

Qua hai vòng sơ tuyển, em tin các bạn đến đây có đủ khả năng và nỗ lực để hiểu, áp dụng được kiến thức vào dự án” – Thành Trung nói.

Đưa toán đến gần 
học sinh

Đứng trên bục giảng là những “giáo viên” trẻ măng 19-22 tuổi, chưa có mảnh bằng cử nhân vắt vai. Vài năm trước, họ còn ngồi rụt rè trước những người thầy lớn như Lê Bá Khánh Trình, Nguyễn Thanh Dũng, Trần Nam Dũng, Nguyễn Tăng Vũ, Nguyễn Trọng Tuấn… trong đội tuyển chuyên toán quốc gia.

Giờ đây, những hạt giống năm nào đã trở thành tấm gương cho nhiều bạn trẻ lớp 11, lớp 12 yêu toán. Về khoản tài trợ của ĐH Duke trong hai năm qua cho PIMA, Thành Trung khẳng định: “3.000 USD là học bổng nhà trường trao cho em để làm điều mình muốn. Em muốn đưa toán học đến gần hơn với học sinh Việt Nam”.

Trại sinh Võ Minh Thiên Long – 17 tuổi, học chuyên tin Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (Cần Thơ) – sôi nổi kể lại: “Sau những buổi học lý thuyết mới, chúng em lập tức được giao lưu với các thầy nghiên cứu về môi trường, y sinh.

Các thầy áp dụng chính kiến thức tụi em mới học hôm qua cho những mô hình nhỏ mà các thầy đã xây dựng. Qua đó em thấy tính ứng dụng nhanh chóng của toán, tối về em thử giải lại mô hình và hiểu sâu hơn lý thuyết.

Em thật sự ấn tượng với những nghiên cứu có thể hỗ trợ người dân trước quá trình xâm nhập mặn, tràn dầu… Em hi vọng được nghiên cứu như vậy để tạo ra mô hình hữu ích”.

Vừa đậu vào ĐH Y Hà Nội, chàng trai 18 tuổi Nguyễn Duy bay từ Thái Bình vào TP.HCM để tìm câu trả lời cho đam mê toán học của mình.

“Với sự hướng dẫn nhiệt tình của các anh, em nghĩ mình tiếp thu được khoảng 70% kiến thức. Trại hè đã củng cố hướng đi của em là toán học gắn cùng y học” – Duy nói.

Chia sẻ về 
tình yêu toán

Được tài trợ chi phí đi lại, sinh hoạt, 19 trại sinh đến từ Hà Nội, Thái Bình, Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Thuận, Kiên Giang, Cần Thơ và TP.HCM đã gặp nhau, chia sẻ với thế hệ đi trước về tình yêu toán và con đường nghề nghiệp tương lai dựa trên đam mê.

“Như một dòng chảy trở về nguồn cội” là cách ví von của TS Trần Anh Dũng – người thầy đã cùng nhiều du học sinh chinh chiến Olympic toán quốc tế. Học bổng dành cho Hạnh Trung đã vào năm cuối, PIMA đang tìm cách tiếp tục hành trình toán học trở về quê nhà, nơi còn nhiều trái tim yêu toán cần được thắp lửa.

Projects in Mathematics and Applications (PIMA) là dự án của Cấn Trần Thành Trung đề xuất lên nhà trường khi bạn đang là sinh viên năm hai tại ĐH Duke.

Trường này tài trợ một khoản học bổng cho Trung để tổ chức hoạt động mùa hè (thông qua dự án PIMA) như một cơ hội để sinh viên học tập và trưởng thành bên ngoài chương trình đào tạo của nhà trường.

Trong năm đầu tiên hoạt động, PIMA mở trang Facebook đăng những bài viết về toán ứng dụng, thu hút học sinh biết đến dự án và chiêu sinh cho trại hè năm 2016 được tổ chức tại ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP.HCM.

PIMA tiếp tục tổ chức trại hè 2017 với gần 150 hồ sơ đăng ký. Sau hai vòng sơ tuyển trực tuyến, ban tổ chức đã chọn ra 19 bạn trẻ phù hợp tham gia.

TƯỜNG HÂN