11/01/2025

Trúng tuyển nhưng không nhập học

Kết thúc xét tuyển đợt 1 kỳ tuyển sinh ĐH năm 2017 đã xuất hiện chuyện lạ: hàng ngàn thí sinh trúng tuyển nhưng không chịu nhập học!

 

Trúng tuyển nhưng không nhập học

Kết thúc xét tuyển đợt 1 kỳ tuyển sinh ĐH năm 2017 đã xuất hiện chuyện lạ: hàng ngàn thí sinh trúng tuyển nhưng không chịu nhập học!

 

 

 

Trúng tuyển nhưng không nhập học
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) còn gần 200 thí sinh trúng tuyển không xác nhận nhập học. Trong ảnh: thí sinh đến nộp phiếu điểm và nhận giấy báo nhập học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) – Ảnh: NHƯ HÙNG

Ngày 8-8, PGS.TS Đỗ Văn Xê – phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ – đã chia sẻ trên Facebook cá nhân: “Tổng kết số liệu cho thấy xuất hiện hiện tượng lạ quá “trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng không chịu học”. Chắc các thí sinh này muốn chuyển sang học nghề cho thực tế hơn? Ban giám hiệu nhà trường đang cân nhắc phương án xét tuyển đợt 2”.

Nhiều trường có dưới 50% thí sinh nhập học

Theo thống kê đến 18h30 ngày 7-8, số trường ĐH có tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học dưới 50% lên tới hàng chục, trong đó không chỉ các trường ngoài công lập mà còn có rất nhiều trường công lập. Không ít trường đã vội vã thông báo tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung ngay trong ngày 7-8.

Tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chỉ có 1.961/2.985 thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học (tỉ lệ 65%).

Bạn Huỳnh Hữu Phúc (Tam Kỳ, Quảng Nam) – một trong số thí sinh đã trúng tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM nhưng từ chối nhập học – cho biết: “Khi đăng ký xét tuyển, tôi đăng ký tám nguyện vọng, và trúng tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Tuy nhiên, tôi quyết định không nhập học trường này và đăng ký xét tuyển bằng học bạ vào một trường ĐH tư thục tại Đà Nẵng cho gần nhà”.

TS Trần Đình Lý – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – cho biết chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là 4.225, dự trù số thí sinh ảo trường đã gọi trúng tuyển 4.807 thí sinh, nhưng chỉ có hơn 3.800 thí sinh xác nhận nhập học (tỉ lệ 80%).

“Như vậy còn 20% thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học. Tình hình này không chỉ ở Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, tôi được biết hiện rất nhiều trường tỉ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học chỉ hơn 50-60%.

Với cách thức xét tuyển năm nay, thí sinh chỉ được trúng tuyển vào một trường duy nhất. Nếu từ chối nhập học, đồng nghĩa với việc thí sinh phải đăng ký xét tuyển bổ sung vào trường khác, nên thực sự tôi không hiểu được nguyên nhân chính xác việc này thế nào” – ông Lý nói.

Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM chỉ có 1.048 thí sinh đã xác nhận nhập học, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của trường là 1.615. Chiều 8-8, trường này đã công bố xét tuyển bổ sung 13 ngành với hàng trăm chỉ tiêu.

Vì sao thí sinh từ chối nhập học?

Ở những trường tốp trên vẫn có tình trạng thí sinh trúng tuyển từ chối nhập học.

Như tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) cũng còn 10% thí sinh (gần 200 thí sinh) trúng tuyển không xác nhận nhập học. Giải thích về tình trạng này, TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng nhà trường – nhận định: “Thống kê cho thấy những ngành “nóng” của trường thí sinh nhập học đủ; còn những ngành khó tuyển số thí sinh nhập học ít hơn. Có thể thí sinh trúng tuyển vào ngành không yêu thích nên không nhập học”.

ThS Phạm Thái Sơn – giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – cho biết hầu hết thí sinh trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học đều đăng ký nguyện vọng 1 vào trường. Lý giải về tình trạng này, ông Sơn cho rằng những thí sinh này có mức điểm trung bình, nên có thể đã có cơ hội trúng tuyển theo phương thức xét học bạ ở một trường nào khác.

“Thậm chí có thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học bằng cách nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia cho trường, nhưng sau đó trở lại trường để xin nhận lại. Khi hỏi lý do, các em này nói do trường tự chủ học phí hơi cao nên xin về quê xét tuyển vào trường địa phương cho đỡ bớt chi phí. Cũng có một số em bỏ ĐH để xin chuyển xuống bậc CĐ vì học phí bậc CĐ thấp hơn” – ông Sơn cho biết.

Tuy nhiên, TS Trần Đình Lý cũng cho biết thêm có thể trong số thí sinh chưa xác nhận nhập học có một số thí sinh không hiểu rõ quy chế. Một số thí sinh và phụ huynh đinh ninh sẽ nộp giấy chứng nhận kết quả thi khi nhập học chính thức, hoặc đợi giấy báo trúng tuyển mới nộp sau.

Theo ThS Nguyễn Thanh Tùng – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Văn hoá TP.HCM, năm nay nhiều trường xét tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT nên rất có thể không ít thí sinh từ chối nhập học do đã trúng tuyển ở các trường khác theo phương thức xét học bạ.

“Hiện nay các bạn trẻ có rất nhiều lựa chọn sau khi tốt nghiệp THPT. Nhiều bạn chọn hướng du học, cũng có thí sinh cho biết do điều kiện gia đình nên quyết định không học ĐH, chuyển sang học nghề để sớm ra trường có việc làm. Ngoài ra, một số bạn trong quá trình đợi kết quả xét tuyển đã đi làm, và quyết định đi làm trước rồi học sau” – ông Tùng nói.

Thí sinh chưa tính kỹ khi đăng ký xét tuyển

Theo PGS.TS Đỗ Văn Xê – phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nhiều thí sinh không nghĩ đến mình có yêu thích ngành đó.

“Thực tế, nhiều thí sinh thấy ngành nào dễ đậu là đăng ký nguyện vọng đầu, những ngành khó đậu hơn dù rất yêu thích nhưng lại xếp xuống dưới. Khi thí sinh trúng tuyển vào ngành không thích nên phải bỏ. Tuy nhiên, những thí sinh từ chối nhập học để xét nguyện vọng bổ sung quên rằng các đợt xét tuyển sau không xét đủ các ngành như ở đợt 1” – ông Xê nói.

TRẦN HUỲNH